Khái quát tình hình kinh tế xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chinh sách giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh phú yên (Trang 42 - 51)

7. Cơ cấu của luận văn

2.1. Khái quát tình hình kinh tế xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số

thiểu số của tỉnh Phú Yên

2.1.1. Khái quát về đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng

2.2.1.1. Khái quát về đặc điểm, tình hình trên địa bàn tỉnh

Phú Yên là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.060 km2, phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, phía Đông giáp biển Đông. Phú Yên có vị trí địa lý và giao thông tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn tỉnh có 07 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố, vùng miền núi dân tộc của tỉnh có 03 huyện miền núi (Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân) và 09 xã miền núi của 04 huyện, thị xã có xã miền núi thuộc huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An và Thị xã Sông Cầu. Với diện tích tự nhiên 3.679 km2, chiếm 72% diện tích toàn tỉnh. Hiện nay, vùng dân tộc-miền núi tỉnh Phú Yên có 45 xã, thị trấn, trong đó có 19 xã ĐBKK theo Quyết định 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, có 34 thôn, buôn đặc biệt khó khăn ở xã khu vực I, II được đầu tư Chương trình 135 theo Quyết định số 582/QĐ- UBDT ngày 18/12/2013 của Ủy ban Dân tộc, có 02 huyện Đồng Xuân và Sông Hinh được hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương đầu tư cơ sở hạ tầng theo Quyết định 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng cơ chế chính sách quy định của Nghị quyết 30a/2008/NQ-

CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.

Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung phối hợp thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước tăng trưởng khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo: 26,43%, trong đó đào tạo nghề 16,36%; giải quyết việc làm cho lao động hàng năm: 3.500 người/năm. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khu vực miền núi đạt 13%, GDP bình quân đầu người ở khu vực miền núi từ 11-13 triệu đồng/người/năm, ở khu vực có đồng bào dân tộc sinh sống đạt gần 9 triệu đồng/người/ năm (riêng đồng bào dân tộc thiểu số 6-8 triệu đồng/người/năm). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào miền núi được cải thiện, quyền bình đẳng giữa các dân tộc được tôn trọng, đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng được giữ vững[13].

Về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao kỹ năng và xây dựng tập quán sản xuất mới cho đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; từng bước hình thành nhiều vùng chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: sắn, mía, cao su…, tạo điều kiện cho các hộ nghèo có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật, như cung cấp vật tư, giống, công

cụ sản xuất, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi một cách bền vững.

Về kết cấu hạ tầng: Được quan tâm đầu tư của Trung ương, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước… hoàn thành đưa vào sử dụng tạo điều kiện mở rộng sản xuất nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở vùng miền núi được đẩy mạnh. Nhiều thôn, buôn được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng các mỗi dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát huy; các thôn, buôn đều có đội văn nghệ cồng chiêng. Công tác sưu tầm văn hoá các dân tộc được chú trọng, tạo điều kiện cho các nghệ nhân bảo tồn và lưu truyền các di sản văn hoá phi vật thể của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.

Tuy nhiên, vùng miền núi dân tộc của tỉnh vẫn đang là vùng khó khăn nhất, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc còn cao so với mặt bằng chung của cả nước, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ tái nghèo hàng năm còn nhiều. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng dân tộc còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ, còn manh mún. Tình trạng dân thiếu đất sản xuất, điện, nước sinh hoạt, du canh, du cư vẫn tồn tại ở một số nơi. Hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở các địa phương còn hạn chế.

2.2.1.2. Khái quát về đặc điểm, tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Tình hình chung

Dân số vùng miền núi là 236.350 người, (57.973 hộ), chiếm 26,6% dân số toàn tỉnh; trong đó dân tộc thiểu số 58.012 người (13.589 hộ), chiếm tỷ lệ 24,9% dân số vùng miền núi và 6,6% so với dân số toàn tỉnh) với 31 dân tộc sinh sống, chủ yếu là Ê đê, Bana, Tày, Nùng, Giao, Thái,… Vùng miền núi có 15.682 hộ nghèo (63.934 khẩu), chiếm tỷ lệ 27,05% trên tổng số hộ toàn vùng và chiếm tỷ lệ 60,33% so với tổng hộ nghèo toàn tỉnh (tổng số hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2016 là 25.992 hộ, chiếm tỷ lệ 10,32%)[5].

Theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, Phú Yên có 45 xã khu vực I, II, III và 263 thôn ĐBKK thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015. Đồng thời, theo Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Yên có 19/141 xã đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015.

Theo kết quả điều tra hộ nghèo tiêu chí giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 45.606 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 19,46 %; trong đó 43 xã nghèo, xã miền núi, xã vùng khó khăn có 19.028 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo 37,85%, cao gấp đôi so với tỷ lệ bình quân chung của cả tỉnh và gấp 2,7 lần so với khu vực đồng bằng. Toàn tỉnh có 41 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%, trong đó có hơn 92% các xã thuộc khu vực miền núi và vùng khó khăn (riêng 02 huyện miền núi Sông Hinh và Đồng Xuân tỷ lệ hộ nghèo trên 50%)[5].

Trong nhiều năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách và dành nhiều nguồn lực để ưu tiên phát triển vùng này, nhưng mức độ chuyển biến còn chậm, đời sống của nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt là ở những địa bàn khó khăn, miền núi. Nguy cơ tái nghèo còn cao, một số chính sách hỗ trợ triển khai còn chậm và chưa có hiệu quả.

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do địa hình khó khăn, diện tích tự nhiên rộng nhưng diện tích đất canh tác ít; điều kiện thời tiết không thuận lợi, thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ lụt, triều cường, sản xuất chủ yếu từ nông nghiệp - lâm nghiệp và ngư nghiệp nhưng trình độ sản xuất còn thấp. Kết cấu hạ tầng đầu tư nhưng chưa đồng bộ, nhiều tuyến giao thông nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại và thông thương hàng hóa giữa các vùng, một số công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt chưa đảm bảo và chưa phát huy hiệu quả sử dụng, nhiều trường học chưa được kiên cố hóa, trang thiết bị ở các cơ sở y tế tuyến xã còn thiếu. Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước còn phân tán, chưa hỗ trợ đúng mức cho phát triển sản xuất; đội ngũ cán bộ cơ sở có mặt còn yếu và thiếu cán bộ khoa học, kỹ thuật. Bên cạnh đó, vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước ở một bộ phận cán bộ và nhân dân, nên đã hạn chế phát huy nội lực và sự nỗ lực vươn lên.

- Tình hình kinh tế, chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số

+ Về kinh tế - xã hội

Điều kiện kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự phát triển so với trước, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, chợ, công trình nước sạch, đập tưới nước được đầu tư xây dựng, khai hoang đất sản xuất, cùng với các chính sách hỗ trợ khác như nhà ở, cho vay vốn sản xuất, học hành, khám chữa bệnh, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, v.v.. đã làm cho bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước khởi sắc, đời sống kinh tế được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, kinh tế miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhưng chưa mạnh, chưa có yếu tố mới mang tính đột phá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều bất cập; chất lượng nhiều công trình đưa vào sử dụng hiệu quả thấp công tác thực

hiện về đất đai, giao đất, giao rừng còn nhiều hạn chế, nhất là ở các nông, lâm trường. Chất lượng giáo dục còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học chưa đáp ứng đủ và kịp thời; tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao; thực hiện một số chính sách hỗ trợ cho học sinh miền núi còn quá chậm. Chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu, trang thiết bị vẫn còn lạc hậu, thiếu thốn. Đời sống của bộ phận nhân dân vùng cao còn nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa

thực sự vững chắc; nội lực và sức phát triển của cộng đồng còn quá chậm, sản xuất chưa nhạy bén với nền kinh tế thị trường, giá trị chất lượng hàng hoá không cao, v.v..

+ Về chính trị - tư tưởng

Đồng bào dân tộc thiểu số có ý thức chính trị tốt, chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần đoàn kết và tính cộng đồng cao do vậy đã tích cực hưởng ứng tham gia và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách cũng như nghĩa vụ tại địa phương. Tỷ lệ đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng, chi bộ thôn/bản dần được củng cố, kiện toàn và phát triển, cộng đồng không ngừng nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo.

+Về giáo dục, đào tạo và dạy nghề

Chất lượng giáo dục tiếp tục được cải thiện, đến cuối năm 2015 đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục trung học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường các bậc học tăng hàng năm, năm 2014-2015, mầm non đạt 99,2%, Trung học đạt 80%, Trung học cơ sở đạt 95%, Trung học phổ thông đạt 47% so với năm học trước; dự kiến đến năm 2016, bậc mầm non có 100%, Trung học có 81%, Trung học cơ sở có 95%, Trung học phổ thông có 80% học sinh độ tuổi đến trường [5].

Trình độ học vấn và dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện. Mặc dù cơ sở vật chất được tăng cường và có sự đầu tư nhưng vẫn không thể đảm bảo yêu cầu, nhất là phòng bộ môn, phòng thí nghiệm; chất lượng giáo dục còn thấp, không ổn định. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, công tác dạy nghề cho thanh niên đã được chú trọng; các huyện đã xây dựng kế hoạch và tập trung đào tạo các ngành, nghề: Phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm; phòng và điều trị bệnh cho trâu, bò; nuôi lợn nái sinh sản; trồng cây lương thực thực phẩm; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; điện dân dụng; tin học, kỹ thuật xây dựng, v.v…

+ Về văn hóa

Mặc dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp và đồng bào quan tâm thông qua việc tổ chức nhiều đợt sưu tầm tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị lịch sử; tôn tạo, phục dựng, tu sửa nhiều bia bảng, phù điêu; hoàn thành hồ sơ các di tích xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh.

- Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm đúng mức, phòng chống dịch bệnh được tăng cường, truyền thông về dân số, kế hoạch hoá gia đình đạt nhiều kết quả. Tại các huyện đều có bệnh viện tuyến huyện, các xã đều có trạm y tế. Năm 2012 có 11/67 xã, đạt tỷ lệ 16,42%, năm 2013 có 20/67 xã, đạt tỷ lệ 29,85% và năm 2014 30/67 xã, đạt tỷ lệ 44,7% số xã đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế; hiện có 26,48 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ

suy dinh dưỡng trẻ em năm 2012 giảm còn 39,3% và năm 2013 đạt tỷ lệ 38,6% và năm 2014 đạt tỷ lệ 37,2%[12].

2.1.2. Kết quả giảm nghèotại tỉnh Phú Yên trong thời gian qua

Thực hiện các chính sách của Nhà nước về giảm nghèo, đồng thời với sự huy động của xã hội cùng nhau thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian qua đã đạt được những kết quả ấn tượng.

Năm 2011 toàn tỉnh có 234.403 hộ, trong đó 45.606 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 19,46%; 33.473 hộ cận nghèo, chiếm 14,28%; 5.433 hộ thoát nghèo, đồng thời có 1.060 hộ nghèo tái nghèo. Tính đến thời điểm 31/12/2011, toàn tỉnh còn 41.233 hộ nghèo, chiếm 17,08% tỷ lệ cuối năm.

Năm 2012 tổng số hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 36.729 hộ, tỷ lệ 14,77%; hộ cận nghèo là 29,628 hộ, tỷ lệ 12,27%. Trong đó, 5.624 hộ thoát nghèo, đồng thời có 1120 hộ tái nghèo.

Năm 2013 toàn tỉnh có 248.677 hộ, trong đó 36.729 hộ nghèo, chiếm 14,77%; 25.666 hộ cận nghèo, chiếm 10,32%; 5.810 hộ thoát nghèo, đồng thời có 1.170 hộ tái nghèo. Tính đến thời điểm 31/12/2013 toàn tỉnh còn 32.089 hộ nghèo, chiếm 12,53% tỷ lệ hộ nghèo cuối năm.

Năm 2014 toàn tỉnh có 256.138 hộ, trong đó 32.089 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,53%; 21.586 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,43%; 5.958 hộ thoát nghèo, đồng thời có 1180 hộ tái nghèo. Tính đến thời điểm 31/12/2014 toàn tỉnh còn 27.311 hộ nghèo, chiếm 10,35% tỷ lệ hộ nghèo cuối năm.

Năm 2015 toàn tỉnh có 263.823 hộ, trong đó 27.311 hộ nghèo, chiếm 10.35%; 17.385 hộ cận nghèo, chiếm 6,59%; 6.131 hộ thoát nghèo, đồng thời có 1210 hộ tái nghèo. Tính đến 31/12/2015 toàn tỉnh còn 22.390 hộ nghèo, chiếm 8,24% tỷ lệ hộ nghèo cuối năm [5].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chinh sách giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh phú yên (Trang 42 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)