Những nghiên cứu và ứng dụng về nano TiO2 được triển khai hầu hết tại các cơ sở nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây: nghiên cứu và ứng dụng nano TiO2 trong chế tạo sensor hóa học tại Trung tâm Quốc tế Nghiên
cứu và Đào tạo Khoa học Vật liệu nano (ITIMS), trường đại học Bách Khoa Hà Nội [12]; nghiên cứu chế tạo màng phủ nano TiO2 trên kính phục vụ xây dựng, tổng hợp bột nano TiO2 quy mô pilot, ứng dụng TiO2 vào xử lý nước của Viện Kỹ thuật Hóa học, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; nghiên cứu ứng dụng TiO2 cho chế tạo pin mặt trời tại Viện Vật lý kỹ thuật, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; nghiên cứu vật liệu và tính chất TiO2 trong các quá trình hóa học chống ăn mòn đang được triển khai tại khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội [12]; nghiên cứu và ứng dụng TiO2 cho sensor quang học tại Khoa Vật lý, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; chế tạo điện cực trong suốt cho pin mặt trời; chế tạo sơn nano có khả năng diệt khuẩn; màng nano TiO2 có khả năng tự làm sạch, phân hủy chất độc, chống nấm mốc, diệt khuẩn, tính chất siêu ưa nước của Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị Khoa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam . Hội thảo khoa học Quốc tế giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và trường Đại học Công nghệ Tokyo tổ chức tại Hà Nội về "Khoa học và ứng dụng của nano TiO2 cho môi trường bền vững" đã đánh dấu sự phát triển của Việt Nam về công nghệ nano. Hiện nay, hướng nghiên cứu mới tổng hợp nano TiO2 pha tạp phi kim và kim loại (N, V, Ag, Fe...) nhằm đưa vùng hấp thụ về vùng ánh sáng khả kiến đang được các nhà khoa học tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, trường Đại học Sư phạm và trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội triển khai và thu được một số kết quả nhất định.