5. Những đóng góp mới của đề tài
1.3.1. Khái quát về trí tuệ (lntelligent Quotient)
Trí tuệ là một hoạt động tâm lý phức tạp bao gồm khả năng nhận thức, ngôn ngữ, vận động và khả năng thích ứng với xã hội, nó là một đặc trưng tâm lý và tư duy mà chỉ con người mới có.
Trí tuệ có thể đánh giá qua chỉ số thông minh IQ là một tính trạng số lượng được dùng để định giá trị thông minh của một người. Người có chỉ số IQ cao có khả năng thao tác, xử lý và phân tích thông tin ở mức độ chuyên sâu và tốc độ nhanh hơn người bình thường.
Theo tiếng Latinh, trí tuệ (intellectus) có nghĩa là hiểu biết thông tuệ. Theo từ điển tiếng Việt [58], Trí tuệ là khả năng nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định. Trí tuệ là khả năng hoạt động trí óc đặc trưng cho con người. Trí tuệ là một phẩm chất quan trọng trong hoạt động của con người, liên quan đến cả phẩm chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy việc nghiên cứu trí tuệ được coi là một lĩnh vực liên ngành, đòi hỏi sự kết hợp của các nhà sinh lý học, tâm lý học, điều khiển học và các ngành khoa học khác. Cho đến nay vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về trí tuệ.
Theo L. Terman, coi chức năng của trí tuệ là sử dụng có hiệu quả các khái niệm [30]. Theo Huarte J. trí tuệ là tập hợp các khả năng lĩnh hội tri thức, phán xét, đánh giá và sáng tạo. Hệ thống những thuộc tính trí tuệ là những năng lực chung đảm bảo cho sự lĩnh hội tri thức một cách rõ ràng và có hiệu quả [46]. Wechsler [61] lại cho rằng trí tuệ là năng lực chung của nhân cách, được thể hiện trong hoạt động có mục đích, trong sự phỏng đoán thông hiểu và làm cho môi trường thích nghi với khả năng của mình. Piaget J. lại coi trí tuệ là hình thái nhất định của sự cân bằng, hình thành trên cơ sở tri giác, kỹ xảo. Ngoài ra, năng lực trí tuệ còn được biểu hiện ở các phẩm chất khác nhau như sự tò mò, lòng say mê, sự hứng thú, sự kiên trì và miệt mài. Năng lực trí tuệ còn được thể hiện ra hành động như nhanh trí, tháo vát, linh hoạt hay thể hiện ra khả năng tưởng tượng... Như vậy, có thể nói năng lực trí tuệ biểu hiện cả hai mặt nhận thức lẫn hành động [54].
Trong thực tế cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về trí tuệ, thấy rõ có 3 quan điểm chính:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng trí tuệ là năng lực nhận thức, năng lực học tập của cá nhân. Quan niệm này đã có từ lâu và khá phổ biến. Đại diện cho nhóm quan điểm này có nhà tâm lí học Nga B.G. Ananhev, nhà tâm lý học Pháp A. Bignet, …[10].
- Quan điểm thứ hai cho rằng trí tuệ là năng lực tư duy trừu tượng. Nhóm này về thực chất, đã quy hẹp khái niệm trí tuệ vào các thành phần cốt lõi của nó là tư duy và gần như đồng nhất chúng với nhau. Trên thực tế nhóm quan niệm này khá phổ biến: A. Binet (1905), L. Terman (1937), G.X. Cotchuc (1971), V.A. Cruchetxki (1976), R. Sternberg (1986), D.N. Perkins (1987)…[10].
- Quan điểm thứ ba cho rằng trí tuệ là năng lực thích nghi của con người đối với thế giới xung quanh. Quan niệm này phổ biến hơn cả, thu hút nhiều
nhà nghiên cứu lớn: U. Sterner, G. Piagie, D. Wechsler, R. Zazzo…[10]
Cả ba quan điểm trên không mâu thuẩn nhau mà cùng song song tồn tại, mỗi quan điểm đều xuất phát từ một dấu hiệu nào đó được cho là quan trọng. Sự tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về trí tuệ và mỗi khái niệm chỉ nêu được một số mặt của nó chứng tỏ hoạt động trí tuệ là hoạt động phức tạp của con người. Năng lực trí tuệ biểu hiện ở nhiều mặt, nhiều mức độ khác nhau liên quan đến các hiện tượng tâm sinh lý khác nhau [12].