1.2.2.1. Khái niệm về truyền thông
Truyền thông (giao tiếp) là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin, kiến thức, thái độ
và tình cảm giữa con người với nhau, với mục đích làm tăng kiến thức, làm thay đổi thái độ và hành vi của cá nhân, của nhóm người và của cộng đồng [23].
1.2.2.2. Khái niệm về giáo dục sức khỏe
Theo Green và cộng sự (1980) đã định nghĩa GDSK là sự tổng hợp các kinh nghiệm nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân chấp nhận một cách tự nguyện các hành vi có lợi cho sức khoẻ. Chúng ta có thể định nghĩa GDSK là một quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch đến người dân, giúp họ nâng cao sự hiểu biết để
thay đổi thái độ, chấp nhận và duy trì thực hiện những hành vi lành mạnh, có lợi cho sức khoẻ cá nhân và cộng đồng[23].
1.2.2.3. Vị trí, tầm quan trọng của truyền thông – giáo dục sức khỏe
TT – GDSK giúp cho người dân nâng cao được kiến thức, đồng thời hướng dẫn cho họ những kỹ năng cần thiết, giúp cho họ có khả năng lựa chọn giải pháp thích hợp nhất và đưa ra được các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của họ, tạo ra được những hành vi đúng đắn; giúp người dân tự giác chấp nhận và duy trì lối sống lành mạnh, từ bỏ thói quen có hại cho sức khoẻ góp phần bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho chính họ và cộng đồng, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tàn tật, tỷ lệ tử vong do bệnh gây rạ Vì vậy, nếu làm tốt công tác TT – GDSK thì hiệu quả của công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân sẽ đạt được hiệu quả. TT – GDSK là một công tác khó làm, nhưng nếu làm tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, chi phí lại thấp so với các dịch vụ y tế khác, nhất là ở tuyến y tế cơ sở.
Để bà mẹ có thể chăm sóc tốt sức khoẻ cho trẻ cần có nhiều yếu tố nhưng TT – GDSK là một yếu tố rất quan trọng. Nhờ TT – GDSK, bà mẹ sẽ biết cách chăm sóc trẻ cả lúc khoẻ lẫn lúc đau ốm, biết cách phát hiện các dấu hiệu khi trẻ mắc bệnh, biết đưa trẻ đến các cơ sở y tế kịp thời tránh được tử vong. Truyền thông nói chung không chỉ tác động đến một cá nhân mà có tác động đến toàn thể cộng đồng. TT – GDSK huy động các cấp chính quyền tạo điều kiện về hành lang pháp lý, về nhân lực, hỗ trợ kinh phí và có thể trực tiếp tham gia vào công tác chăm sóc sức khoẻ. Kinh nghiệm trên thế giới, cũng như ở Việt Nam cho thấy nhờ làm tốt công tác TT- GDSK mà nhiều vấn đề về sức khoẻ đã trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội, đẩy lùi được nhiều dịch bệnh, cải thiện tình trạng sức khoẻ cho trẻ em [23].
1.2.2.4. Nhiệm vụ Điều dưỡng với công tác giáo dục sức khỏe
Theo thông tư số 07/2011/TT – BYT: Tư vấn, hướng dẫn giáo dục sức khỏe tại bệnh viện được đặt ở vị trí đầu tiên trong nhiệm vụ chuyên môn của người điều dưỡng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, bệnh viện cần có quy định và tổ chức các hình thức tư vấn, truyền thông, giáo dục sức khỏe phù hợp. Người bệnh nằm viện
cần được điều dưỡng viên, hộ sinh viên hướng dẫn phương pháp tự chăm sóc, theo dõi, phòng bệnh trong thời gian nằm viện và sau khi ra viện [11].