rong giai đoạn năm 2014 đến năm 2017, trong nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính và thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên trên địa bàn thành phố Huế, Công an thành phố đã tiến hành xử lý 586 vụ việc vi phạm hành chính với 633 đối tượng là người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính, phạt tiền 124 trường hợp với tổng số tiền phạt là 37.200.000 đồng; Tiến hành cảnh cáo, nhắc nhở 504 trường hợp. Về thực hiện biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính đã tạm giữ 79 lượt phương tiện do người chưa thành niên điều khiển để bảo đảm xử phạt hành chính.
Thống kê các hình thức xử phạt vi phạm hành chính do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn thành phố Huế (trong các năm từ 2014 đến 2017) trong bảng số liệu 8 (xem phụ lục).
Đối với đối tượng vi phạm là người chưa thành niên, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, các lực lượng chức năng chủ yếu vận dụng thực hiện hình thức nhắc nhở, cảnh cáo với mục đích giáo dục, uốn nắn, chấn chỉnh hành vi vi phạm, kết hợp việc tuyên truyền, giải thích, phổ biến kiến thức pháp luật để người chưa thành niên vi phạm ý thức được hành vi sai trái, nắm được cơ bản qui định của pháp luật để không tái phạm. Từ số liệu có thể nhận thấy hình thức xử phạt này chiếm tỷ lệ 80% trên tổng số trường hợp vi phạm. Còn lại hình thức xử phạt phạt tiền chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng số trường hợp vi phạm.
Biểu đồ 2.11: Số liệu so sánh giữa các hình thức xử phạt vi phạm hành chính do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn
thành phố Huế (trong các năm từ 2014 đến 2017)
Đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính thì hình thức xử phạt chính được các cơ quan có thẩm quyền áp dụng thường xuyên, phổ biến là hình thức nhắc nhở. Biện pháp này trên thực tế có hiệu quả áp dụng cao, các đối tượng người chưa thành niên vi phạm thường được gia đình, nhà trường phối hợp giám sát, động viên nên không tái phạm. Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng hơn thì áp dụng hình thức phạt tiền. Nhìn chung các hình phạt áp dụng đều đem lại hiệu quả và mang tính răn đe đối với các đối tượng người chưa thành niên vi phạm, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình hình vi phạm. Nhận thức về pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của các đối tượng người chưa thành niên vi phạm được cải thiện rõ ràng.
Tuy vậy trong quá trình triển khai xử phạt vi phạm hành chính thực tế, các cơ quan thực thi pháp luật trên địa bàn Thành phố, đặc biệt lực lượng công an Thành phố và các phường, cũng gặp một số vướng mắc, khó khăn làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thực thi pháp luật xử lý vi phạm hành chính và tác dụng giáo dục, ngăn ngừa.
Thứ nhất, việc thực hiện gửi Quyết định thi hành xử phạt vi phạm hành chính (qui định tại điều 70 Luật XLVPHC) trong thực tế gặp phải một số khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý vi phạm hành chính vì với khối lượng quyết định xử phạt nhiều như hiện nay thì trong vòng 2 ngày là không khả thi, không thể gửi hết được cho người vi phạm; Hơn nữa người chưa thành niên vi phạm hành chính như đã phân tích ở nội dung trước chủ yếu trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, phần lớn không nắm chính xác hoặc không đầy đủ địa chỉ nơi cư trú, nhiều trường hợp địa chỉ ghi trong giấy tờ khác với địa chỉ nơi cư trú thực tế, nên có nhiều trường hợp gia đình nơi cứ trú hoặc người chưa thành niên vi phạm không nhận được quyết định xử phạt.
Thứ hai, việc thông báo hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến nơi cư trú, nhà trường của người chưa thành niên vi phạm tuy được thực hiện nhưng cơ quan chức năng rất ít nhận được thông tin phản hồi từ đơn vị nhận được thông báo, do đó hạn chế trong việc phối hợp để giáo dục, quản lý người chưa thành niên vi phạm hành chính như theo quy định.
Thứ ba, số lượng đối tượng người chưa thành niên vi phạm hành chính chưa chấp hành quyết định nộp phạt còn có, nguyên nhân của tình trạng trên một phần do thất lạc quyết định khi gửi như đã phân tích trên, một phần khác là do do tâm lý các đối tượng người chưa thành niên khi vi phạm hành chính thì sợ sệt, tìm cách che dấu không cho gia đình, nhà trường biết, và từ đó lơ là, không chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính hoặc chậm trễ, kéo dài.
Thứ tư, trên thực tế việc mua, bán, cho, tặng phương tiện không thực hiện đúng, kịp thời quy định như không sang tên, đổi chủ... nên công tác xác minh chủ phương tiện gặp nhiều khó khăn, một số trường hợp vi phạm các lỗi có mức phạt cao hơn giá trị phương tiện nên không chấp hành việc xử phạt gây khó khăn trong quá trình xử lý làm tăng số lượng hồ sơ tồn chưa thi hành quyết định.
Bên cạnh đó, về điều kiện trang thiết bị kỹ thuật để phục vụ cho các cơ quan chức năng, lực lượng công an nói chung và đối với công tác phát hiện, xử lý vi phạm hành chính nói riêng còn thiếu và lạc hậu, hồ sơ chủ yếu vẫn lưu trữ nội bộ, tìm kiếm dưới dạng giấy tờ thủ công, rất khó khăn, mất nhiều thời gian, hiệu quả không cao mà chưa có được sự hỗ trợ của công nghệ, kết nối mạng, phần mềm tra cứu, lưu trữ, liên thông dữ liệu giữa các đơn vị trên địa bàn Thành phố. Điều kiện về kho bãi để quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu gây khó khăn và làm hạn chế hiệu quả công tác xử phạt.