Đánh giá công chức là nhằm để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá công chức là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức. Do đó, việc đánh giá công chức nói chung và đánh giá công chức cấp xã nói riêng, nhất là khi lựa chọn phương pháp đánh giá hay xây dựng tiêu chuẩn và nội dung đánh giá phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
Thứ nhất, việc đánh giá công chức phải được thực hiện một cách toàn diện. Yêu cầu này có nghĩa là phải xem xét đầy đủ các mối liên hệ của sự vật, hiện tượng để có đánh giá đúng. Khi xem xét các mối liên hệ của công chức, cần làm rõ bản chất của người công chức thông qua ba mối quan hệ cơ bản: quan hệ với chính mình; quan hệ với Nhân dân; quan hệ với Đảng, Nhà nước thông qua cơ quan, đơn vị.
Thứ hai, việc đánh giá công chức phải được thực hiện trong cả quá trình vận động và phát triển của họ. Đánh giá công chức phải được thực hiện một cách linh hoạt, không được bảo thủ, định kiến. Xem xét, đánh giá công chức
phải trong toàn bộ quá trình công tác của công chức đó, cả lúc khó khăn và khi thuận lợi.
Thứ ba, việc đánh giá công chức phải được thực hiện một cách khách quan.
Quan điểm khách quan yêu cầu khi xem xét sự vật, hiện tượng cần phải xuất phát từ chính bản thân sự vật, hiện tượng, không được xuất phát từ ý muốn chủ quan của người đánh giá. Do đó, đánh giá công chức đòi hỏi phải có thái độ tôn trọng khách quan, phải xuất phát từ bản thân của người công chức đó, không được xuất phát từ ý chí chủ quan của người thực hiện đánh giá. Công chức phải được đánh giá trong cả quá trình làm việc, để họ thấy được thế mạnh cũng như hạn chế của chính mình để phát huy mặt mạnh, khắc phục những hạn chế. Xem xét, đánh giá công chức một cách khách quan, công tâm sẽ khiến cho họ đem hết tài năng và nhiệt huyết của mình phục vụ cho công việc.