Kết quả đạt được

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực thi chính sách ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND quận long biên, thành phố hà nội (Trang 80 - 82)

2.3. Đánh giá chung thực trạng thực thi chính sách ứng dụng công nghệ thông

2.3.1. Kết quả đạt được

Trong những năm qua, ngay từ khi mới thành lập, Quận ủy, HĐND, UBND quận Long Biên luôn xác định ứng dụng CNTT là một nhiệm vụ quan trọng, mang tính đột phá nhằm từng bước xây dựng và quản lý điều hành các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương một cách khoa học, hiệu quả.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, công tác ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn quận ngày càng được quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực. CNTT được áp dụng rộng rãi và đồng bộ với tất cả các đơn vị bao gồm khối Đảng, MTTQ, các đoàn thể và chính quyền từ quận tới các phường; gắn với hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008, 9001:2015 đảm bảo tính nghiêm túc, quyết liệt, tạo sự thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc. Quận đã chủ động đề xuất, xây dựng, triển khai các mô hình cải cách hành chính, ứng dụng CNTT được thành phố đánh giá cao.

Hệ thống hạ tầng CNTT đáp ứng cơ bản cho các ứng dụng và hoạt động. Hệ thống đường truyền kết nối từ quận đến phường; hệ thống máy chủ quản lý tập trung các ứng dụng tại quận được quan tâm đầu tư; 100% cán bộ công chức cấp quận, công chức xã phường được trang bị máy tính sử dụng trong công việc. Hệ thống phần mềm, ứng dụng phục vụ hoạt động điều hành được chủ động xây dựng gắn với thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, an ninh thông tin. Tập trung phát triển các phần mềm Quản lý văn bản đi đến, Hệ thống thư điện tử công vụ (Email), Cổng thông tin điều hành nội bộ (lớp 2) từ quận đến

các phường, Phần mềm Quản lý hồ sơ một cửa điện tử liên thông gắn với hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008; 9001:2015 (ISO Online), đảm bảo tính công khai, minh bạch, chính xác trong các quan hệ giao dịch với tổ chức, công dân; nâng cao tỷ lệ hài lòng của tổ chức, công dân khi giao dịch với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn.

Quận chủ động xây dựng và triển khai hiệu quả phần mềm Quản lý tiếp dân - theo dõi giải quyết đơn thư; vận hành hiệu quả các ứng dụng, phần mềm trong lĩnh vực tài chính, kế toán, quản lý đất đai, quản lý quy hoạch; các phần mềm chuyên ngành giáo dục; tư pháp hộ tịch, quản lý đảng viên, thu nộp đảng phí...

Đến nay, toàn bộ văn bản đi đến, các giấy mời, văn bản, tài liệu phục vụ các cuộc họp, hội nghị đã được số hoá, luân chuyển và xử lý trên hệ thống; việc in ấn, phô tô tài liệu được giảm thiểu.

Cổng thông tin điện tử quận, phường đã được đầu tư mới, bổ sung, nâng cấp và đưa vào chính thức áp dụng theo chuẩn của Thành phố; đáp ứng cơ bản theo yêu cầu NĐ 43/CP; bước đầu phát huy vai trò môi trường giao tiếp, cung cấp thông tin đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ tổ chức và công dân. Thông qua Cổng thông tin điện tử, tổ chức, công dân có thể nắm bắt được thông tin hoạt động điều hành chung của quận; tra cứu thủ tục hành chính, các hướng dẫn, biểu mẫu liên quan; tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ hành chính, thông tin quy hoạch và tra cứu các văn bản pháp luật của các cấp. Cổng thông tin điều hành nội bộ được thiết lập và duy trì; đảm bảo cho các đơn vị trong toàn quận có ngăn thư mục để cập nhật lưu trữ hồ sơ, tài liệu, văn bản và các dữ liệu cơ bản của đơn vị, các kế hoạch, lịch công tác, phân công nhiệm vụ của các cá nhân, góp phần kiểm soát, đánh giá sát thực kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị.

Theo Nghị quyết của HĐND quận, hàng năm UBND quận bố trí ngân sách cho ứng dụng CNTT cơ bản đáp ứng yêu cầu; nguồn vốn đầu tư được sử

dụng tiết kiệm, hiệu quả. Nguồn nhân lực về CNTT tại quận và cơ sở đã được tăng cường. Kỹ năng ứng dụng CNTT của đội ngũ CBCC được nâng lên rõ rệt, trực tiếp tiếp cận, vận hành và phối hợp cải tiến, mở rộng triển khai các phần mềm ứng dụng. Người đứng đầu, lãnh đạo các đơn vị trực tiếp xử lý thực hiện các nghiệp vụ quản lý điều hành thông qua hệ thống CNTT, chấm dứt tình trạng uỷ quyền xử lý trên hệ thống; góp phần thay đổi căn bản nhận thức, tư duy, phương pháp, phong cách làm việc từ quận đến các đơn vị cơ sở, là điều kiện quan trọng để hiện đại hóa hành chính.

Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp, trong hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, đơn vị kinh tế nhà nước tiếp tục được tập trung với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ và phương thức tiếp cận hiệu quả. Việc triển khai chủ trương không dùng tiền mặt để thanh toán, phát triển thương mại điện tử bước đầu được nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực thi chính sách ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND quận long biên, thành phố hà nội (Trang 80 - 82)