2.3.2.1. Hạn chế
Bên cạnh những kết quả như đã trình bày ở trên, công tác phòng, chống tham nhũng của Thanh tra tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định:
- Công tác thanh tra trong toàn tỉnh vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra và với kiểm tra, kiểm toán. Một số cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch; hoặc còn để kéo dài, nhất là thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra đột xuất, dư luận xã hội quan tâm, đòi hỏi tiến độ nhanh để phục vụ yêu cầu quản lý và công khai; một số cuộc thanh tra chất lượng thanh tra chưa cao, biện pháp xử lý chưa rõ. Công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động thanh tra tại một số nơi chưa được chặt chẽ. Việc công khai kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật chưa được quan tâm đúng mức. Công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra có nhiều tiến bộ, tích cực cả về phương pháp, cách thức xử lý nhưng tỉ lệ thu hồi, xử lý khác về tiền, tài sản, đất đai chưa đạt yêu cầu đề ra; việc theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện kiến nghị trong kết luận thanh tra, nhất là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách chưa kịp thời, thường xuyên; việc phối hợp trong giám sát hoạt động đoàn thanh tra còn có mặt hạn chế. Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, một số lĩnh vực đang được dư luận xã hội và báo chí quan tâm chưa được triển khai chủ động, kịp thời. - Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Trách nhiệm của Giám đốc cấp sở, Chủ tịch UBND cấp huyện tại một số nơi chưa cao, chưa làm tròn trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một số địa phương có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền
đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Ở địa phương, nhất là cấp cơ sở vẫn còn nhiều vụ việc giải quyết chậm, chất lượng hạn chế, sai sót trình tự, thủ tục. Một số địa phương giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng ban đầu triển khai tốt, nhưng sau thực hiện chậm, thiếu kiên trì, quyết tâm chưa cao. Chức năng quản lý nhà nước chưa chú trọng, quan tâm đúng mức, nhất là công tác nắm bắt tình hình, đôn đốc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
- Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tham nhũng của các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố vẫn còn thiếu quyết liệt. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Công tác phòng, chống tham nhũng tại các ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít so với thực tế vi phạm. Việc nắm bắt tình hình để tham mưu thanh tra đột xuất các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng còn ít; việc xử lý đơn thư tố cáo, thông tin phản ánh về tham nhũng phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát hiện hành vi tham nhũng còn lúng túng, chưa phát huy hiệu quả.
2.3.2.2. Nguyên nhân
- Về khách quan: do phòng ngừa tham nhũng có nội hàm rộng, đa dạng và phức tạp, liên quan đến nhiều chính sách, pháp luật và hầu hết các lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua mới tập trung thực hiện ở khu
vực công và đối với người có chức vụ, quyền hạn. Trong khi đó, các mối quan hệ kinh tế - xã hội làm nảy sinh tham nhũng lại rất phức tạp, không chỉ bó hẹp trong khu vực này. Ngoài ra, công tác phòng ngừa, chống tham nhũng là công việc phức tạp, đòi hỏi phải tập trung rất cao sự chỉ đạo, điều hành cũng như nỗ lực thực hiện của cả hệ thống chính trị; gắn liền với hiệu quả xây dựng thể chế, cải cách bộ máy nhà nước và nền hành chính, cải cách tư pháp; liên quan đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức v.v… Để thực hiện tốt những công việc trên đây đòi hỏi phải có thời gian, có bước đi phù hợp và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, có sự đồng tình, ủng hộ cũng như phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của xã hội.
Bên cạnh đó, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng cũng là công việc rất khó khăn, phức tạp, cần phải thận trọng, khách quan trong khi đó các thủ đoạn, hành vi tham nhũng ngày càng phức tạp và tinh vi hơn, đặc biệt là các vụ việc có tổ chức, liên quan đến nhiều cán bộ, công chức. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kéo dài của một số cuộc thanh tra.
- Về chủ quan: Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; một số nơi có biểu hiện coi nhẹ, chậm chỉ đạo thực hiện, không thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; đã phát hiện nhiều vụ án tham nhũng lớn người đứng đầu là chủ mưu, đồng phạm, lợi ích nhóm, bao che cho tham nhũng. Việc quán triệt, chấp hành các quy định về phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Ở nhiều nơi vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ quản lý và đảng viên không được phát huy đúng mức. Công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa tham nhũng còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều quy định qua quá
trình thực hiện, sơ kết, tổng kết đã bộc lộ hạn chế, bất cập nhưng việc sửa đổi, bổ sung, khắc phục còn chậm; việc cụ thể hóa các biện pháp phòng ngừa tham nhũng khi xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội chưa được chú trọng đúng mức; một số nội dung, biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng hoặc đã có chủ trương, nghị quyết của Đảng nhưng chưa được nội luật hóa, thể chế hóa kịp thời…
Một số quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng của các cơ quan thanh tra nhà nước còn thiếu và bất cập, gây khó khăn cho hoạt động của Thanh tra tỉnh.
Tổ chức bộ máy của Thanh tra trên toàn tỉnh còn bất cập, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra và bị quá tải so với khối lượng công việc.
Tiểu kết Chương 2
Qua nghiên cứu thực trạng vai trò của Thanh tra tỉnh trong PCTN cho thấy:
Vai trò của thanh tra trong PCTN đã được khẳng định, ngành thanh tra đã có đóng góp đáng kể vào công cuộc phòng ngừa và chống tham nhũng. Thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các quy định khác của pháp luật, mỗi năm ngành thanh tra đã phát hiện, xử lý hàng trăm hành vi tham nhũng, xử lý kỷ luật và đề nghị khởi tố hàng chục người; thanh tra góp phần giữ gìn trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền PCTN, xây dựng và hoàn thiện thể chế PCTN.
Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, Thanh tra tỉnh chưa thể hiện được đúng tầm vóc, sứ mệnh của mình trong PCTN. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn ít, chưa nghiêm, chưa triệt để; pháp luật PCTN còn nhiều bất cập; công tác tuyên truyền còn nặng về hình thức, hiệu quả chưa cao. Thực trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Từ các nguyên nhân đó, các phương hướng, giải pháp tăng cường vai trò của Thanh tra tỉnh trong PCTN sẽ được đề cập ở chương 3.
Chương 3
PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA
THANH TRA TỈNH TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG – TỪ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NAM