- Tính hiệu lực: Tỉnh đã tổ chức thực hiện đúng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Trung ương. Bên cạnh đó đã chủ động ban hành Chương trình hành động; các chính sách, các dự án để thực hiện hỗ trợ SXNN. Trên cơ sở đó người dân, các tổ chức cá nhân, các địa phương đã triển khai, tiếp cận, thực hiện ngay khi chính sách có hiệu lực. Các chính sách của tỉnh được đánh giá đáp ứng được trên 85% mục tiêu đề ra.
Các Quy hoạch ngành trong lĩnh vực Nông nghiệp được các địa phương, các tổ chức cá nhân thực hiện tốt, đáp ứng được các yêu cầu đề ra.
Các văn bản của Trung ương, của tỉnh khi ban hành được triển khai thực hiện đảm bảo đúng yêu cầu, tiến độ và đảm bảo về chất lượng và thời gian.
Tổ chức bộ máy trong hệ thống ngành nông nghiệp đã có sự thay đổi tích cực, giảm đầu mối đơn vị và số lượng cán bộ; chất lượng cán bộ được nâng nên; thủ tục, thời gian giải quyết công việc giảm; phân cấp quản lý rõ ràng và được tuân thủ từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Tuy nhiên, một số chính sách của Trung ương khi ban hành gần như chưa tác động đến đối tượng liên quan (Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013) do người cần vốn để SXNN thì không tiếp cận được; ngân hàng thì thực hiện các quy định để đảm bảo an toàn nguồn vốn.
- Tính hiệu quả: Nhiều chương trình, chính sách đã có hiệu quả rõ nét (Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND; Nghị quyết số 22/NQ-TU…). Tỷ lệ nghèo nông thôn giảm theo các năm. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt doanh thu cao sau mỗi năm; liên kết 5 nhà đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2010 tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản chỉ chiếm 31% trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp, nhưng sau khi thực hiện động bộ các giải pháp các chính sách thì đến 2016 đã đạt trên 40%.
Công tác thanh tra, kiểm tra vật tư đầu vào cho SXNN đã dần thực hiện tốt do đó hiện tượng chất lượng hàng hóa (giống, phân bón, thuốc trừ sâu…) giả, hoặc kém chất lượng giảm mạnh.
- Tính hợp lý: Trong giai đoạn 2010-2016 định hướng và chương trình hành động của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh hoàn toàn phù hợp với xu thế chuyển đổi định hướng sản xuất ngành nông nghiệp theo cơ chế thị trường. Các chính sách trong giai đoàn này đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và nguồn lực của tỉnh. Hệ thống tổ chức được điều chỉnh căn bản, đồng bộ từ tỉnh đến cấp huyện.
- Tính bền vững: Các bước đi của tỉnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là tiền đề cho sự phát triển của giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Sự thay đổi tích cực đã và đang góp phần cho xu thế phát triển ngành nông nghiệp chuyển dịch theo cơ chế thị trường.
Các chính sách được ban hành và thực thi đến nay vẫn được kế thừa và phát huy có hiệu quả.