Chức năng thẩm mĩ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện cổ tích việt nam hiện đại (Trang 69 - 74)

NGHỆ THUẬT

3.1.2. Chức năng thẩm mĩ

3.1.2.1. Phản ánh đời sống sinh hoạt và vận động của nhân vật

Như đã trình bày ở trên, không gian nghệ thuật được các nhà văn xây dựng trong tác phẩm là kết quả của việc tổ chức sáng tạo nghệ thuật. Trước hết, không gian đó là nơi vận động và sinh hoạt của nhân vật.

Mở đầu truyện, các tác giả thường giới thiệu về nhân vật bằng các cụm từ chỉ nơi chốn như: một làng nọ, một vùng kia, một vương quốc nọ... Ví dụ: “một làng kia có một thanh niên tên Quốc” (Sự tích con chim quốc và con giun đất – Nguyễn Trí Công), hoặc:“Ở miền Nam nước Việt Nam có một người mẹ” (Tìm mẹ - Nguyễn Huy Tưởng).

Cụ thể, không gian nghệ thuật là ngôi nhà, túp lều, vùng quê. Trong những không gian như vậy, cuộc đời, số phận của từng nhân vật được nhà văn khắc họa một cách cụ thể.

Không gian trong Truyện Tấm Cám (Nguyễn Huy Tưởng) gắn liền với đầm Đoài - nơi Tấm xúc tôm, bắt cá. Đó còn là không gian cánh đồng, nơi Tấm chăn trâu. Nơi đấy, Tấm bị mẹ con dì ghẻ hành hạ, bắt làm lụng suốt

ngày đêm. Đó còn là không gian hoàng cung, nơi Tấm có thời gian làm hoàng hậu. Rõ ràng, qua chừng ấy không gian, hình tượng nhân vật Tấm hiện lên rõ nét với từng hành động, từng lời nói cụ thể. Từ đó, tác giả cho người đọc thấy nhân vật trước sau là một con người hiện lên với những nét tốt đẹp, chăm chỉ, cần cù, tốt bụng, và luôn đấu tranh để sống.

Trong truyện Tìm mẹ (Nguyễn Huy Tưởng), không gian sinh sống của ba mẹ con là đồng ruộng, gắn với những mâu thuẫn gay gắt giữa chúa làng và người dân. Mâu thuẫn ấy đã dẫn đến hành trình trốn chạy của ba mẹ con gia đình hai em Nhà và Gạo. Họ phải tìm đến rừng núi, bị lạc nhau, dẫn đến việc đi tìm nhau với bao khó khăn, vất vả.

Trong truyện Nàng công chúa biển, Trần Hoài Dương mở đầu tác phẩm đã giới thiệu về nơi sinh sống của ông lão:

Ở một xóm chài vùng biển kia có hai vợ chồng ông lão nghèo. Túp lều của họ ở khuất nơi cuối xóm, nép dưới một gốc dương già, thân xù xì. Gốc dương như một cái cột giữ cho mái lá dừa lợp sơ sài khỏi bị gió cuốn tung. Những tàu lá dừa bạc trắng lưa thưa, trên đắp thêm manh chiếu rách và mấy tấm lưới nát.

Qua đoạn văn trên, người đọc nhận thấy cuộc sống của hai vợ chồng thực là nghèo khổ, túng thiếu và đơn điệu. Từ không gian này, tác giả đã miêu tả mở rộng không gian sinh sống của vợ chồng ông lão với các biểu hiện về sinh hoạt, lao động hàng ngày: ông lão thả cá, bà lão mò nghêu, bắt hến.

3.1.2.2. Thể hiện quan niệm, tình cảm của nhà văn

Không gian nghệ thuật không chỉ là môi trường tồn tại, vận động của nhân vật mà còn là sự cảm nhận của tác giả về thế giới. Với mỗi một kiểu không gian được trình bày trong tác phẩm, các tác giả muốn nói lên một quan niệm, một tư tưởng, tình cảm nào đó về con người, về cuộc đời.

người một thông điệp về cuộc sống. Tình cảm gia đình là quan trọng nhất mà mỗi người cần phải và vun đắp để xã hội tốt đẹp hơn. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ nhất, con người vẫn luôn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp.

Không gian sống của mẹ con cô gái trong truyện Người mẹ nghèo ít gạo nhiều con (Phạm Hổ) cho thấy tình cảnh nghèo khổ của người mẹ : “Cô sống dưới một mái lều che tạm ở bờ sông để tránh mưa tránh nắng”. Trong không gian đó luôn chứa đầy tình yêu thương của mẹ dành cho con. Dù trong hoàn cảnh nào người mẹ cũng nghĩ về con, ngay cả khi chết cũng hóa thành cây sung để che mát cho đàn con.

Không gian nghệ thuật còn là nơi nhân vật trình diễn và khẳng định tư cách con người. Con đường tìm mẹ của hai anh em: “Phải trải qua ba rừng, bốn sông, bảy núi rồi mới đến bến sông, nước trong như gương, bến có một cây đa um tùm mát rượi. Mẹ các em thường đến đó tắm rửa”(Tìm mẹ). Nguyễn Huy Tưởng dùng không gian ba rừng, bốn sông, bảy núi để tượng trưng cho sự khó khăn của các em trên con đường tìm mẹ qua đó khẳng định tình mẹ con thiêng liêng cao cả.

Không gian rừng núi trong sáng tác của Phạm Hổ lại là nơi diễn ra cuộc chiến đấu khốc liệt giữa cha con cô bé với quái thú (Cô bé và ông Táo). Không gian này đã làm bộc lộ tinh thần dũng cảm của cô bé.

Khi xây dựng không gian quê hương, đất nước, các tác giả truyện cổ tích còn thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Trong truyện cổ tích Việt Nam hiện đại, không gian làng quê Việt Nam xuất hiện ở nhiều tác phẩm. Điều đó đem lại cho truyện cổ tích màu sắc dân tộc, dân dã. Không gian trong nhiều câu chuyện của Phạm Hổ là hình ảnh cụ thể về quê hương đất nước Việt Nam. Phạm Hổ hay nói đến cái tình dân tộc nên nội dung ấy đã được cụ thể hóa một cách thiết thực và xúc động nhất. Khi đọc truyện của nhà văn Phạm

Hổ, chúng ta như được hít thở bầu không khí trong lành cùng những trải nghiệm thú vị giữa thiên nhiên đất trời quê hương nước Việt:

Khúc lượn của con sông ở đây càng ngắm kĩ càng thấy đẹp. Những cây sung và những lùm tre ở bờ bên kia xanh biếc, um tùm soi bóng xuống dòng sông nhìn nửa hư, nửa thực như trong tranh vẽ. Xa xa là những rặng núi xanh mờ tím nhạt như trong mơ.

(Cây đàn và bầu rượu của người thầy) Đó là không gian vườn tược quen thuộc trong đời sống người Việt: “Ông đào một giếng lớn ở giữa khu vườn. Ông trồng xung quanh giếng những loại môn quý, lá to cọng tím hồng. Hai bên đường từ cái cổng vào đỏ rực hoa râm bụt” (Cây lạ quả ngon).

Hình ảnh đầm sen thật gần gũi, bình dị:

Người chèo thuyền dẫn hai bố con ra đầu mũi thuyền và chỉ tay xuống nước. Ở đấy có hai bông hoa rất to, rất đẹp đang tựa vào nhau cùng với cái lá cứ rập rờn trên mặt hồ, nước đang gợn lăn tăn. Một bông màu trắng, một bông màu hồng.Cánh hoa giống như những chiếc hài lụa xinh xắn xếp thành hình thêu.Còn lá thì xanh mát tròn như cái nón quai thao mà các cô gái trong vùng thường đội.

(Những bông hoa mới ở hồ Thơm) Không gian truyện cổ tích còn thể hiện ước mơ, khát vọng của con người. Những khái niệm không gian bao giờ cũng bị quy định bởi nền văn hóa. Không gian thần kì cũng biểu hiện được những yếu tố về tư duy, quan niệm và ước mơ của con người Việt Nam. Vì vậy, không gian thần kì gắn với những khát vọng, ước mơ của con người. Ở đó, có hạnh phúc và sự bất tử, có những báu vật kì diệu mang lại hạnh phúc cho con người. Nơi con người tìm được những gì tốt đẹp, sung sướng mà họ không bao giờ có được ở thế giới hiện thực.

Do đó, trong truyện cổ tích, người ta bay lên không trung, ngồi lên tấm thảm bay, đi hài bảy ngàn dặm, phục sinh những người đã chết… Nói chung, truyện cổ tích đã mở ra trước mắt người đọc cánh cửa sổ để trông vào cuộc sống khác, tốt đẹp hơn.

Ở truyện cổ tích hiện đại, không gian đó vẫn tồn tại như một thủ pháp nghệ thuật. Với một số tác giả, không gian này giữ vị trí chủ đạo trong thế giới nghệ thuật. Đó là những phương tiện để các nhà văn chuyển tải những quan niệm về thế giới, về con người. Đồng thời, chúng cũng tạo nên sự cân bằng trong tâm lí con người, giúp con người giải tỏa những áp lực trong cuộc sống, mơ ước tiến tới thế giới tương lai tốt đẹp.

Trong thế giới cổ tích thần kì của Phạm Hổ, nguồn gốc của muôn loài được nhìn nhận thú vị. Ngón tay út của người thầy biến thành cây nhân sâm, những con tép trở thành tép bưởi, khóm dứa cất giấu ba viên ngọc đổi màu biến thành hoa ngọc trai… Tác giả mượn không gian màu nhiệm đó để khẳng định một điều rất hiện thực: tất cả hoa đẹp, quả lạ trên đời đều do tình yêu thương và lòng tốt của con người kiến tạo thành.

Ở không gian đó, con người luôn được giúp đỡ che chở trong những tình huống bế tắc, cận kề với cái chết. Đó là không gian rừng mây được Nguyễn Huy Tưởng miêu tả rất ấn tượng trong truyện Tìm mẹ:

Người mẹ gạt nước mắt xuống núi…Người mẹ chạy xuống đến lưng chừng núi. Nghe nhạc ngựa của chúa làng cũng vang lên ở lưng chừng núi. Người mẹ thấy ngựa chúa làng trước mặt, kêu lên một tiếng rồi chạy rẽ vào rừng mây. Chúa làng nghe tiếng người mẹ kêu, phi ngựa đuổi vào rừng mây. Dây mây chằn chịt, ngựa chúa làng vướng mây không chạy được. Chúa làng nhảy xuống ngựa, đuổi theo người mẹ. Mây rẽ ra cho người mẹ chạy.

hiện thực, không gian mơ ước của con người. Với kiểu không gian này các tác giả văn học hiện đại thể hiện niềm mong ước của mình vào một thế giới chưa có trong hiện thực. Thế giới giúp con người vượt lên khó khăn, được sống hạnh phúc.

Tóm lại, không gian nghệ thuật trong tác phẩm truyện cổ tích hiện đại không chỉ là việc vẽ lại không gian vật lý mang tính vật chất đơn thuần, là môi trường để con người sinh sống, hành động, làm việc gắn với dòng sông, cánh đồng, ngọn núi, đèo xa, biển cả mang tính dân tộc. Mà còn là nơi nhà văn triển khai sự kiện, biến cố mà cái chính là muốn gửi gắm một góc nhìn về cuộc đời về con người, thể hiện triết lí nhân sinh. Không gian đó không phải ngẫu nhiên như trong đời sống mà do nghệ sĩ chọn để thể hiện ý đồ nghệ thuật. Nếu như ở truyện cổ tích dân gian, không gian nghệ thuật chưa được tác giả dân gian chú ý một cách sâu sắc thì ở truyện cổ tích hiện đại các tác giả đã dùng không gian như một phương tiện hữu hiệu để phản ánh nhân vật và thể hiện tư tưởng, quan niệm về cuộc đời, con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện cổ tích việt nam hiện đại (Trang 69 - 74)