2.2.1. Công cụ thu thập số liệu
Sử dụng bộ công cụ đánh giá CLCS cho bệnh thận bằng Tiếng Anh (Kidney Disease and Quality of Life – KDQOL-SFTM1.3) là tài liệu công khai, miễn phí của RAND [76] đã được đánh giá độ tin cậy bằng hệ số Cronbach alpha đối với từng lĩnh vực [53].
Được sự cho phép của tác giả, nhóm nghiên cứu đã tham khảo bản dịch tiếng viết Bộ công cụ KDQOL-SFTM 1.3 đã được Lê Thị Huyền sử dụng trong nghiên cứu đánh giá CLCS người bệnh suy thận mạn tại Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, Đồng Hới năm 2016 [7]. Bộ công cụ được 3 chuyên gia về lĩnh vực chạy thận nhân tạo và điều dưỡng kiểm tra, chỉnh sửa và đánh giá tính giá trị (thông qua chỉ số hiệu lực Content Validity Index - CVI) để đảm bảo tính chính xác, mức độ phù hợp về nội dung, ngôn từ và văn hóa của người Việt Nam, bao gồm:
1. Thạc sỹ Lê Thị Phương – Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
2. Thạc sỹ Đinh Quang Kiền – Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đại học Y Thái Bình.
3. Thạc sỹ Tô Minh Tuấn – Trưởng bộ môn Điều dưỡng Trường Cao đẳng y tế Thái Bình.
Kết quả xin ý kiến chuyên gia: 22/24 câu được chuyên gia đánh giá ở mức 3 hoặc mức 4; 2/24 câu (câu 18 và câu 23) được 1 chuyên gia đánh giá là “Không phù hợp”. Bên cạnh đó 3 chuyên gia cũng góp ý chỉnh sửa từ ngữ để phù hợp với văn phong Tiếng Việt và dễ hiểu hơn. Kết quả đánh giá của chuyên gia thông qua chỉ số hiệu lực Content Validity Index (CVI) dao động từ 0,67 đến 1. Chỉ số scale CVI (sCVI) đạt 0,97 cao hơn mức đề xuất tối thiểu của Polit là 0,78 [75]. Vì vậy bộ công cụ có tính giá trị.
Chúng tôi đã tiến hành chỉnh sửa từ ngữ theo ý kiến của chuyên gia và tiến hành khảo sát thử trên 30 người bệnh đáp ứng tiêu chuẩn chọn mẫu (những người này không tham gia vào nghiên cứu) để hiệu chỉnh lại bộ công cụ cho phù hợp và phân tích, đánh giá độ tin cậy của bộ công cụ. Hệ số Cronbach’s Alpha của bộ công cụ gồm 80 câu hỏi, chia thành 19 lĩnh vực là 0,9; trong đó hệ số Cronbach’s Alpha của từng lĩnh vực là :
- Lĩnh vực dành riêng cho bệnh thận hệ số Cronbach’s Alpha từ 0,6 đến 0,9: Các triệu chứng (12 câu) 0,9; Ảnh hưởng bệnh thận (8 câu) 0,9; Gánh nặng bệnh thận (4 câu) 0,7; Tình trạng công việc (2 câu) 0,6; Chức năng nhận thức( 3 câu) 0,8; Chức năng tương tác xã hội (3 câu) 0,7; Chức năng tình dục (2 câu) 0,9; Giấc ngủ (4 câu) 0,6; Hỗ trợ xã hội (2 câu) 0,8; Sự hỗ trợ của nhân viên lọc máu (2 câu) 0,8.
- Lĩnh vực sức khỏe thể chất hệ số Cronbach’s Alpha từ 0,7 đến 0,9: Sức khỏe liên quan đến hoạt động thể chất (10 câu) 0,9; Hạn chế vai trò của thể chất (4 câu) 0,9; Sức khỏe liên quan đến cảm nhận đau đớn (2 câu) 0,7; Tự đánh giá sức khỏe tổng quát (5 câu) 0,8.
- Lĩnh vực sức khỏe tinh thần hệ số Cronbach’s Alpha từ 0,8 đến 0,9: Sức khỏe liên quan đến cảm nhận cuộc sống (5 câu) 0,9; Sức khỏe liên quan đến hoạt động xã hội (3 câu) 0,9; Hạn chế vai trò của tinh thần (2 câu) 0,8; Sức khỏe tâm thần tổng quát (4 câu) 0,8.
Như vậy, cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha đều > 0,6 do đó chúng tôi sử dụng bộ công cụ này vào nghiên cứu.
2.2.2. Phương pháp thu thập số liệu
Số liệu được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp dựa trên bộ câu hỏi có sẵn (Phụ lục 2)
Người thu thập số liệu : người nghiên cứu và nhóm cộng tác viên là nhân viên Phòng Công tác xã hội (đã được tập huấn)
Địa điểm thu thập : Tại phòng lọc máu, khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Thời điểm thu thập : Đánh giá lần 1 trước can thiệp, đánh giá lần 2 sau can thiệp 1 tháng, đánh giá lần 3 sau can thiệp 3 tháng.
2.2.3. Quy trình thu thập số liệu
Bước 1 : Tập huấn cho các cộng tác viên về mục đích, nội dung và cách thức điều tra.
Bước 2 : Đánh giá chất lượng cuộc sống của ĐTNC (T1) theo danh sách đã lựa chọn và theo ca lọc máu của người bệnh. Thời điểm sau khi bắt đầu kết nối máy thận 30 phút. Trước khi phỏng vấn, người bệnh được giải thích về mục đích, ý nghĩa của nghiên cứu và quyền lợi của ĐTNC. Nếu người bệnh đồng ý tham gia nghiên cứu sẽ ký vào bản đồng thuận (Phụ lục 1) và được hướng dẫn về hình thức tham gia và cách trả lời câu hỏi. Thời gian phỏng vấn khoảng 25 – 30 phút.
Sau khi phỏng vấn xong, người phỏng vấn sẽ kiểm tra lại bộ câu hỏi để đảm bảo tất cả các thông tin liên quan không bị bỏ sót. Chuyển đổi các số ghi nhận được thành điểm số đã qui ước của nghiên cứu theo bảng chuyển đổi điểm số (Phụ lục 3)
Bước 3 : Tiến hành tư vấn, giáo dục sức khỏe cho ĐTNC theo chương trình can thiệp.
Bước 4 : Tiến hành đánh giá CLCS (T2) sau 1 tháng thực hiện chương trình can thiệp bằng phiếu điều tra (Phụ lục 2) và cách thực hiện giống bước 2.
Bước 5 : Tiến hành đánh giá CLCS (T3) sau 3 tháng thực hiện chương trình can thiệp bằng phiếu điều tra (Phụ lục 2) và cách thực hiện giống bước 4.