Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề đánh giá cán bộ. Người viết: “Kinh nghiệm cho ta biết: Mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hoá cũng lòi ra” [18, tr.274]
Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế và đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ đối ngoại... Mặt khác, các thế lực thù địch luôn dùng mọi thủ đoạn để tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào đội ngũ cán bộ, Đảng viên... Công chức cấp xã lại có vai trò quan trọng trong công cuộc quản lý nhà nước tại địa phương. Do vậy, đánh giá công chức cấp xã một cách chính xác là vấn đề cấp thiết, góp phần xây dựng đội ngũ công chức cấp xã phát triển, xây dựng chính quyền địa phương, Đảng, Nhà nước Việt Nam vững mạnh.
Đánh giá công chức cấp xã không chỉ là tiền đề cho công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực mà còn là căn cứ để bố trí, sử dụng công chức đúng năng lực sở trường; phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết thôi việc; bổ nhiệm, đề bạt theo quy hoạch và thực hiện chính sách tiền lương, đãi ngộ, khen thưởng công chức, so sánh với kết quả của các năm trước để đánh giá sự phát triển của mỗi công chức.
Đối với chính bản thân công chức, đây được xem như “tấm gương” phản chiếu kết quả thực hiện công vụ, nhiệm vụ được giao, là căn cứ để tự chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, đề ra mục tiêu phải hoàn thành trong năm tiếp theo. Do đó, phải hực hiện nghiêm túc việc đánh giá, phân loại công chức bảo đảm khách quan, toàn diện, cụ thể và thực chất; lấy kết quả, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ làm thước đo chủ yếu để đánh giá.