Các kiểu không gian

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện cổ tích việt nam hiện đại (Trang 61 - 69)

NGHỆ THUẬT

3.1.1. Các kiểu không gian

Các công trình của Đỗ Bình Trị, Lê Trường Phát… đều thống nhất xem truyện cổ tích xây dựng hai loại không gian chủ yếu là “không gian trần thế và không gian kì ảo”[63, tr.40]. Dựa vào sự chỉ dẫn này, khi nghiên cứu về không gian nghệ thuật truyện cổ tích có thể nói đến ba kiểu không gian trong truyện cổ tích Việt Nam hiện đại là không gian hiện thực, không gian kì ảo và không gian phiêu lưu.

3.1.1.1. Không gian hiện thực

Không gian hiện thực là kiểu không gian gần gũi, thân thuộc với con người hằng ngày. Đó là không gian thể hiện cuộc sống của con người. Không gian này bao gồm không gian thiên nhiên, không gian xã hội và không gian gia đình.

sống, các tác giả truyện cổ tích hiện đại có đề cập đến những hình tượng thiên nhiên bao quanh con người như trời, đất, núi, sông, biển cả, bầu trời… Đó vừa là cảnh thiên nhiên, vừa là nơi con người hoạt động, sinh sống. Ở đó, con người có khi đấu tranh, có khi hoà mình vào với thiên nhiên.

Tuỳ theo đề tài và mối quan tâm của từng tác giả mà không gian tự nhiên sẽ xuất hiện cụ thể trong tác phẩm. Ở truyện cổ tích của Nguyên Hương, không gian rừng núi được nói đến nhiều. Đó là nơi các nhân vật sinh hoạt, vận động, gặp gỡ để được sống hạnh phúc bên nhau. Ở truyện Nồi thần, rừng núi là không gian diễn ra trò chơi dích lá của hai nhân vật chính. Anh chàng phải trải qua sự thử thách của thần nồi, cả về tài năng lẫn phẩm chất. Kết truyện, anh và con gái của nồi thần cưới nhau trong sự hân hoan của tất cả mọi người.

Rừng núi còn là không gian con người trốn chạy khi lâm vào hoàn cảnh bế tắc. Trường hợp truyện Tìm mẹ (Nguyễn Huy Tưởng) là một minh chứng. Đó là nơi ba mẹ con chạy trốn khỏi chúa làng, trèo hết núi này đến núi khác: “ Lên đến đỉnh cao lắm, nhìn xuống không thấy gì, chỉ toàn là mây trắng. Gió thổi mạnh đến nỗi, thằng Nhà và con Gạo phải ôm lấy chân người mẹ, người mẹ phải ôm chặt ấy mỏm đá”. Có thể nói, không gian rừng núi ẩn chứa nhiều hiểm họa nhưng đồng thời cũng là nơi che chở, bảo vệ con người. Đó là lí do vì sao cô gái phải lên rừng để sống: “Ở trong rừng, cô vô cùng hạnh phúc. Bọn thú rừng chẳng để ý đến vẻ xấu xí đến vẻ xấu xí của cô. Chúng quây quần bên cô. Hai mẹ con chỉ sống bằng củ và quả rừng. Rừng nuôi sống mẹ con cô” (Cô gái xấu xí – Lan Phương). Rừng núi luôn cưu mang con người, không kì thị, dè biểu để ý con người. Ở truyện Sự tích con chim quốc và con giun đất (Nguyễn Trí Công), nhân vật Quốc đã chạy vào rừng để trốn tránh nhiệm vụ giết giặc cứu nước, nhưng vì quá xấu hổ sau khi đất nước thành công nên anh này đã ở luôn trong rừng cho đến chết và hóa

thành con giun đất.

Không gian hang đá, bờ suối cũng được nhắc đến trong một số tác phẩm - nơi luôn có nguy hiểm rình rập. Đó là không gian thách thức con người. Như ở truyện Tìm mẹ (Nguyễn Huy Tưởng), không gian bờ suối, hang đá là nơi hai anh em phải tiếp xúc với Hổ, gặp vợ hổ - người đồng cảnh ngộ. Trong hang đá con hổ sắp ăn thịt hai đứa trẻ nhưng chính nó lại bị kẹt trong hang mà chết. Hang đá cũng là nơi lưu giữ lại những tình cảm cao quý của con người như hình ảnh con hươu chờ chủ cho đến chết (Em bé hái củi và chú hươu con – Phạm Hổ).

Ngoài ra, còn có không gian ao hồ. Phạm Hổ đã dựng nên không gian tự nhiên của hồ nước, không chỉ miêu tả cảnh muôn sắc của nước hồ, mà là nơi để con người giải tỏa tâm trạng trong truyện Cất nhà giữa hồ:

Hồ nằm ở giữa những hòn núi cao ngồi xếp vòng tròn. Mây ngồi để ngắm nước hồ thay đổi đủ các màu xanh, tím, bạc, đồng. Nhìn vào đấy, Mây thấy vui và quên bớt đi nỗi khổ…Những đêm khuya trăng sáng, Mây lại lẻn ra ngồi bên bờ hồ. Nước gợn sóng, thay màu như muốn trò chuyện, như muốn an ủi Mây. Mây lại thấy vui và quên bớt nỗi khổ.

Biển cả cũng là không gian tự nhiên được các tác giả truyện cổ tích hiện đại chú ý. Cũng như rừng núi, sông suối, hang đá, bờ hồ… không gian biển cả vừa diễn tả cảnh thiên nhiên đẹp, lại vừa diễn tả sự sống, cảnh sinh hoạt gắn với những công việc của những người dân chài, sự đấu tranh của con người với thiên nhiên. Trong Nàng công chúa biển (Trần Hoài Dương), biển là nơi hai ông bà sinh sống với nghề chài lưới. Ông lão thả cá, bà lão mò nghêu, bắt hến. Đây cũng là nơi đã chứng kiến cảnh gia đình ông lão tan nát. Ông phải đấu tranh để dành lại sự sống và chính bản thân mình. Biển cũng là người bạn mang đến cho con người những điều may mắn (Cha, mẹ, con và Cá

Vàng – Nguyên Hương).

Trong một bối cảnh xã hội rộng lớn luôn tồn tại những mối quan hệ phức tạp, ở nhà là quan hệ gia đình, ra ngoài là quan hệ bạn bè, tình yêu. Những mối quan hệ này có một vai trò nhất định trong cuộc sống của con người.Tất cả những điều đó đều được các nhà văn truyện cổ tích hiện đại thể hiện trong một không gian cụ thể đó là không gian xã hội.

Bên cạnh việc phản ánh đời sống con người qua không gian tự nhiên, các tác giả còn thể hiện đời sống con người qua không gian xã hội với những làng xã, lao động sản xuất, hoàng cung, kinh thành…

Nói về không gian này, trước hết, chúng tôi muốn đề cập đến không gian làng quê gắn với những cánh đồng, vườn tược, giếng nước… Ở đó, con người lao động, sản xuất. Không gian làng quê trong truyện của Nguyên Hương được thể hiện đó là không gian của vườn tược, làng quê. Ở đó, con người chăm chú lao động sản xuất với việc may vá, dệt vải làm bánh... Là nơi, Ngô chăn trâu chăm chỉ cần cù, ai cũng mong muốn có được anh để chăn trâu cho nhà mình. Nơi, Ngô lên rừng kiếm tre về làm nhà ngăn mùi chuồng trâu cho Lụa (Biến nhập biến xuất). Trong truyện cổ tích của Phạm Hổ, không gian làng quê thường gắn với bối cảnh sinh hoạt đời thường: chuyện học hành thi cử của học trò, chuyện dệt vải, chăn tằm… Không gian làng quê trong

Chiếc túi hạnh phúc của Nguyễn Trí Công gắn với hình ảnh ruộng đất, chăn trâu, cấy cày, nông dân, địa chủ.

Không gian làng quê với túp lều trong tác phẩm cũng được thể hiện cụ thể. Đó là không gian miêu tả hoàn cảnh của nhân vật, qua đó thể hiện cuộc đời nhân vật, cũng như dụng ý nghệ thuật của nhà văn.

Màu sắc cung đình, dấu ấn của triều đại phong kiến cũng có mặt trong truyện cổ tích hiện đại. Không gian hoàng cung được nhắc đến là nơi thi cử, mang vinh quang cho các chàng thư sinh nghèo. Đó là nơi người em trong

truyện Chữ A và chữ E, Khóa Nghiên trong truyện Vợ Cóc... đến thi và đỗ đạt. Hoàng cung cũng chính là nơi các vị vua nhận ra nhiều bài học quý báu. Chẳng hạn, ở truyện Bồn cây quý (Lan Phương), Ông lão đã dâng cây lúa để đức vua thấy sự sinh tồn, phát triển của cây lúa. Từ đó giúp nhà vua hiểu ra sẽ không có thuốc trường sinh bất tử. Hay ở truyện Bạn của đức vua (Lan Phương), không gian hoàng cung chính là nơi những kẻ nịnh hót kí sinh. Ở đó, vua nói gì ai cũng thấy đúng, nói gì ai cũng làm theo, vua không thể phân biệt đâu là thật đâu là giả, đâu là người bạn chân thành của mình.

Ngoài không gian hoàng cung, các nhà văn còn tái hiện không gian chiến trận sự xâm lược của bọn Phương Bắc. Qua đó, các tác giả cho thấy sức mạnh và sự anh dũng của nhân dân ta, đồng thời phê phán những kẻ rụt rè, không có trách nhiệm đối với dân với nước. Truyện Sự tích con chim quốc và con giun đất (Nguyễn Trí Công) có sự hiện diện của kiểu không gian vừa nói:

Đất nước đang thanh bình, mọi người đang sống yên vui, no ấm thì bỗng đâu giặc từ Phương Bắc tràn sang xâm lấn bờ cõi. Hịch vua kêu gọi thanh niên trai tráng lên đường chống giặc. Chưa về tới làng thì thanh niên trong làng đã từ giã cha mẹ, vợ con hăng hái lên đường bảo vệ bờ cõi nước Nam. Họ nối nhau ra trận gươm giáo sáng ngời, quyết chiến đấu chống quân thù.

Giữa không gian chiến trận ấy anh thanh niên tên Quốc lại không tham gia, ngày ngày đánh trâu ra đồng, thản nhiên lên rừng săn bắn như chẳng có việc gì xảy ra. Khi cuộc chiến dành thắng lợi lại ở luôn trong rừng không dám trở về xấu hổ, còn người mẹ thắt cổ chết.

Không gian hiện thực được các nhà văn nói đến nhiều là không gian gia đình. Đó là không gian của các thành viên trong gia đình như anh em , vợ chồng, bà cháu… Đặc điểm của không gian này là sự ấm cúng, hạnh phúc, đã tiếp thêm sức mạnh giúp mỗi người có thể vượt qua khó khăn thử thách. Qua

đó các tác giả muốn ca ngợi các mối quan hệ giữa các thành viên.

Ở truyện Chú bé nhặt bông gạo (Ngô Quân Miện), không gian gia đình được mô tả một căn lều nhỏ dưới gốc cây gạo ven hồ. Ở đó có hai bà cháu, người bà làm vườn, chăn gà, kiếm củi nuôi cháu. Đứa cháu dù còn nhỏ nhưng luôn biết nghĩ về bà. Trong căn lều nhỏ ấy luôn chứa đựng tình yêu thương của hai bà cháu.

Tương tự, trong Chữ A và chữ E (Nguyên Hương), không gian đó là nơi hai anh em sống chung với nhau khi ba mẹ mất sớm. Người anh phải ở nhà làm lụng nhường cho em đi học. Người em sẵn sàng nhường tất cả mọi thứ cho anh.

Không gian gia đình còn là nơi chứa đựng những mâu thuẫn hơn thua về vật chất. Tiêu biểu như truyện Chiếc túi hạnh phúc, Cái ấm đất của Khái Hưng, ở đó những người anh luôn tìm mọi cách để dành hết tài sản thuộc về mình.

3.1.1.2. Không gian kì ảo

Ngoài không gian hiện thực, các tác giả còn xây dựng một kiểu không gian mang tính đặc trưng của thể loại truyện cổ tích là không gian kì ảo. Đây là kiểu không gian sáng tạo của con người nhưng chịu sự chi phối của các tín ngưỡng, tôn giáo. Đó là quan niệm về tính nhiều tầng của thế giới với thiên đình, thủy phủ, âm phủ…

Trong các truyện cổ tích, không gian kì ảo bao gồm : không gian thủy phủ và cõi tiên.

Không gian thủy phủ là nơi bà chúa hồ cứu và giúp hai chị em thoát chết trong truyện Những bông hoa mới ở Hồ Thơm (Phạm Hổ). Không gian cõi tiên trong truyện Sự tích đèn ông sao (Nguyên Hương). Ở đó, các tiên có thể đi về giữa trần gian và thiên đình bằng các phương tiện cỡi mây xanh, mây xám.

Không gian kì ảo còn là không gian xảy ra những chuyện phi thường. Chẳng hạn, không gian ngôi chùa trên núi Vân Thai trong truyện Chiếc vòng bạch ngọc (Thy Hạc), nơi nhà vua đến để bái lễ cầu con. Đó là nơi ở của thần, nơi thần ban phước cho con người, thể hiện niềm tin của con người vào tâm linh vào cõi Phật.

Không gian trong truyện Cất nhà giữa hồ (Phạm Hổ) là nơi diễn ra cảnh Mây trừng trị tên chúa làng độc ác với sự trợ giúp của tôm cá, rắn, trăn… chống lại việc chúa làng bắt Mây phải xây cho hắn một ngôi nhà giữa hồ tuyệt đẹp:

Bóng dáng một ngôi nhà cao quý chưa từng thấy, rộng chưa từng thấy đã sừng sững hiện lên trước mắt Mây. Mây há hốc mồm ra nhìn và nhận ra đấy là vô số những con rắn lớn nhỏ, theo đúng kích cỡ, cắn đuôi nhau mà làm nên… Dưới đáy hồ bỗng bay lên muôn ngàn những mảng sáng bóng đủ sắc đủ màu nhìn cứ ngời ngời, lấp lánh. Những mảng sáng ấy đã bay lên đắp thành vách, lợp thành mái. Đó là những con cá làm nên.

Không gian suối, nơi bà lão giả vờ ngã và kéo theo cô xuống. Dòng suối đã làm thay đổi ngoại hình cô gái trong chốc lát: “ Tự nhiên cô thấy khát, cô vục nước suối uống. Nó mát lịm, cô khoan khoái vô cùng. Nước suối làm da cô trắng, môi đỏ má hồng, tóc đen dài thướt tha. Cô bội phần xinh đẹp” (Cô gái xấu xí – Lan Phương).

Không gian kì ảo trong truyện cổ tích hiện đại là sự kế thừa trong văn học dân gian. Tuy nhiên, trong không gian kì ảo này không có sự xuất hiện của thế giới âm phủ. Các tác giả hiện đại không đề cập đến cõi âm khi con người chết đi. Đây là điểm khác của không gian kì ảo trong truyện cổ tích của các nhà văn.

3.1.1.3. Không gian phiêu lưu

Bên cạnh không gian hiện thực, không gian thần kì truyện cổ tích Việt Nam hiện đại còn có kiểu không gian phiêu lưu. Đó là không gian xa lạ luôn đặt con người vào nhiều thử thách, nhiều hiểm họa khôn lường. Trong không gian này, con người bị cắt đứt những mối liên hệ thân thuộc, lênh đênh, trôi dạt giữa dòng đời. Chính vì thế, con người phải sống bên ngoài các giới hạn, ngoài khuôn khổ vốn có để đương đầu với thế giới. Nó là không gian làm bộc lộ con người bản lĩnh, khí thế cũng như tình cảm thật bên trong con người. Không gian quyết định số phận, tính cách con người. Đây là kiểu không gian mới trong truyện cổ tích hiện đại mà truyện cổ tích dân gian chưa được chú ý đến.

Trong tác phẩm BiBi và Mặt Đen, Phạm Việt Long đã đưa hai nhân vật BiBi và Mặt Đen đi từ nơi này đến nơi khác. Đó là cả một quãng đường dài đầy thử thách, từ một vùng quê đến rừng núi. Ở từng vùng đất khác nhau, hai nhân vật BiBi và Mặt Đen gặp những con người, những sự việc khác nhau. Ở đó, các nhân vật tự vượt qua từng thử thách để đến nơi khác. Không gian đó là cả một hành trình vận động của hai nhân vật.

Không gian phiêu lưu trong Nàng công chúa biển của Trần Hoài Dương là không gian ông lão đi từ làng chài ra hòn đảo. Để đến được nơi đó, ông lão phải trải qua rất nhiều thử thách, phải đi qua một chặng đường dài với rất, rất nhiều cơn sóng dữ: “Những con sóng cao chất ngất tung bổng thuyền lên tưởng chạm tới trời rồi lại hút thuyền lao mãi xống vực thẳm như không có đáy”. Đó là chưa kể ông lão còn phải đối đầu với bầy cá hung dữ, những con ó biển độc ác.

Như vậy, không gian phiêu lưu là kiểu không gian mới trong truyện cổ tích Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, kiểu không gian này chưa được sử dụng nhiều, chưa được phổ biến trong truyện cổ tích hiện đại.

dụng những kiểu không gian quen thuộc trong truyện cổ tích dân gian như không gian làng quê, không gian rừng núi, không gian thần kì. Tuy nhiên, các kiểu không gian này được một số tác giả cụ thể hóa, làm cho không gian trở nên gần gũi, rõ ràng hơn. Khác với không gian thần kì trong truyện cổ tích dân gian với ba cõi: thiên đình, âm phủ, thủy phủ... Không gian thần kì trong truyện cổ tích hiện đại không có sự xuất hiện của cõi âm, thiên đình thì ít được nhắc đến mà chủ yếu là không gian trần thế. Ở đó, xảy ra những việc phi thường. Một đặc điểm quan trọng về không gian trong truyện cổ tích hiện đại cần được nói đến là sự xuất hiện của không gian phiêu lưu. Đây là kiểu không gian mới được một số tác giả sử dụng để qua đó khắc họa tính cách nhân vật. Điều này chúng tôi xin được trình bày ở phần sau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện cổ tích việt nam hiện đại (Trang 61 - 69)