lãnh đạo, quản lý cấp vụ - từ thực tiễn bộ nội vụ
3.1.1. Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của lãnh đạo, quản lý cấp vụ
Với vị trí, vai trò là người lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị, chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ được cấp có thẩm quyền giao, việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của lãnh đạo, quản lý cấp vụ với các nhóm công chức còn lại là rất cần thiết, bảo đảm xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn cũng là cơ sở quan trọng để cấp có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng công chức lãnh đạo, quản lý; đồng thời cũng là cơ sở để đội ngũ công chức chuyên môn, nghiệp vụ theo dõi, giám sát, đánh giá trách nhiệm của công chức lãnh đạo, quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; phân định rõ cũng góp phần bảo đảm không để xảy ra tình trạng lạm quyền, lộng quyền trong thực thi công vụ.
Tại Bộ Nội vụ, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong các quyết định của Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, đơn vị; trong Quy chế làm việc của Bộ Nội vụ và Quy chế làm việc của từng có quan, đơn vị.
Theo đó, vụ trưởng và tương đương là người đứng đầu vụ và cơ quan, đơn vị tương đương vụ thuộc Bộ; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý; Vụ trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được Bộ trưởng giao; do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm,.. theo quy định của pháp luật và của Bộ Nội vụ.
Vụ trưởng có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ; vụ trưởng trao đổi, thống nhất trong tập thể lãnh đạo vụ những vấn đề về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ quan, đơn vị; những vấn đề về tổ chức cán bộ và những vấn đề khác khi vụ trưởng thấy cần thiết; chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đơn vị; thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu đơn vị.
Trong quá trình tổ chức thực hiện được giao, vụ trưởng chủ động giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sịnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền, hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền. Bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu lực, hiệu quả cao nhất.
Phó vụ trưởng và tương đương là người giúp việc cho cấp trưởng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chịu trách nhiệm trước Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi được phân công. Theo phân công của vụ trưởng, phó vụ trưởng tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và phát biểu ý kiến nhân danh cơ quan, đơn vị nơi công tác đối với những nội dung đã báo cáo, xin ý kiến vụ trưởng; đối với những vấn đề ngoài nội dung đã được vụ trưởng phê duyệt thì phát biểu với danh nghĩa cá nhân và chịu trách nhiệm về những vấn đề phát biểu.
Việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của vụ trưởng còn được căn cử trên bản mô tả vị trí công việc và khung năng lực, tiêu chuẩn chức danh được cấp có thẩm quyền ban hành.
3.1.2. Kiểm soát hoạt động thực thi công vụ của lãnh đạo, quản lý cấp vụ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”, “có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ khả năng và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”.
Công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ là những người tham mưu, giúp Bộ trưởng chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi nhiệm vụ, công vụ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ căn cứ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao để chỉ đạo, điều hành công chức, người lao động thuộc quyền quản lý thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Trên thực tế trong quá trình triển khai hoạt động thực thi công vụ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ hoặc đội ngũ công chức thực thi công vụ có thể sử dụng không đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để phục vụ lợi ích của cá nhân, gia đình, dòng họ hoặc lạm quyền trong thực thi công vụ dưới hình thức lộng quyền, lạm quyền. Do đó, kiểm soát hoạt động thực thi công vụ của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý là hết sức cần thiết.
Tại Bộ Nội vụ, mọi hoạt động thực thi công vụ được thực hiện theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định, quy chế của Bộ Nội vụ; nhiệm vụ, quyền hạn của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý được quy định cụ thể trong các văn bản, như quy định về đào tạo, bồi dưỡng; thi đua, khen thưởng; nâng ngạch, bậc lương; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển;…
Việc kiểm soát hoạt động thực thi công vụ được thực hiện thông qua nhiều hình thức, do các chủ thể có trách nhiệm thực hiện theo các quy định phù hợp, thông qua các hình thức khác nhau, như:
- Kiểm soát thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị để công khai, minh bạch các hoạt động thực thi công vụ của cơ quan, làm cơ sở để công chức, người lao động thực hiện quyền giám sát.
- Kiểm soát thông qua các kỳ họp giao ban công tác định kỳ của Lãnh đạo Bộ và của Bộ. Tại đây các cơ quan, đơn vị báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, những khó khăn, vướng mắc phát sinh qua đó giúp Lãnh đạo Bộ theo dõi, kiểm soát tình hình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.
- Kiểm soát thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.
3.1.3. Bảo đảm hài hòa giữa cống hiến và đãi ngộ đối với lãnh đạo, quản lý cấp vụ
Công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức triển khai thực hiện có chất lượng, bảo đảm chất lượng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý. Đây là đội ngũ trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động thực thi công vụ, đồng thời là người theo dõi, kiểm tra, đôn đốc đội ngũ công chức thừa hành thực thi nhiệm vụ, công vụ; và cũng là những người chịu trách nhiệm chính, trực tiếp về chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, việc bảo đảm hài hòa giữa cống hiến và đãi ngộ là yếu tố quan trọng khích lệ tinh thần, thái độ làm việc của đội ngũ này.
Bảo đảm hài hòa giữa cống hiến và đãi ngộ đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ cũng cần hiểu là thưởng, phạt phải bảo đảm công bằng, khách quan, phù hợp; hình thức, mức độ khen thưởng phải dựa trên những cống hiến, thành quả mà công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ đạt được; hình thức và mức độ kỷ luật cũng phù hợp và tương thích với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm của công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ. Không vì có thành tích mà không thực hiện xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật; vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính theo quy định của cơ quan, đơn vị.
Tại Bộ Nội vụ, căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ và của cơ quan, đơn vị được giao phụ trách, điều hành hoặc lĩnh vực công tác được giao là căn cứ để Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định khen thưởng, đề bạt bổ nhiệm, cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tạo điều kiện để xem xét, đưa vào quy hoạch hoặc bổ nhiệm vào vị trí cao hơn theo đúng quy định của pháp luật và của Bộ.