Chỉ định điều trị bảo tồn không mổ đầu tiên phải dựa vào tình trạng lâm sàng của người bệnh, trong đó quan trọng nhất là tình trạng huyết động. Hầu hết các tác giả cho rằng có thể chỉ định điều trị bảo tồn không mổ chấn thương gan cho những bệnh nhân có huyết động ổn định. Những trường hợp vào viện trong tình trạng sốc có tỷ lệ phải mổ rất cao. Theo Beckingham nếu sau khi truyền dịch mà bệnh nhân ổn định thì có thể theo dõi sát, làm các biện pháp chẩn đoán rồi quyết
định [27]. Croce thấy tỷ lệ bảo tồn thành công lên đến 73,5% ở những bệnh nhân huyết động ổn định sau khi bù dịch [18].
Thứ hai là tình trạng bụng của bệnh nhân, phải loại trừ các tổn thương phối hợp phải mổ cấp cứu khác như là thủng tạng rỗng, vỡ cơ hoành, vỡ bàng quang,... Chấn thương gan thường nằm trong bệnh cảnh của đa chấn thương phối hợp, vì vậy việc chẩn đoán, đánh giá mức độ nặng của tổn thương phối hợp là hết sức cần thiết để tránh bỏ sót tổn thương, có thái độ xử trí thích hợp đăc biệt là khi có ý định điều trị bảo tồn không mổ chấn thương gan. Để đánh giá độ nặng của các chấn thương , hiệp hội phẫu thuật chấn thương Hoa Kỳ (AAST) đã đưa ra thang điểm chấn thương chung, làm cơ sở cho thang điểm đánh giá độ nặng của các chấn thương (ISS), cho phép đánh giá độ nặng của từng cơ quan chấn thương. Các chỉ tiêu theo dõi trước hết là lâm sàng: đau, tình trạng bụng, lưu thông ruột, mạch, huyết áp, nước tiểu, hô hấp..., đồng thời cũng cần theo dõi các thông số cận lâm sàng: công thức máu, chức năng gan,... tùy diễn biến.
Thời gian theo dõi ở bệnh viện chủ yếu dựa vào mức độ tổn thương trên CLVT – và dựa vào diễn biến lâm sàng, cận lâm sàng. Nếu diễn biến thuận lợi có thể ra viện sau 7 – 10 ngày. Chụp CLVT kiểm tra khi có triệu chứng lâm sàng [11]. Hình ảnh tổn thương dịch hóa dần còn tồn tại nhiều tháng sau chấn thương và cũng không cần can thiệp, chọc hút nếu không có biểu hiện lâm sàng. Trong quá trình chẩn đoán, theo dõi không mổ, cần lưu ý phát hiện các biến chứng để xử trí kịp thời.