Trong quá trình thực hiện CTTT, kinh nghiệm và bài học rút ra từ vận dụng các nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở một số địa phương trong tỉnh như thị xã An Nhơn, huyện An Lão, huyện Vân Canh, huyện Tây Sơn nổi bật lên một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở phải thường xuyên quán triệt đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về CTTT. Coi trọng chỉ đạo đối với CTTT nói chung, CTTT miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nói riêng, nhất là ở cấp cơ sở; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện để có sự điều chỉnh kịp thời. Qua đó làm cho cán bộ, đảng viên ngày càng hiểu sâu sắc hơn về vị trí, vai trò quan trọng của CTTT.
Thứ hai, thường xuyên bồi dưỡng rèn luyện cán bộ, đảng viên, những người trực tiếp làm CTTT có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt và có năng lực công tác. Đây là vấn đề quan trọng, trực tiếp quyết định đến hiệu quả CTTT. Công việc này đòi hỏi người làm CTTT không ngại khó, thực sự gương mẫu, kiên nhẫn, thận trọng, nói đi đôi với làm và có trình độ, kiến thức, năng lực, nắm bắt được đặc điểm tâm lý, văn hóa, phong tục
tập quán, biết cách thuyết phục, lôi cuốn, tập hợp, tổ chức cho bà con nhân dân thực hiện.
Thứ ba, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hoá các nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành CTTT, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Sử dụng các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về CTTT là: Đối với mỗi đối tượng, phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng yếu tố ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Bằng nhiều hình thức, phương pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền trong nhân dân thông qua các cuộc sinh hoạt dân chủ tại thôn, bản, các đoàn thể nhân dân, các lễ hội, hoạt động văn hoá dân gian của các dân tộc. Trên cơ sở đó, chủ động bám sát đặc điểm tâm lý, văn hoá dân tộc, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong CTTT nhân dân thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, để nhân dân nhiệt tình tham gia hưởng ứng các phong trào. Đa dạng hóa các tài liệu tuyên truyền bao gồm: Sách, băng hình, pa nô, áp phích, các ấn phẩm pháp luật...; tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả quản lý.
Thứ tư, phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tuyên truyền, đặc biệt là phát huy vai trò tuyên truyền của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ quan chức năng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ, giúp lực lượng tuyên truyền nâng cao hiệu quả CTTT cho người dân tộc thiểu số.
Tiểu kết chương 1
CTTT của Đảng (với nghĩa là lĩnh vực hoạt động, lĩnh vực công tác do Đảng trực tiếp lãnh đạo) là hoạt động truyền bá hệ tư tưởng của Đảng, là hoạt động vận động quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, lý tưởng của Đảng, thông qua đó mà
ảnh hưởng tới thái độ, tính tích cực của nhân dân trong các hoạt động thực tiễn của xã hội. CTTT góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, CTTT là kênh quan trọng để các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức thực hiện và bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động; kiểm tra, giám sát, giáo dục, rèn luyện cán bộ, công chức; là công cụ để cho nhân dân tiếp cận đến các chính sách, phục vụ cả nhiệm vụ đối nội lẫn đối ngoại. Những vấn đề lý luận và nhận thức chung về CTTT của Đảng giúp chúng tôi có cái nhìn trực diện hơn để vận dụng thực tiễn ở địa bàn công tác giai đoạn hiện nay.
Chương 2