Đảng, Nhà nước có định hướng chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường phòng ngừa và chống tham nhũng trên phạm vi toàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và quản lý nhà nước về PCTN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
1.4. Một số kinh nghiệm trong nước về phòng, chống tham nhũng
1.4.1. Kinh nghiệm của một số tỉnh trong nước về phòng, chống tham nhũng nhũng
1.4.1.1. Kinh nghiệm chống tham nhũng của tỉnh Quảng Ngãi
Qua hơn 12 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quãng Ngãi đã được các cấp uỷ đảng và chính quyền trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ và chính quyền địa phương.
Vậy làm thế nào để Quảng Ngãi có thể đạt được kết quả như vậy? Sau đây là một số bài học kinh nghiệm rút ra từ việc chống tham nhũng ở tỉnh này:
Thứ nhất, Quảng Ngãi đã xây dựng được cho mình một quyết tâm chống tham nhũng hết sức mạnh mẽ. Đầu tiên, đó là sự quyết tâm chính trị của cấp ủy và chính quyền, nhất là sự gương mẫu và quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đối với công tác PCTN. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và trong cơ quan Nhà nước; các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan phải quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên; thường
xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, ngăn ngừa và phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm để xử lý kịp thời.
Thứ hai, Quảng Ngãi đã phải triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Phải cụ thể hóa nội dung phòng ngừa trong từng cơ quan, đơn vị có trọng tâm, trọng điểm để triển khai thực hiện phòng ngừa có hiệu quả, tránh việc xác định nội dung chung chung, dàn trải không phù hợp với cơ quan, đơn vị mình. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và áp dụng công nghệ thông tin, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, mà trọng tâm là thủ tục hành chính là vấn đề ưu tiên nhất làm giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa công dân, doanh nghiệp với công chức trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ ba, Quảng Ngãi đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân; phải xây dựng văn hóa PCTN; tăng cường dân chủ ở cơ sở, thực hiện có hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; củng cố và tăng cường các thiết chế dân chủ ở cơ sở, nhất là thiết chế Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện và tăng cường chất lượng hiệu quả việc đối thoại của bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan nhà nước với nhân dân; chú ý việc xử lý sau đối thoại. Đẩy mạnh công khai, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận đầy đủ các chính sách, nhất là chính sách ưu đãi và được tham gia triển khai thực hiện các chính sách một cách công bằng, dân chủ.
Thứ tư, phải chú trọng việc tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ chống tham nhũng thật sự chuyên nghiệp, bản lĩnh và có độ trung thành cao với Đảng và Nhà nước [29].
1.4.1.2. Kinh nghiệm chống tham nhũng của tỉnh Bình Định
Giống như Quãng Ngãi, tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bình Định trong những năm qua đã có chuyển biến theo hướng giảm về số lượng vụ việc.
Các biện pháp phòng, chống tham nhũng được tỉnh Bình Định sử dụng chủ yếu như sau:
Một là, nắm vững và vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp các quan điểm, chủ trương, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và các quy định của Luật PCTN vào tình hình, điều kiện cụ thể của từng ngành, địa phương; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả trong từng giai đoạn cụ thể; có sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm cho từng giai đoạn và đề ra nhiệm vụ tiếp theo.
Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đồng thời đề cao vai trò nòng cốt của các cơ quan chuyên trách về PCTN; tạo sự đồng thuận và quan tâm ủng hộ của toàn xã hội, nhất là của quần chúng nhân dân, các cơ quan báo chí trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về PCTN.
Ba là, trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN phải nhạy bén, sáng tạo, kiên quyết, kiên trì; chú trọng thực hiện trước hết công tác phòng ngừa, coi việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị - đây là nhiệm vụ, biện pháp quan trọng hàng đầu, quyết định hiệu quả công tác PCTN. Thực hiện tốt công tác dự báo, nắm tình hình để chủ động và kịp thời có biện pháp chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bốn là, tạo sự thống nhất trong nhận định, đánh giá tình hình tham nhũng, đánh giá kết quả công tác PCTN và các chủ trương, giải pháp về
PCTN; có chế tài xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu, người có thẩm quyền không thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp PCTN trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý [30].
1.4.1.3. Kinh nghiệm chống tham nhũng của tỉnh Quảng Ninh
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành hàng loạt các biện pháp mạnh nhằm trừng trị những kẻ tham nhũng, kể cả các vụ liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến cán bộ Lãnh đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Những nỗ lực này đã đem lại cho tỉnh Quảng Ninh những thành công bước đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đầy khó khăn, thử thách và phía trước vẫn còn quá nhiều chông gai.
Thứ nhất, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Luật PCTN và xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 để định hướng và chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện Luật. Đồng thời chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN đến cán bộ, đảng viên và nhân dân gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Thứ hai, về việc kiện toàn bộ máy chỉ đạo, các đơn vị chuyên trách về PCTN.
Thứ ba, về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng: Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc công khai, dân chủ trong tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện tốt việc chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP. Đã tăng cường phân cấp quản lý cho các Sở, ngành, địa phương; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức kinh tế, đơn vị hành chính sự
nghiệp công lập; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu về công tác PCTN.
Tỉnh đã chỉ đạo hoàn thiện các quy định về quản lý kinh tế, xã hội phục vụ công tác PCTN; chỉ đạo tăng cường rà soát, ban hành các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, tập trung vào các lĩnh vực: XDCB, quản lý đất đai, sử dụng ngân sách, tài sản công...; Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt một số nội dung đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần từng bước xây dựng một nền hành chính lành mạnh, minh bạch như:
+ Tỉnh đã tập trung xây dựng Đề án Chính quyền điện tử và Trung tâm hành chính công, nhằm tách biệt dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lý nhà nước và hoạt động theo nguyên tắc tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt tại chỗ, nhằm công khai, minh bạch quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả, có giám sát của nhân dân, qua đó tạo bước đột phá nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, công khai, minh bạch, góp phần hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện các TTHC trên địa bàn. Đến nay, Trung tâm Hành chính công của Tỉnh và 14/14 Trung tâm Hành chính công cấp huyện đã đi vào hoạt động ổn định, trên 90% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ban, ngành, địa phương đã được đưa vào thực hiện tại các Trung tâm Hành chính công và được cắt giảm tối đa trên 40% thời gian giải quyết TTHC, đồng thời đã chỉ đạo triển khai xây dựng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại ở cấp xã theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đã chọn chủ đề năm về nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị hành chính công, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện ở các cấp chính quyền, đặc biệt là ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo thiết lập đường dây nóng phản ánh các kiến nghị của người dân trong giải quyết các TTHC và chỉ đạo các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, thanh tra công vụ đột xuất đối với các cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC, đặc biệt là các TTHC về đất đai, xây dựng, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ.
+ Trong công tác cán bộ: Tỉnh đã xây dựng và thí điểm thực hiện Đề án tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo các Sở, ngành và một số vị trí, như: thi tuyển chức danh Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông, Trưởng BQL Vịnh Hạ Long, Phó Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tư pháp, Nội vụ, Ngoại vụ, Khoa học và Công nghệ.
+ Về phát huy vai trò báo chí: UBND tỉnh Quảng Ninh luôn xác định rõ vai trò quan trọng của cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng, trên thực tế các cơ quan báo chí đã hỗ trợ rất tích cực trong một số vụ việc như: Dự án Vonfram tại Móng Cái, Ba Chẽ; vi phạm khai thác than trái phép, ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long; quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản... Do vậy, UBND tỉnh đã ký hợp tác với 31 cơ quan báo chí trong công tác phối hợp, tuyên truyền. Thực hiện họp báo công khai các vụ việc xử lý tiêu cực ở địa phương, các vụ việc tham nhũng...
+ Về huy động lực lượng tham gia phòng chống tham nhũng: Tỉnh đã tổ chức tốt việc đối thoại với các doanh nghiệp, xây dựng phương án tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả như tổ chức tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân tỉnh có sự hiện diện của các huyện, thị xã, thành phố qua
hệ thống Công nghệ thông tin (trực tuyến) nhằm minh bạch thông tin, giải quyết kịp thời, nhanh chóng.
+ Trong lĩnh vực giáo dục: Tỉnh đã có chủ trương cấm dạy thêm, học thêm; được dư luận xã hội hoan nghênh, đồng tình ủng hộ, nhất là phụ huynh và học sinh (chỉ đạo ngành Giáo dục mở đường dây nóng để tiếp cận thông tin).
Thứ tư, đã phát huy vai trò, trách nhiệm và sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân đối với công tác PCTN, lãng phí [31].
1.4.2. Giá trị tham khảo đối với Thanh tra tỉnh Quảng Nam
Qua nghiên cứu khái quát về các chủ trương, giải pháp PCTN của một số nước, có thể rút ra vài bài học kinh nghiệm cho ngành Thanh tra tỉnh Quảng Nam để ngày càng làm tốt hơn vai trò của mình trong thời gian tới.
Thứ nhất, các tỉnh đều quyết tâm chống tham nhũng nhưng mức độ quyết tâm khácnhau, trong đó, tỉnh nào có ban lãnh đạo tỉnh và người đứng đầu thực sự quyết tâm chống tham nhũng và bản thân họ thực sự liêm khiết, thì cuộc đấu tranh ở nước đó sẽ có hiệu quả cao (Quảng Ninh), số vụ tham nhũng giảm nhiều. Vì vậy, ngành thanh tra tỉnh Quảng Nam cần chống tham nhũng quyết liệt, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các biện pháp hữu hiệu để chống tham nhũng. Phải xây dựng được một quyết tâm chống tham nhũng thật sự mạnh mẽ trong Đảng, Nhà nước và thu hút được đông đảo quần chúng tham gia.
Thứ hai, trong đấu tranh chống tham nhũng, phòng ngừa là giải pháp cơ bản, có tính chiến lược và mang lại hiệu quả cao. Để phòng ngừa tốt, thanh tra cần chú ý tham mưu, kiến nghị, triển khai việc giáo dục đạo đức và quản lý chặt chẽ đội ngũ công chức; thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là hoạt động tài chính,
tuyển dụng, đề bạt công chức. Đồng thời, phải phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh để trừng trị nghiêm khắc những kẻ tham nhũng. Bởi vì, trong đấu tranh chống tham nhũng nếu chỉ chú trọng đến phòng ngừa mà không trừng trị nghiêm khắc những kẻ tham nhũng thì không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, không hạn chế được tham nhũng mà trái lại còn làm cho tệ tham nhũng gia tăng mạnh mẽ hơn. Ngược lại, nếu chỉ chú trọng đến trừng trị, xử lý mà không làm tốt phòng ngừa thì không thể loại trừ tận gốc được tham nhũng. Do đó, để đấu tranh có hiệu quả đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ hai hình thức này.
Thứ ba, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Ninh coi trọng việc thành lập các cơ quan chống tham nhũng chuyên trách có quyền lực lớn. Vì vậy, trong phạm vi của mình, ngành thanh tra cần xây dựng, hoàn thiện các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng ở cả phương diện tổ chức, quyền hạn và hoạt động. Trước mắt cần củng cố, kiện toàn bộ máy cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống tham nhũng, về lâu dài cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng các thiết chế chống tham nhũng độc lập khác trong ngành thanh tra.
Tiểu kết Chương 1
Qua nghiên cứu những vấn đề lý luận về tham nhũng cho thấy Thanh tra tỉnh có vai trò quan trọng trong PCTN. Thanh tra tỉnh góp phần đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, ngăn ngừa những mầm mống của tham nhũng; thanh tra phát hiện, xử lý những hành vi tham nhũng và so với các phương thức khác, thanh tra là công cụ hữu hiệu để nhà nước PCTN hiệu quả. Việc đánh giá vai trò của thanh tra trong PCTN cần căn cứ vào các tiêu chí được xây dựng một cách khoa học, dựa trên căn cứ pháp luật nhưng có tính đến các đặc điểm đặc thù của ngành thanh tra. Vai trò của Thanh tra tỉnh trên thực tế được thể hiện như thế nào sẽ được đề cập cụ thể trong phần chương 2.