3.2.1.1. Hoàn thiện các quy định pháp luật về bình đẳng giới
Một là, Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần rà soát lại
toàn bộ các văn bản hiện hành liên quan đến bình đẳng giới, chú ý đến sự phù hợp giữa các quy định với đặc điểm đặc thù của phụ nữ, đặc điểm riêng của từng ngành, nghề; chú ý đến mối quan hệ giữa nội dung các quy định của pháp luật với cơ chế pháp lý bảo đảm nội dung đó được thực hiện trong thực tế; mức độ thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; cơ chế pháp lý bảo đảm thực hiện của pháp luật về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công việc tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Bình đẳng giới năm 2006 để có cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định liên quan đến vấn đề này.
Hai là, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để đảm bảo quyền bình
đẳng giới thực chất trong mọi lĩnh vực như: Luật bình đẳng giới, Nghị định số 70/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới về trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới và phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới; Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2009 quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới. Việc sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật về bình đẳng giới cần đảm bảo bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo tính phù hợp, thống nhất, đồng bộ giữa các Luật, Nghị định trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội về bình đẳng giới. Đặc biệt, Cần sửa đổi bổ sung Luật bình đẳng giới và Nghị định số 55/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới theo hướng đa
dạng các đối tượng, nhiều quy phạm nên theo cách diễn đạt “Quy phạm trực tiếp”, bao gồm cả ba phần giả định, quy định và chế tài, tương ứng với hành vi vi phạm là chế tài xử lý. Như vậy, mới đảm bảo cơ cấu logic của quy phạm pháp luật, thể hiện mục đích, yêu cầu của điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội. Các điều luật quy định các hành vi vi phạm của Luật Bình đẳng giới và Nghị định số 55/2009/NĐ-CP hầu hết còn sử dụng phương thức viện dẫn luật điều này làm cho việc thực thi, áp dụng Luật bình đẳng giới và nghị định số 55/2009/NĐ-CP trong thực tiễn còn nhiều khó khăn vướng mắc, tính khả thi chưa cao.
Bên cạnh việc sửa đổi bổ sung cần rà soát, hợp nhất và thiết lập lại hệ thống các chế tài pháp luật về bình đẳng giới đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật bình đẳng giới, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, phải đảm bảo tính dự báo ít nhất từ 10 đến 20 năm. Trong quá trình rà soát và hệ thống hóa văn bản phải phân loại và xác định những quy phạm nào không còn phù hợp hoặc trùng lắp, chống chéo cần lược bớt hoặc sửa đổi bổ sung, hợp nhất cho phù hợp, những văn bản nào đã ban hành mà tính khả thi không cao, không phù hợp thì phải có biện pháp khắc phục như bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung.
Cùng với Luật Bình đẳng giới và các văn bản cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam cần phải được lồng ghép thể hiện trong hầu hết các văn bản pháp luật chuyên ngành như Bộ Luật lao động, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự…cũng như các văn bản pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
3.2.1.2. Thực hiện cơ chế liên ngành về bình đẳng giới
Duy trì thực hiện một cơ chế liên ngành về bình đẳng giới trong đó, có một danh sách các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức với trách nhiệm cụ thể liên
quan đến bình đẳng giới và quy định rõ trách nhiệm trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ. Cơ chế này được đặt dưới sự lãnh đạo của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, trong đó Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần xác định rõ chủ trương và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, phê chuẩn ban hành các văn bản, các chính sách bình đẳng giới phù hợp với các văn kiện quốc tế, yêu cầu tiến hành thường xuyên công tác giám sát, đánh giá và báo cáo về tất cả các mục tiêu bình đẳng giới. Bộ LĐTB&XH, xây dựng chiến lược, chính sách mục tiêu quốc gia và tổng kết việc thực hiện các mục tiêu quốc gia, xây dựng hướng dẫn theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới. Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì đánh giá giới cũng như việc lồng ghép giới trình Chính phủ, Quốc hội ban hành. Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề liên quan đến sự tiến bộ của phụ nữ. UBND các cấp và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật liên quan đến sự tiến bộ của phụ nữ, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến sự tiến bộ của phụ nữ. Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện bình đẳng giới. Mục tiêu bình đẳng giới không thể đạt được nếu chỉ thông qua hoạt động đơn lẻ của một vài cơ quan, bộ phận như Hội LHPN, Ban VSTBPN, Ban nữ công hay Ủy ban quốc gia. Để đạt được mục tiêu đó cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết tâm cao và hành động cụ thể của tất cả các cơ quan nhà nước, các ngành các cấp, cùng với đó là phải có đội ngũ cán bộ nắm rõ trách nhiệm của bản thân đổi mới lề lối làm việc trên tinh thần trách nhiệm giới.
3.2.1.3. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý vi phạm về bình đẳng giới
Ngày 10/06/2009 Chính phủ ban hành nghị định số 55/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới. Đây là công cụ pháp lý quan trọng để xử lý về bình đẳng giới trong các lĩnh vực và gia
đình. Tuy nhiên, để pháp luật thực sự phát huy hiệu quả thì công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát là điều cực kỳ quan trọng. Cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới theo đó, nghị định quy định chi tiết thi hành Luật bình đẳng giới cũng cần quy định rõ ràng về cơ chế thực hiện chức năng giám sát của Quốc Hội chứ không đơn thuần viện dẫn nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc Hội. Cần có những quy định cụ thể về quy trình, thủ tục thanh tra, kiểm tra, giám sát cụ thể về bình đẳng giới. Thêm vào đó, cũng cần có quy định thêm một số trách nhiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới như: giám sát việc tuân thủ những điều ước quốc tế, tổ chức hỗ trợ kỹ thuật cho nạn nhân bị phân biệt đối xử về giới, hỗ trợ và giám sát việc lồng ghép giới ở các bộ, các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác, chủ trì và phối hợp trong các sáng kiến thông tin, giáo dục và truyền thông về bình đẳng giới.
3.2.1.4. Xóa bỏ định kiến giới, tạo ra cái nhìn mới về giới và bình đẳng giới
Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã thực hiện nhiều bước đột phá từ nhận thức đến hành động về bình đẳng giới, được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Mặc dù vị thế và vai trò của phụ nữ Việt Nam đối với đất nước đã được ghi nhận và khẳng định, tuy nhiên, vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam hiện vẫn còn những bất cập. Định kiến giới là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến khoảng cách bất bình đẳng giới còn tồn tại.
Để Luật bình đẳng giới đi vào cuộc sống chúng ta cần xóa bỏ định kiến giới, tạo ra cái nhìn mới mẻ về giới và bình đẳng giới cần thực hiện thực hiện một số nội dung như sau:
Thứ nhất, giáo dục giới và gia đình chính là môi trường giáo dục ban
đầu, cha mẹ phải là tấm gương cho con cái học tập, vợ chồng bình đẳng, cùng nhau chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái, trong gia đình bố mẹ đối xử với con trai như con gái.
Thứ hai, tăng cường giáo dục bình đẳng giới trong nhà trường, các thầy cô cần có thái độ đối xử đúng mực giữa học sinh nam và học sinh nữ. Giáo dục bình đẳng giới trong nhà trường là một quá trình lâu dài và thường xuyên, cần đưa vào chương trình giáo dục các cấp về bình đẳng giới một cách có hệ thống và nhất quán. Giáo dục ngay từ cấp mầm non, tiểu học cho đến trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Chỉnh lý, sửa đổi nội dung sách giáo khoa để có thể phổ biến chuẩn bình đẳng giới, trong đó chuyên môn kiến thức được đưa vào bình đẳng giới được huy động để đảm bảo vấn đề bình đẳng giới được đưa vào phù hợp với nội dung cần giáo dục. Muốn đạt được hiệu quả cao trong thực hiện pháp luật về bình đẳng giới thì đồng thời cần xây dựng đội ngũ giáo viêc có trình độ chuyên môn, có khả năng nhạy cảm giới, có khả năng sử dụng sách giáo khoa về giới và phương pháp phù hợp, nhà trường cũng trang bị về chương trình, giáo trình, đồ dùng về giảng dạy giới. Cần tiếp tục nỗ lực chuyển đổi nội dung tài liệu giáo dục và sách giáo khoa để phá vỡ định kiến về giới, có những biện pháp khuyến khích trẻ em gái tham gia học tập ở các lĩnh vực khác nhau. Trong chương trình giáo dục phổ thông cần đưa vào nội dung giáo dục giới tính, đề cập đến các khía cạnh khác nhau của giới.
3.2.1.5. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới
Song song với việc ban hành văn bản, hoàn thiện pháp luật về bình đẳng thì việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng cần được quan tâm. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội là quan trọng, tạo tiền đề pháp lý để thực thi bình đẳng giới trên thực tế. Lồng ghép giới là đảm bảo các thể chế, chính sách, chương trình và dự án đáp ứng nhu cầu và lợi ích của tất cả các thành viên xã hội và phân phối lợi ích cho cả nam giới và phụ nữ một cách bình đẳng.
Trong quá trình xây dựng Quy chế thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã đưa nội dung đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và các tiêu chí để đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các báo cáo thẩm định. Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng tài liệu hướng dẫn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý và tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng tài liệu này cho cán bộ thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý. Trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật chuyên ngành, các cơ quan chức năng nghiên cứu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào dự thảo văn bản như: Bộ LĐTB&XH đã và đang nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật lao động, trong đó những vấn đề quy định riêng đối với lao động nữ đang được xem xét để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới; Bộ Tư pháp triển khai xây dựng dự án Luật phòng chống buôn bán người, trong đó có quy định đảm bảo quyền con người của phụ nữ và trẻ em; Bộ Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục nghiên cứu để trình ban hành chính sách hỗ trợ nhằm tăng nhanh tỷ lệ phụ nữ được đào tạo sau đại học.
Các Bộ, ngành và tỉnh, thành phố cần tiếp tục thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sắp xếp, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương. Cũng cần chỉ đạo các địa phương lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước ở cơ sở, góp phần tích cực xóa bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu và tư tưởng trọng nam hơn nữ.
3.2.1.6. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bình đẳng giới
Để đạt mục tiêu bình đẳng thật sự giữa nam và nữ, nhiều chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác, giao lưu quốc
tế về nghiên cứu pháp luật thông qua việc thường xuyên tổ chức các hội thảo khu vực và quốc tế nhằm tìm hiểu nội dung các công ước của Liên Hợp Quốc liên quan trực tiếp và gián tiếp đến việc bảo đảm các quyền của phụ nữ, kể cả những công ước các quốc gia tham dự hội thảo chưa tham gia, chưa ký kết, phê chuẩn. Các hội thảo này sẽ là những diễn đàn thích hợp giúp các quốc gia tham dự có điều kiện trao đổi áp dụng các công ước này trong hoàn cảnh và điều kiện cụ thể mỗi quốc gia, một mặt chỉ ra những điểm cần bổ sung cho công ước để phù hợp với thực tiễn đời sống quốc tế; mặt khác, rút ra những bài học trong công tác nội luật hóa và thực hiện có hiệu quả những công ước đó trong hoàn cảnh thực tiễn quốc gia mình.