Với vị trí, vai trò là người lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị, chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ được cấp có thẩm quyền giao, việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của lãnh đạo, quản lý cấp vụ với các nhóm công chức còn lại là rất cần thiết, bảo đảm xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn cũng là cơ sở quan trọng để cấp có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng công chức lãnh đạo, quản lý; đồng thời cũng là cơ sở để đội ngũ công chức chuyên môn, nghiệp vụ theo dõi, giám sát, đánh giá trách nhiệm của công chức lãnh đạo, quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; phân định rõ cũng góp phần bảo đảm không để xảy ra tình trạng lạm quyền, lộng quyền trong thực thi công vụ.
Tại Bộ Nội vụ, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong các quyết định của Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, đơn vị; trong Quy chế làm việc của Bộ Nội vụ và Quy chế làm việc của từng có quan, đơn vị.
Theo đó, vụ trưởng và tương đương là người đứng đầu vụ và cơ quan, đơn vị tương đương vụ thuộc Bộ; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý; Vụ trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được Bộ trưởng giao; do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm,.. theo quy định của pháp luật và của Bộ Nội vụ.
Vụ trưởng có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ; vụ trưởng trao đổi, thống nhất trong tập thể lãnh đạo vụ những vấn đề về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ quan, đơn vị; những vấn đề về tổ chức cán bộ và những vấn đề khác khi vụ trưởng thấy cần thiết; chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đơn vị; thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu đơn vị.
Trong quá trình tổ chức thực hiện được giao, vụ trưởng chủ động giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sịnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền, hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền. Bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu lực, hiệu quả cao nhất.
Phó vụ trưởng và tương đương là người giúp việc cho cấp trưởng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chịu trách nhiệm trước Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi được phân công. Theo phân công của vụ trưởng, phó vụ trưởng tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và phát biểu ý kiến nhân danh cơ quan, đơn vị nơi công tác đối với những nội dung đã báo cáo, xin ý kiến vụ trưởng; đối với những vấn đề ngoài nội dung đã được vụ trưởng phê duyệt thì phát biểu với danh nghĩa cá nhân và chịu trách nhiệm về những vấn đề phát biểu.
Việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của vụ trưởng còn được căn cử trên bản mô tả vị trí công việc và khung năng lực, tiêu chuẩn chức danh được cấp có thẩm quyền ban hành.