- Bồi dưỡng quốc
THỊ XÃ AN NHƠN, TỈNH BÌNH ỊNH
3.1. Những thành tựu
Kể từ khi thành lập thị xã An Nhơn năm 2011, Đảng bộ thị xã đã tập trung lãnh đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới. Trên cơ sở nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ chủ chốt trong việc lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và phát triển về mọi mặt của địa phương, trong những năm 2011 - 2020, thị xã An Nhơn đã thực hiện tốt công tác cán bộ từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển.
Trong quá trình thực hiện, Thị ủy An Nhơn đã chú trọng xây dựng sắp xếp bộ máy cán bộ theo yêu cầu mới trên cơ sở lấy hiệu quả công việc làm trọng tâm. Đặc biệt, quan tâm nhiều hơn đến cán bộ trưởng thành từ phong trào quần chúng, cán bộ trẻ có năng lực, có đức, có tài, cán bộ nữ, cơ cấu đội ngũ cán bộ có chuyển biến tích cực. Đối với bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, các cấp ủy và chính quyền đã nghiên cứu xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Qua các nhiệm kỳ Đại hội XXII, XXIII, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được thị xã An Nhơn quan tâm, đặt lên hàng đầu nhằm để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Trên cơ sở đó, thị xã từng bước cụ thể hóa tiêu chuẩn từng loại cán bộ để đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí cán bộ; lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ. Khắc phục tình trạng quan liêu hoặc đánh giá cán bộ theo
cảm tính, nể nang, dễ người dễ ta. Kịp thời thay thế những cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trong công tác đề bạt, bố trí cán bộ, thị xã An Nhơn đã thực hiện đúng chế độ làm việc và quyết định tập thể, dân chủ, tùy từng nhiệm vụ mà có sự bố trí cán bộ phù hợp.
Trong thời gian gần 10 năm (từ 2011 đến 2020), đội ngũ cán bộ của thị xã An Nhơn, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt đã có bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, phẩm chất đạo đức, năng lực tổ chức quản lý kinh tế, xã hội, thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của thị xã đã quán triệt sâu sắc, nắm vững các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng có hiệu quả vào việc lãnh đạo xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của thị xã ngày càng vững mạnh.
Chung quy lại, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt trên địa bàn thị xã An Nhơn từ năm 2011 đến năm 2020 đạt được những kết quả tích cực như sau:
Thứ nhất, về công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt
Thị xã An Nhơn luôn coi công tác quy hoạch cán bộ là nhiệm vụ trọng yếu của công tác cán bộ. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tích cực tổ chức thực hiện, từng bước đưa công tác quy hoạch cán bộ đi vào nề nếp, góp phần thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ. Trong gần 10 năm (2011 - 2020) thực hiện công tác xây dựng đội ngũ cãn bộ chủ chốt, Thị ủy đã bám sát mục đích, yêu cầu, phương châm, nguyên tắc, quy trình đề ra trong các nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương và tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng quy hoạch cán bộ gắn với nhiệm kỳ của cấp ủy, nhiệm kỳ của Đảng bộ và Hội đồng nhân dân. Công tác quy hoạch cán bộ cơ bản bảo đảm sự đồng bộ từ dưới lên và tạo được nguồn cán bộ kế cận khá dồi dào; mỗi chức danh cán bộ được quy hoạch từ 2 đến 3 người và một người có thể quy
hoạch vào một số chức danh; lấy quy hoạch cấp ủy làm cơ sở để xây dựng quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương; bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ và cơ cấu các độ tuổi phù hợp cho từng vị trí.
Trong quá trình tiến hành công tác quy hoạch cán bộ, từng bước mở rộng dân chủ, công khai và đem lại hiệu quả thiết thực. Thị ủy đã thực hiện dân chủ trong rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ hiện có, lựa chọn cán bộ bổ sung nguồn quy hoạch; xem xét đánh giá trình độ, năng lực, sở trường của mỗi cán bộ và yêu cầu cán bộ của từng ngành, từng địa phương để xác định nơi luân chuyển, sắp xếp, bố trí công tác cho phù hợp. Tiến hành xây dựng quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý cho khóa tiếp theo vào năm thứ hai của nhiệm kỳ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sắp xếp cán bộ; hàng năm tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch theo quy định. Do đó, công tác quy hoạch cán bộ từng bước được thực hiện nề nếp hơn, góp phần thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ.
Sau khi quy hoạch cán bộ, nhiều cấp ủy và tổ chức đảng đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận. Từng bước thực hiện việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử trên cơ sở quy hoạch, khắc phục từng bước tình trạng quy hoạch mang tính hình thức.
Thứ hai, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt
Việc đào tạo, bồi dưỡng được gắn với vị trí việc làm nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ, những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết nhằm cải thiện hiệu quả làm việc tại vị trí công việc hiện tại, đồng thời chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ những kỹ năng, thái độ và kiến thức có thể đảm nhiệm tại ví trí công việc mới với yêu cầu cao hơn. Tuỳ theo vị trí việc làm của cán bộ, xác định các khoá đào tạo, bồi dưỡng mà cá nhân cán bộ cần thiết phải tham gia. Việc này góp phần nâng cao hiệu quả, tiết kiệm cho ngân sách và hạn chế những rủi ro trong đào tạo công chức.
Trong những năm 2011 - 2020, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt trên địa bàn thị xã An Nhơn được tiến hành đồng bộ, theo kế hoạch và quy hoạch. Với từng loại cán bộ, từng vị trí việc làm, yêu cầu về trình độ, kỹ năng khác nhau, do đó, nhu cầu đào tạo bồi dưỡng khác nhau. Trên cơ sở kế hoạch và quy hoạch phát triển của ngành, của đơn vị, công tác đào tạo bồi dưỡng mang tính chủ động, tránh hiện tượng đào tạo tràn lan, không đúng đối tượng, lãng phí ngân sách nhà nước mà không đạt được hiệu quả mong muốn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được tiến hành toàn diện cả về lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý và năng lực hoạt động thực tiễn. Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, yêu cầu đội ngũ cán bộ chủ chốt phải vừa vững vàng về chính trị, vừa giỏi chuyên môn. Người cán bộ phải có đức, có tài, trong đó, đức là cái gốc. Do vậy, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phải gắn với bồi dưỡng chính trị, giúp cho cán bộ hiểu biết về đường lối chính trị, quan điểm của Đảng, đường lối, chính sách của Nhà nước.
Thị xã An Nhơn luôn xác định, công tác đào tạo, bồi dưỡng vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của cán bộ chủ chốt. Ngoài ra, đào tạo, bồi dưỡng luôn gắn liền với quy hoạch và sử dụng cán bộ. Sử dụng cán bộ chủ chốt là nội dung cơ bản của công tác tổ chức cán bộ, là kết quả của công tác đào tạo. Do đó, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cán bộ. Trình độ chuyên môn và lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ chủ chốt có chuyển biến tích cực đã góp phần làm cho đội ngũ cán bộ nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Tạo nên những thắng lợi quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của thị xã An Nhơn trong thời gian vừa qua.
Thứ ba, về công tác luân chuyển cán bộ chủ chốt
Việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là nhằm tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, giúp cho cán bộ, nhất là
cán bộ trẻ có triển vọng có thêm kiến thức thực tế và phát triển nhanh, toàn diện hơn. Thực hiện dân chủ trong việc bàn bạc, thảo luận, xem xét nguyện vọng của cán bộ trước khi luân chuyển; đồng thời tham khảo ý kiến ở nơi cán bộ chuyển đi và chuyển đến, với bước đi thận trọng, công phu, tình nghĩa và trách nhiệm.
Từ năm 2011 đến năm 2020, công tác luân chuyển cán bộ chủ chốt trên địa bàn thị xã An Nhơn đã góp phần tích cực vào việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn, tạo điều kiện để cán bộ trẻ trưởng thành và phát triển nhanh, toàn diện hơn. Trong gần 10 năm, Thị ủy An Nhơn đã tiến hành luân chuyển ngang, dọc các vị trí với 44 lượt cán bộ. Qua thực hiện, hầu hết số cán bộ luân chuyển đã hoàn thành nhiệm vụ và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện hơn; nhiều đồng chí có những đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương tín nhiệm; nhiều đồng chí đã được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; được bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương và các ban, ngành cấp huyện.
Nhờ phát huy dân chủ trong việc luân chuyển, bố trí nên chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt đã không ngừng nâng cao, duy trì ổn định được đội ngũ cán bộ kế cận, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của địa phương. Tiếp tục thực hiện phương thức luân chuyển ngang, luân chuyển dọc cán bộ các địa phương, đơn vị, cơ quan; khắc phục dần tình trạng trì trệ, khép kín, hẫng hụt cán bộ, bảo đảm tính kế thừa, phát triển giữa các thế hệ cán bộ, tạo sự đồng đều về chất lượng cán bộ trong từng cấp.
Thứ tư, về công tác đánh giá cán bộ chủ chốt
Để khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trong công tác đánh giá cán bộ theo tinh thần các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và Tỉnh ủy Bình Định, Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng phải nghiêm
túc trong đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trước khi bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và đánh giá hàng năm theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
Trong quá trình chỉ đạo đánh giá, Ban Thường vụ Thị ủy đã cụ thể hóa các tiêu chí cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đơn vị, từng bước đổi mới việc đánh giá cán bộ trên cơ sở thống nhất quan điểm, bổ sung các tiêu chuẩn; quy trình đánh giá được thực hiện khá khoa học, dân chủ, khách quan, lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ làm thước đo chủ yếu trong đánh giá. Thẳng thắn chỉ ra và phê bình các cán bộ còn sai phạm trong một số lĩnh vực, không cả nể, không có vùng cấm. Các mức hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ trong tiêu chí đánh giá cán bộ qua từng nhiệm kỳ vẫn hiện hữu những con số. Điều đó cho thấy, công tác đánh giá cán bộ chủ chốt của thị xã An Nhơn được thực hiện dân chủ, công khai trong đánh giá, tăng cường phân công, phân cấp về quyền quản lý cán bộ gắn với chế độ trách nhiệm. Coi trọng vai trò của nhân dân trong công tác đánh giá cán bộ.
Trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2020, tuyệt đại bộ phận cán bộ của thị xã An Nhơn khi hết thời hạn bổ nhiệm đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hàng năm có trên 90% cán bộ chủ chốt được đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của địa phương.
Có thể nhận thấy, những thành tựu trong công tác xây dựng cán bộ chủ chốt trên địa bàn thị xã An Nhơn từ năm 2011 đến năm 2020 là cơ bản, góp phần tạo động lực cho địa phương thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới. Điều này được khẳng định trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về công tác cán bộ của thị xã An Nhơn nhiệm kỳ XXIV (2020 - 2025) như sau:
“Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức, cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển thị xã; trong đó tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo có chất lượng, kế thừa và phát triển, chú ý cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực quản lý kinh tế, phát triển đô thị. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là thông qua công tác luân chuyển để đào tạo cán bộ nâng cao năng lực thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ thuộc diện quy hoạch. Thực hiện tốt công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, đảm bảo phát huy tốt năng lực, sở trường. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi vị trí công tác gắn với kịp thời thay thế những cán bộ năng lực, tinh thần trách nhiệm yếu, phẩm chất đạo đức kém, vi phạm kỷ luật” [55; tr.35].