Trình độ quản lý, tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ công chức đóng vai trò quan trọng trong quá trình quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về xây dựng nông thôn mới nói riêng. Nếu đội ngũ này có trình độ quản lý, quy hoạch, có sự am hiểu về tình hình địa phương và biết vận dụng kiến thức quản lý vào thực tế địa phương thì sẽ mang lại kết quả cao hơn. Ngược lại, nếu như trình độ của đội ngũ này thấp kém, chỉ biết làm theo hướng dẫn chung, không sáng tạo, chủ động sẽ không phát huy được hết lợi thế của từng địa phương. Ta có thể thấy, kết quả của công tác quản lý nhà nước về xây dựng nông thôn mới mặc dù được triển khai đồng loạt như nhau tại tất cả các địa phương, tuy nhiên kết quả thu về từ mỗi địa phương lại khác nhau. Lý do chính được đúc kết lại là do sự nhanh nhạy trong tư duy nhận thức nắm bắt vấn đề của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về xây dựng nông thôn mới nói riêng.
1.3.3. Đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội
Mỗi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới có một đặc điểm, điều kiện về tự nhiên và điều kiện về kinh tế xã hội khác nhau. Nước ta có vị trí nằm trải dài trên nhiều vĩ độ, tạo ra sự khác nhau về khí hậu, địa hình, đất
đai, tài nguyên … khác nhau. Mặt khác, nước ta là quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống trên một vùng, lãnh thổ; mỗi dân tộc mang một phong tục, tập quán riêng… Chính vì vậy, khi triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào từng khu vực, lãnh thổ sẽ mang lại kết quả khác nhau. Bên cạnh đó, yếu tố con người và văn hóa, phong tục, tôn giáo cũng là yếu tố góp phần quan trọng vào kết quả quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý nhà nước về xây dựng nông thôn mới, vì chủ thể trong xây dựng nông thôn mới ở đây chính là người nông dân. Vì vậy, con người với phong tục, tập quán, tôn giáo khác nhau cũng sẽ khiến hiệu quả việc quản lý nhà nước về xây dựng nông thôn mới khác nhau.