Cho đến những năm 80, tất cả những trường hợp chấn thương gan đề được chỉ định mổ [7]. Tuy nhiên, theo nhiều tác giả, có 50-70% các tổn thương gan không còn chảy máu khi phẫu thuật [2], [12], [20]. Do đó, ý tưởng điều trị bảo tồn không mổ chấn thương gan được hình thành. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị này, và các con số đưa ra đều mang tín hiệu tích cực.
Năm 1972, Riche lần đầu tiên báo cáo bốn trường hợp bệnh nhi chấn thương gan không mổ thành công từ đó mở ra một thời kì mới trong điều trị chấn thương gan [21].
Năm 1991, Hollands đã nghiên cứu 281 bệnh nhân chấn thương gan trong 10 năm tại bệnh viện Westmea. Trong đó 55 bệnh nhân được lựa chọn để điều trị bảo tồn không mổ. Kết quả thu được tỷ lệ bảo tồn thành công là 92,7% và không có bệnh nhân nào tử vong do tổn thương gan. Cũng trong thời gian này, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ đặc biệt là kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính đã giúp đánh giá chính xác hơn mức độ tổn thương gan làm cơ sở cho việc bảo tồn không mổ chấn thương gan [22].
Kết quả nghiên cứu của tác giả Jeffrey và Wayne (1995) đã đưa đến kết luận: chỉ định bảo tồn không mổ đưa ra khi huyết động ổn định, không có dấu hiệu viêm phúc mạc, không có tổn thương các tạng khác trong ổ bụng [23].
Tác giả Landau (2006) khi nghiên cứu về điều trị không mổ chấn thương gan nhận thấy có tới 93% bảo tồn thành công và chỉ có 4% phải mổ lại sau theo dõi [24].
Nghiên cứu của Van der Wilden GM (2012) trên 393 bệnh nhân chấn thương gan độ IV, V trong đó 262 bệnh nhân (66,7%) được chỉ định điều trị bảo tồn không mổ, tỷ lệ thành công 91,2% [25].
Một tổng quan hệ thống được thực hiện bởi Melloul E và cộng sự (2015) cho thấy có khoảng 66% bệnh nhân chấn thương gan được điều trị bảo tồn không mổ. Tỷ lệ thành công của nhóm này là 94%. Tác giả cũng đưa ra khuyến cáo với những chấn thương gan phân độ III đến V mà có huyết động ổn định thì điều trị bảo tồn không mổ là lựa chọn hàng đầu [26].
Tại Việt Nam, chỉ định điều trị bảo tồn chấn thương gan được đặt ra từ sớm. Năm 1998, Dương Trọng Hiền đã nghiên cứu 83 bệnh nhân chấn thương gan, trong số này chỉ có 4 bệnh nhân được điều trị bảo tồn [12].
Vũ Thành Trung (2006) nghiên cứu giá trị của chụp cắt lớp vi tính trong chẩn đoán và điều trị chấn thương gan, trong nghiên cứu này có 83/122 bệnh nhân được điều trị bảo tồn không mổ [11].
Tại Hội nghị Ngoại khoa toàn quốc năm 2006, tác giả Trần Bình Giang báo cáo 142 bệnh nhân chấn thương gan, trong số đó có 79 bệnh nhân điều trị bảo tồn không mổ chiếm 55,6% [2].
Nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Hùng (2012) trên 292 bệnh nhân được chỉ định điều trị bảo tồn không mổ chấn thương gan với tỷ lệ thành công là 93,5% [1]. Tác giả Ngô Quang Duy, Nguyễn Văn Hải (2013) nghiên cứu trên 148 trường hợp chấn thương gan trong đó 116 trường hợp (78,38%) điều trị bảo tồn chấn thương gan ngay tử đầu, tỷ lệ thành công là 90,5%. Chỉ có 11 trường hợp (9,5%) phải chuyển mổ hay làm tắc mạch. Biến chứng của điều trị bảo tồn không mổ gặp ở 20 trường hợp (17,24%) bao gồm sốt (12,06%), tụ dịch dưới gan (0,85%), rò mật chiếm 3,04% và tràn dịch màng phổi chỉ có 1 trường hợp chiếm 0,85%. Tác giả đưa ra kết luận: Với bệnh nhân vỡ gan chấn thương có tình trạng huyết động ổn định, không có tổn thương kèm theo trong ổ bụng cần can thiệp ngoại khoa, mức độ chấn thương gan nhẹ thì điều trị bảo tồn không mổ có tỷ lệ thành công cao, là điều trị an toàn, tỷ lệ biến chứng thấp [14].