Các phương tiện, biện pháp tu từ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện cổ tích việt nam hiện đại (Trang 55 - 61)

ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM HIỆN ĐẠI TRÊN PHƯƠNG DIỆN CỐT TRUYỆN VÀ NGÔN NGỮ

2.2.2. Các phương tiện, biện pháp tu từ

Ở truyện cổ tích hiện đại, bên cạnh việc thể hiện ngôn ngữ người trần thuật và nhân vật, các nhà văn còn kết hợp sử dụng các phương tiện, biện pháp nghệ thuật như nhân hóa, so sánh, từ láy, đối lập… để làm cho đối tượng hiện lên một cách cụ thể, sinh động, biểu cảm.

2.2.2.1. Nhân hóa

Nhân hóa là gán cho sự vật những nét tính cách, tình cảm và tư tưởng của con người, khiến cho chúng trở thành một hình tượng ẩn dụ, biểu trưng cho một hạng người nào đó trong xã hội. Biện pháp nhân hóa làm cho “sự vật cựa mình tỉnh giấc, mang hơi thở người, có tâm sự và lời nói. Chúng đối thoại với nhau, tặng cho nhau những bài học từ cuộc sống”[20, tr.181].

Ở truyện cổ tích hiện đại, nhân hóa được một sử dụng như một biện giải pháp làm cho tác phẩm trở nên sinh động và hấp dẫn trẻ em hơn. Chúng tôi thấy có 30/200 truyện có sử dụng biện pháp nghệ thuật này.

Trong truyện Nàng công chúa biển (Trần Hoài Dương), nhân vật chim én được tác giả miêu tả là một con vật biết yêu thương, vui, buồn như thể con người. Đặc biệt, chim én có những dòng suy nghĩ rất đỗi khôn ngoan: “én tinh khôn nhận ra điều đó. Nó cố an ủi ông bà già, nghĩ những câu chuyện thật vui, những lời thật ngộ nghĩnh, để cho hai người cười, nhưng cũng không làm sao cho hai người vui mãi được”.

Trong truyện Tìm mẹ (Nguyễn Huy Tưởng), ngôi sao, chim sáo, chim đại bàng, con rận đều có những biểu hiện như con người: “Những ngôi sao trên trời rỏ nước mắt ung quanh ba mẹ con”; rận nói: “Tình cảnh của chị thật đáng thương. Tôi đi mà không nỡ. Tôi báo cho chị cái tin này. Chúa làng đã giết chồng chị rồi. Chúa làng đang đi tìm giết nốt ba mẹ con chị đấy. Trốn đi. Nhạc ngựa chúa làng đã gần rồi”.

Các con vật như con mèo, con chuột (Mèo con đi guốc), con thỏ, sóc, vịt, thỏ, gà (Mèo Mun) của Nguyên Hương đều biết nói, biết nghĩ.

Biện pháp nghệ thuật này cũng được nhà văn Phạm Hổ sử dụng trong tác phẩm Lửa vàng, lửa trắng, lửa nâu với biểu hiệncon Hổ có khả năng giao tiếp, thách đố, chiến đấu với con người. Ở tập Chuyện hoa, chuyện quả, những con vật như con ong, con ốc, con nhện (Chuyện nàng Mây) có khả năng nói chuyện, giúp đỡ người khác, con Qụa tinh hay mách lẻo và hại người ( Bạn của Rồng con)…

Từ kết quả nghiên cứu trên có thể thấy, trong truyện cổ tích hiện đại, biện pháp nhân hóa được sử dụng tương đối ít. Có lẽ, các tác giả hiện đại muốn đưa các em về với thực tại, một thế giới đúng với bản chất thật của nó.

2.2.2.2. So sánh

Trong quá trình sáng tác cho các em, các nhà cổ tích hiện đại còn sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh để từ đó làm bật lên hình tượng nhân vật cũng như một vấn đề tư tưởng nào đó.

Sử dụng thành công biện pháp này, có thể nói, là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Những ai đã đọc Truyện Tấm Cám của ông hẳn đều nhớ về đoạn văn so sánh vẻ đẹp giữa Tấm và Cám:

So hai người với nhau, thực là một trời một vực. Cô chị đẹp mọi vẻ, mà cô em thì xấu mọi đường. Nhưng Cám, nếu xấu người nhưng được nết, thì còn nói làm gì? Đằng này không. Tấm chăm chỉ, ngoan ngoãn, lễ phép, thực thà bao nhiêu, thì Cám lười biếng, bướng bỉnh, hốn láo, gian xảo bấy nhiêu, lại còn ngồi lê đôi mách, ăn quà như mỏ khoét và nói vu cho người thì không ai bằng. Vì thế khắp vùng ai cũng ghét Cám.

Nhà văn đặt nhân vật Tấm và Cám trong sự đối sánh với nhau. Cô Tấm xinh đẹp, siêng năng, ngoan ngoãn, ai cũng yêu mến. Ngược lại, cô Cám

vừa xấu người lại vừa xấu nết chẳng ai thương. Từ sự so sánh đó, người đọc hiểu rõ về các hình tượng nhân vật mà tác giả muốn nói đến.

Với việc so sánh, các nhà văn còn giúp cho việc miêu tả sự việc, sự vật thêm sinh động, rõ ràng hơn. Ví dụ truyện Thằng Quấy (Nguyễn Huy Tưởng) , khi miêu tả về con voi – một phương tiện để Quấy giết chết tên chúa làng độc ác, trừ hại cho mình và mọi người: “Con voi to lớn, lênh khênh hơn cả nóc nhà, cái bụng to lớn phập phồng”.

Nhìn chung, các nhà văn truyện cổ tích hiện đại sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh không nhiều. Thế nhưng, ở một số tác giả, biện pháp so sánh góp phần làm rõ hình tượng nhân vật được phản ánh. Giúp người đọc hiểu rõ hơn về đối tượng chính trong sự tương quan với các đối tượng khác.

2.2.2.3. Đối lập

Với thủ pháp này, các nhà văn thường đặt sự vật vào mối quan hệ tương phản lẫn nhau để sự vật được hiện lên rõ nét, gây ấn tượng mạnh đối với người đọc.

Trong hầu hết các tác phẩm truyện cổ tích hiện đại, các tác giả thường sử dụng biện pháp đối lập để làm bộc lộ phẩm chất nhân vật. Thông thường nhân vật chính bao giờ cũng được đặt cạnh nhân vật phụ trong những mối quan hệ như anh em, chị em, mẹ con, bạn bè… và ở đó có những người tốt bên cạnh những người xấu, người hiền lành bên cạnh người hung dữ. Như trường hợp của Tấm với mẹ con Cám trong Truyện Tấm Cám (Nguyễn Huy Tưởng), Tấm xinh đẹp, hiền hậu. Ngược lại, mẹ con Cám xấu xí, độc ác. Hoặc người em với người anh trong Chiếc túi hạnh phúc của Nguyễn Trí Công, người em hiền lành, tốt bụng, còn người anh thì tham lam, ích kỉ. Điều quan trọng là phần lớn các tác giả truyện cổ tích hiện đại không đặt nhân vật trong sự đối lập hay giới thiệu sự trái ngược giữa các nhân vật ngay từ đầu câu chuyện một cách trực tiếp, cụ thể mà sự đối lập này diễn ra

trong xuyên suốt câu chuyện.

Biện pháp nghệ thuật đối lập là phương tiện được các nhà hiện đại văn sử dụng rất nhiều. Đó là biện pháp có tác dụng làm rõ đặc trưng của thể loại. Khi tác giả sử dụng biện pháp này, người đọc có thể phân biệt rõ ràng đâu là thiện – ác, tốt - xấu, giàu – nghèo.

2.2.2.4. Điệp

Điệp là thủ pháp có đặc điểm trở đi trở lại nhiều lần đối với một hình ảnh hay một câu, đoạn cụ thể nào đó. Đây là biện pháp được các nhà văn sử dụng nhiều nhằm tô đậm một hình ảnh, một chi tiết, sự kiện. Không chỉ lặp câu, mà tác giả còn lặp cả đoạn văn nhằm làm tăng hiệu quả nghệ thuật. Mỗi một phép lặp nhằm nhấn mạnh một nội dung nhất định.

Ở truyện cổ tích hiện đại, biện pháp tu từ này được một số nhà văn sử dụng để làm bật lên vấn đề muốn nói. Với sự lặp lại đó, tác giả truyện cổ tích hiện đại giúp các em khắc sâu những ấn tượng thẩm mĩ về nhân vật, sự việc.

Ở truyện Thằng Quấy, Nguyễn Huy Tưởng sử dụng phép điệp: “ Rừng cũng đẹp, núi cũng đẹp, sông cũng đẹp, bể lại càng đẹp”. Từ “đẹp” được điệp lại nhiều lần vừa có tác dụng làm cho câu văn hài hòa, cân đối vừa nhấn mạnh được sự hấp dẫn của cảnh đẹp.

Đặc biệt, có những trường hợp, phép điệp có tính chất tăng dần. Nhà văn Phạm Hổ đã sử dụng kiểu lặp lại đó: “Có hai rồi, cô ta lại muốn có ba. Có ba rồi, cô ta lại muốn có bốn. Có một trăm, cô liền nghĩ đến chuyện phải có một nghìn.” (Cơm cho chó ăn). Rõ ràng, phép điệp này không chỉ làm cho câu văn hài hòa, mà còn có tác dụng nhấn mạnh nội dung của tác phẩm. Người đọc có thể thấy được lòng tham không đáy của người chị dâu.

2.2.2.5. Từ láy

Bên cạnh các biện pháp nhân hóa, so sánh, đối lập, điệp từ… sử dụng từ láy cũng là biện pháp nghệ thuật được các nhà văn dùng nhiều trong tác

phẩm. Qua quá trình khảo sát truyện cổ tích hiện đại, chúng tôi nhận thấy, tất cả các tác giả đều sử dụng thủ pháp nghệ thuật này. Tuy nhiên, mỗi tác giả đều có một cách thể hiện một cách khác nhau để phục vụ cho các mục đích nghệ thuật riêng.

Ở truyện Nàng công chúa biển, Trần Hoài Dương đã tái hiện bức tranh thiên nhiên đẹp, đầy lãng mạn : “Trăng sáng ngời ngời. Cả mặt biển và bầu trời đều bàn bạc ánh trăng, một làn sương mỏng chờn vờn trên mặt biển. Biển hôm nay cũng dịu hiền, sóng chỉ liu riu, lăn tăn, khe khẽ, rì rầm. Nghe rất rõ tiếng nước róc rách táp vào mạn thuyền”. Chỉ một đoạn văn nhưng số lượng từ láy rất nhiều, tác giả đã rất thành công trong việc miêu tả cảnh, đó là một cảnh đẹp lãng mạn, gợi tình, trong khung cảnh thơ mộng ấy sẽ chóng nở một tình yêu đẹp, đó là tình yêu của đôi trai gái làng chài.

Không chỉ để miêu tả thiên nhiên các tác giả còn sử dụng từ láy để miêu tả nhân vật, thể hiện tình cảm của mình. Do đó từ láy xuất hiện tập trung nhất ở các đoạn miêu tả ngoại hình, hành động, tâm trạng nhân vật.

Chẳng hạn đoạn văn sau: Giời trong sáng như ngọc, lâu đài toàn bằng vàng, rực rỡ, choáng lộn. Gió mát và ấm. Quấy thấy người nhẹ lâng lâng. Các sao trên trời thấy thằng bé người trần trùng trục, mặt có vẻ ngơ ngơ ngác ngác, thì bàn tán xôn xao” (Thằng Quấy – Nguyễn Huy Tưởng) .

Sử dụng từ láy là một biện pháp nghệ thuật được dùng nhiều nhất cả trong truyện cổ tích dân gian lẫn hiện đại. Tuy nhiên, sự sáng tạo ở đây chính là giá trị ở những từ láy mà các tác giả sử dụng để đạt mục đích nghệ thuật của mình.

Tiểu kết chương 2

Ở truyện cổ tích hiện đại, về cốt truyện và ngôn ngữ có những thành tựu đáng ghi nhận.

Về cốt truyện, bên cạnh việc vay mượn những kiểu cốt truyện trong dân gian các tác giả còn đưa vào tác phẩm nhiều tình huống, sự kiện có tính

chất bất ngờ, tăng thêm nhiều lớp truyện, phát triển dung lượng. Đặc biệt, các tác giả còn sáng tạo nhiều kiểu cốt truyện mới như phi tuyến tính, phiêu lưu.

Về ngôn ngữ, các nhà văn đã đưa vào hệ thống ngôn ngữ truyện cổ tích những từ ngữ mới, hiện đại gần gũi với trẻ em hiện nay. Trong quá trình kể chuyện, nhà văn còn kết hợp sử dụng với các phương tiện, biện pháp tu từ như nhân hóa, so sánh, từ láy, đối lập… để làm cho đối tượng hiện lên một cách cụ thể, sinh động, biểu cảm.

Chương 3

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện cổ tích việt nam hiện đại (Trang 55 - 61)