Cho đến nay, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Mỹ Hào đạt được những kết quả đáng ghi nhận cụ thể là cuối năm 2015, huyện Mỹ Hào có 5/12 xã được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về quá trình xây dựng nông thôn mới, về công tác quản lý nhà nước, về những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập, tính bền vững và khả năng nhân rộng của mô hình.
2.2.3.1. Những kết quả đạt được và nguyên nhân - Về những kết quả đạt được:
Chương trình xây dựng NTM đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được Huyện ủy, HĐND, UBND, BCĐ Chương trình NTM huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và quyết liệt; một số phòng, ngành của huyện đã có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với cơ quan thường trực trong tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân. Tổng hợp đến tháng 12/2015, toàn huyện đã đạt được tổng 204 tiêu chí (tăng 139 tiêu chí so với năm 2011), bình quân mỗi xã đạt 17 tiêu chí, là huyện dẫn đầu của tỉnh Hưng Yên về xây dựng NTM. Năm 2015, huyện có thêm 03 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn năm 2015, nâng tổng số xã của huyện đạt chuẩn đến nay là 5 xã, các xã còn lại đạt từ 15-16 tiêu chí. Để đạt được những kết quả trên là sự kết hợp của nhiều yếu tố:
Về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất: Mục tiêu quan trọng nhất là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân đã được thể hiện ngày càng
rõ, trên cơ sở áp dụng các mô hình sản xuất hàng hóa có hiệu quả, gắn với quy hoạch và phù hợp với đặc điểm của mỗi địa phương, đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Đời sống kinh tế - xã hội của người dân tại các xã được cải thiện. Năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 700 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 2.545 USD/năm. Đồng thời, một số lượng lớn lao động ở nông thôn đã được đào tạo nghề, tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp có thu nhập ổn định và cao hơn. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đã chuyển dịch mạnh theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng sản xuất khu vực phi nông nghiệp. Nhờ phát triển kinh tế, tăng thu nhập nên công tác giảm nghèo đã được thực hiện một cách hiệu quả.
Về phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu: Đây là nhóm tiêu chí được các địa phương quan tâm và chỉ đạo tích cực trong quá trình triển khai chương trình. Việc xây dựng nâng cấp các công trình đều do người dân và cộng đồng lựa chọn từ nhu cầu thực tế và nguồn lực tổng hợp từ nhiều nguồn, nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, người dân và vốn vay, trong đó nguồn vốn của Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất. Đóng góp của người dân chủ yếu là ngày công lao động và một phần vốn huy động từ đổi đất, hiến đất để xây dựng đường giao thông thôn, xóm, tham gia vận động nhân dân giải phóng mặt bằng…
Trong quá trình xây dựng quy hoạch, các xã đã thực hiện lấy ý kiến góp ý của cộng đồng dân cư từ khâu khảo sát, lập danh mục đầu tư, xác định nguồn vốn đến khâu hoàn thiện bộ máy quản lý điều hành theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Các địa phương đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có lợi thế, có giá trị, có sức cạnh tranh cao; lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nội dung trong quy hoạch để xây dựng kế hoạch thực hiện một cách hợp lý, bảo đảm
hoàn thành nội dung theo kế hoạch đã đề ra, đồng thời chú trọng việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư.
Nguồn lực: Đã huy động được nguồn lực tài chính nhiều hơn cho Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là Chương trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những kết quả trên đây cho thấy, quá trình quản lý nhà nước trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Mỹ Hào đã được triển khai một cách đúng đắn, kịp thời và hiệu quả. Thành công bước đầu này còn cho thấy tác động tích cực đối với các cấp, các ngành và người dân, các doanh nghiệp về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới. Qua đó, tăng lòng tin của dân cư nông thôn đối với sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước trong giai đoạn công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
- Nguyên nhân thành công:
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã thể hiện được tính đúng đắn, kịp thời, được các ngành, các cấp nhất trí cao và đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, có sự đồng thuận cao của người dân nông thôn.
Công tác tuyên truyền, chỉ đạo triển khai được chuẩn bị khá đầy đủ, được sự tham gia vào cuộc của cả bộ máy chính trị trong huyện. Các cấp ngành từ trên xuống dưới, đặc biệt là cấp cơ sở đã quán triệt và triển khai nghiêm túc để người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đây là một quá trình mang tính lâu dài. Để xây dựng nông thôn mới, trước hết phải tổ chức tốt sản xuất, phải huy động cao các nguồn lực của nhân dân địa phương, phải dựa vào sức mình là chính.
Bước đầu huy động các nguồn lực của địa phương và sự đóng góp của nhân dân, kết hợp lồng ghép bố trí kinh phí từ các Chương trình mục tiêu đầu tư cho các xã điểm xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.
2.2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân
- Về những hạn chế:
Bên cạnh những kết quả đã được thì huyện Mỹ Hào cũng mắc phải những nhược điểm và hạn chế trong quá trình triển khai xây dựng NTM, cụ thể như sau:
Công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn chưa thật đầy đủ; sự lãnh đạo, chỉ đạo ở một số xã còn chưa sâu sát, thiếu quyết liệt; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; vì vậy hết năm 2013 chưa có xã nào đạt NTM theo kế hoạch. Một số phòng, ngành của huyện chưa thật sự chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của Chương trình; sự phối hợp giữa một số phòng, ngành và phối hợp với các địa phương chưa chặt chẽ; việc lồng ghép các Chương trình, đề án, dự án trên địa bàn còn hạn chế.
Việc triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết nhiều xã thực hiện còn lúng túng. Nhiều xã đã quy hoạch rồi lại sửa lại quy hoạch, trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác quy hoạch còn hạn chế, khi vào việc thường lúng túng, dựa dẫm. Nhiều đơn vị công bố quy hoạch còn mang tính chiếu lệ, nhiều khi chưa công khai, thiếu dân chủ. Điển hình là công tác dồn điển đổi thửa làm thủy lợi nội đồng tại thôn Mão Chinh, xã Dương Quang do công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa không hợp lý, cán bộ làm quy hoạch chủ quan, duy ý chí đã dẫn đến việc nhân dân thôn Mão Chinh, xã Dương Quang bỏ cấy 4 vụ do làm hệ thống thủy lợi không hợp lý gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân và địa phương, khiến niềm tin của một bộ phận không nhỏ nhân dân trong xã đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM suy giảm, một bộ phận cán bộ thôn, xã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai xây dựng NTM của xã.
Các xã còn rất hạn chế trong việc huy động các nguồn lực, tạo nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình. Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho chương trình xây dựng NTM còn rất thấp. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn vốn vào xây dựng NTM tại một số địa phương chưa thực sự hiệu quả. Việc sử dụng lãng phí và gây thất thoát kinh phí trong xây dựng NTM trở thành vấn đề nhiều địa phương gặp phải hiện nay do công tác quy hoạch chưa sát với thực tế, phải chỉnh sửa lại quy hoạch. Nhiều địa phương thực hiện các tiêu chí đặc biệt là tiêu chí chợ nông thôn còn đang bị lãng phí do chợ xây xong rồi nhưng chưa thu hút được người dân vào trong chợ kinh doanh, các chợ cóc, chợ tạm tại mỗi xã vẫn tồn tại, gây ảnh hưởng đến giao thông nông thôn cũng như diện mạo nông thôn của các địa phương.
Công tác đánh giá thực trạng nông thôn theo tiêu chí NTM tại một số địa phương còn chưa sát với thực tế, thiếu sự quan tâm đúng mức, Một số tiêu chí đạt nhưng không cao; kết quả xử lý đất dôi dư, đất xen kẹp còn thấp; công tác dồn thửa, đổi ruộng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thực hiện còn chậm. Chuyển biến trên các lĩnh vực y tế - văn hóa - giáo dục, đào tạo nghề nông thôn chưa theo kịp với sự phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới. Môi trường nông thôn đang là vấn đề nan giải, còn nhiều bức xúc ở các địa phương.
Tiến độ triển khai đề án phát triển sản xuất ở một số xã còn chậm, kết quả phát triển sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh lớn và vừa còn ít. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ mang lại hiệu quả thấp do gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm, nhiều mặt hàng tính cạnh tranh trên thị trường còn thấp.
Về tiêu chí cơ cấu lao động: Đây là một trong những tiêu chí được cho là rất khó hoàn thành đối với các xã. Thực tế trong 30 năm qua, trên phạm vi vĩ mô, lao động trong khu vực nông nghiệp giảm bình quân mỗi
năm 1%, nhưng số lượng tuyệt đối vẫn tiếp tục tăng lên. Như vậy, đến năm 2020, tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm xuống còn dưới 30% (tính chung cả nước), mỗi năm phải giảm gần 2% - đây là một tốc độ rất cao, rất khó thực hiện và khó có khả năng đạt được.
Về công tác đào tạo nghề cho nông dân, nhìn chung chưa gắn với các dự án, chương trình và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Nhiều cơ sở dạy nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề cho nông dân còn
ở tình trạng dạy chay, thiếu giáo viên có chất lượng, thiếu thiết bị phục vụ thực hành. Đặc biệt, kế hoạch dạy nghề chưa căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động, của sản xuất kinh doanh.
Vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới vẫn còn rất mờ nhạt. Tuy được coi là chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân chưa thực sự hiểu rõ về nông thôn mới và có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước, do đó, chương trình chưa thực sự huy động được các nguồn lực từ người dân và công đồng. Chính quyền còn phải tham gia sâu vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế của các hộ như vận động và hỗ trợ các hộ cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi theo cách ”cầm tay chỉ việc”.
- Nguyên nhân:
+ Nguyên nhân khách quan:
Tình hình kinh tế hiện nay gặp khó khăn nên nguồn vốn (nhất là vốn huy động trực tiếp trong nhân dân và doanh nghiệp) rất hạn chế, nguồn vốn thực hiện chủ yếu từ ngân sách nhà nước.
Một số chỉ tiêu, tiêu chí yêu cầu lớn nên khó thực hiện, khó nâng cao. Một số xã đạt yêu cầu về các tiêu chí này nhưng không cao. Cụ thể như trong
tiêu chí về y tế có nội dung “tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế” các xã của huyện Mỹ Hào đã đạt yêu cầu về tiêu chí này nhưng tỷ lệ chỉ trên 70%. Hay trong tiêu chí môi trường có nội dung “không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường sanh – sạch – đẹp; các cơ sở sản xuất – kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường”. Nội dung này các xã của huyện Mỹ Hào đã đạt, tuy nhiên để duy trì được là rất khó khăn vì Mỹ Hào đã được Bộ Xây dựng ra quyết định công nhận là đô thị loại IV, đang phấn đấu trở thành thị xã công nghiệp, dịch vụ trong thời gian tới, là điều kiện để nhân dân đẩy mạnh các hoạt động sản xuất – kinh doanh; trong những năm tiếp theo, việc quản lý về vấn đề môi trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
+ Nguyên nhân chủ quan:
Sự vào cuộc của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa quyết liệt, thiếu tâm huyết, thiếu trách nhiệm; còn có ý thức trông chờ, ỷ lại, việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban quản lý chưa rõ ràng dẫn đến việc triển khai tổ chức thực hiện chương trình còn yếu và chưa kịp thời.
Năng lực cán bộ lãnh đạo một số xã còn hạn chế, chưa chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên; Thiếu chủ động, chưa tích cực trong việc triển khai chương trình, việc phối hợp với đơn vị tư vấn chưa kịp thời, sát sao, còn khoán trắng cho đơn vị tư vấn dẫn đến tiến độ thực hiện chậm so với Kế hoạch. Cán bộ theo dõi NTM cấp xã năng lực còn hạn chế, lúng túng và chưa thật sự sâu sát với Chương trình.
Do bộ phận tham mưu cấp huyện còn kiêm nhiệm. Một số phòng, ngành của huyện chưa chủ động, tích cực trong việc phối hợp chỉ đạo các xã theo tiêu chí ngành dọc; chưa sâu sát để nắm bắt tình hình và tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở; còn tư tưởng ỷ lại, coi đây là trách nhiệm riêng của
ngành Nông nghiệp. Một số thành viên BCĐ chưa tích cực đi cơ sở hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng NTM tại địa bàn được phân công.
UBND các xã chưa có kế hoạch và giải pháp cụ thể nhằm phát huy các nguồn lực trong cộng đồng dân cư; nguồn vốn của Ngân sách xã chủ yếu dựa vào đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất.
Như vậy xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị - xã hội, từ các cơ quan quản lý nhà nước cho đến các tầng lớp nhân dân, vì vậy xây dựng nông thôn mới không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là phong trào thi đua của từng gia đình, thôn xóm cho đến mỗi cơ quan, đơn vị. Chương trình MTQG xây dựng NTM đã bắt đầu thu được những kết quả khả quan ban đầu; tuy nhiên, để các địa phương trên cả nước đạt chuẩn NTM là công việc còn rất khó khăn trước mắt; bên cạnh đó, xây dựng được NTM mới rồi, nhưng để giữ được NTM và tiếp tục phát huy những giá trị mà Chương trình MTQG xây dựng NTM mang lại đối với toàn thể xã hội sẽ đòi hỏi mỗi cá nhân trong cộng đồng dân cư và các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương phải nỗ lực hơn nữa để thực sự là “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”.
CHƯƠNG 3
PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN MỸ HÀO, TỈNH HƯNG YÊN