Thực trạng CLCS của NB chạy thận nhân tạo chu kỳ trước can thiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của giáo dục sức khỏe đến chất lượng cuộc sống của người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳtại bệnh viện đa khoa tỉnh thái bình năm 2020 (Trang 65 - 80)

4.2.1. Điểm chất lượng cuộc sống chung (SF-36)

Trong nghiên cứu của chúng tôi, đánh giá CLCS của người bệnh thông qua việc đo lường các khía cạnh chung về CLCS (SF-36) và các khía cạnh cụ thể về CLCS của người bệnh chạy thận nhân tạo. Có rất nhiều đề tài nghiên cứu

trong nước về CLCS của người bệnh chạy thận nhân tạo tuy nhiên chỉ nghiên cứu các khía cạnh chung của CLCS mà không nghiên cứu các khía cạnh đặc trưng của bệnh thận.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy người bệnh chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình có điểm CLCS theo SF-36 là 42,19 ± 17,75, trong đó điểm số sức khỏe thể chất là 32,13 ± 18,55, điểm sức khỏe tinh thần là 52,29 ± 23,4. Kết quả này tương đồng với một số nghiên cứu : nghiên cứu của Lê Thị Huyền (2016) người bệnh có điểm CLCS SF-36 là 43,6 ± 11,2[7] ; nghiên cứu của Lâm Nguyễn Nhã Trúc (2012) tại Bệnh viện Chợ Rẫy người bệnh có điểm CLCS SF-36 là 41,3 điểm [17] ; nghiên cứu của Lê Việt Thắng (2012) tại Bệnh viện Bạch Mai người bệnh có điểm SF-36 là 40,78 ± 19,37 [16]. Nghiên cứu về CLCS của người bệnh chạy thận nhân tạo tại Indonesia của Virna Widora Saputri (2018) điểm SF-36 là 45,90 ± 21,95 [80]. Kết quả này cho thấy người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ có điểm chất lượng cuộc sống (SF-36) rất thấp.

Điểm SF-36 của người bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Vương Tuyết Mai (37,03) [13] vì tác giả nghiên cứu trên người bệnh suy thận mạn chưa điều trị thay thế thận. Đối với người bệnh suy thận mạn tính việc điều trị thay thế thận bằng chạy thận nhân tạo chu kỳ cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh [5]. Điểm CLCS SF- 36 của người bệnh của Kossi Akomola Sabi (2017) thấp hơn nghiên cứu của chúng tôi (35,58 ± 15,08) vì trong nghiên cứu này có 79,7% người bệnh có nghề nghiệp tích cực, tỷ lệ này trong nghiên cứu của chúng tôi là 3,3%. Nghề nghiệp của người bệnh cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, người bệnh là nhân viên và lao động tự do có chất lượng cuộc sống cao hơn người bệnh có nghề nghiệp tích cực [79].

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi người bệnh có điểm CLCS SF-36 thấp hơn nghiên cứu của Nguyễn Dũng (2014) tại Bình Định (54,87 ± 8,75) [5], lý giải điều này là do người bệnh người bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi người bệnh có tuổi trung bình cao hơn (52,6 ± 12,2 so với 45,74 ± 16,01), người bệnh chạy thận nhân tạo tuổi càng cao thì chất lượng cuộc sống càng giảm [5], [7]. Nghiên cứu của Mohammadkarim Bahadori (2014) người bệnh có điểm trung bình SF-36 là 49,04 ± 26,57 [26] cao hơn nghiên cứu của chúng tôi vì đối tượng nghiên cứu của họ phần lớn có thời gian lọc máu dưới 5 năm (1-3 năm là 40,6%, 3-5 năm là 37,5%). Trong khi đó, thời gian lọc máu trung bình của người bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi là 6,2 ± 3,7 năm, theo Sabi K.A và cộng sự chất lượng cuộc sống giảm ở những người bệnh chạy thận nhân tạo sau 6 năm [79].

So sánh điểm sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần trong các nghiên cứu trong và ngoài nước chúng tôi nhận thấy người bệnh có điểm sức khỏe tinh thần cao hơn điểm sức khỏe thể chất. Điểm SKTT, SKTC trong nghiên cứu của Lê Thị Huyền lần lượt là 53,2 ± 13,2 và 33,9 ± 13,3 [7]; trong nghiên cứu của Lâm Nguyễn Nhã Trúc là 43,9 và 35,8 [17]; nghiên cứu của Sanjeev Acharya và các cộng sự (2015) là 41,4 ± 8,7 và 35,6 ± 8,4 [20] ; nghiên cứu của Abdul Rehman Arshad và các cộng sự (2019) là 46,10 ± 5,89 và 33,41 ± 6,85 [24]. Điều này có thể lý giải bởi người bệnh mắc bệnh mạn tính lâu ngày, thể chất bị suy giảm không chỉ do bệnh thận mà còn do biến chứng của bệnh thận và biến chứng của quá trình chạy thận nhân tạo mang lại. Tuy nhiên, thời gian mắc bệnh lâu nên người bệnh có xu hướng chấp nhận bệnh vì thế nên sức khỏe tinh thần tốt hơn. Vì vậy, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ cần chú ý đến các biện pháp giúp cải thiện sức khỏe thể chất của người bệnh.

Chất lượng cuộc sống SF-36 của người bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi dù cao hơn hay thấp hơn nghiên cứu của các tác giả trong nước và nước ngoài đều cho thấy việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi là rất khó khăn do người bệnh tuổi cao, có thời gian lọc máu lâu ngày và đặc biệt nghề nghiệp đa số là lao động chân tay nên bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất.

4.2.2. Điểm số các vấn đề bệnh thận

Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong 11 vấn đề bệnh thận điểm số hỗ trợ của nhân viên lọc máu là 94,72 ± 12,45, chức năng tương tác xã hội là 73,70 ± 24,16, sự hài lòng của người bệnh là 70,56 ± 21,64 (bảng 3.7) khá cao. Điểm số về tình trạng công việc là 12,78 ± 26,56 và gánh nặng bệnh thận là 20,83 ± 14,78 rất thấp. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Barbosa, J. B. N. và cộng sự (2017) trong số các vấn đề bệnh thận hỗ trợ của nhân viên lọc máu, chức năng tương tác xã hội, sự hài lòng của người bệnh có điểm số cao hơn, trong khi tình trạng công việc và gánh nặng bệnh thận có điểm số thấp [29].

Điểm số các vấn đề bệnh thận như sự hỗ trợ của nhân viên lọc máu, chức năng tương tác xã hội và đặc biệt là sự hài lòng của người bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn của tác giả Lê Thị Huyền (lần lượt là 68,0 ± 19,2, 67,2 ± 13,5 và 47,5 ± 14,1) [7] cho thấy những nỗ lực của nhân viên y tế khoa Thận nhân tạo nói riêng và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình nói chung trong việc hỗ trợ người bệnh đối phó với bệnh tật đặc biệt là người bệnh mắc bệnh mạn tính như người bệnh chạy thận nhân tạo. Trong nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nâng cao chất lượng điều trị cũng như tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên để tăng sự hài lòng của người bệnh. Mặc dù tỷ lệ hài lòng của người bệnh chạy thận nhân tạo khá cao tuy nhiên thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh tại bệnh viện quý I năm 2020 (92,4%) nguyên

nhân có thể do sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của người bệnh tác động đến sự hài lòng của người bệnh.

Điểm số tình trạng công việc và gánh nặng bệnh thận thấp hơn rất nhiều kết quả nghiên cứu của Lê Thị Huyền, nghiên cứu của Saputri V.W (2018) [7], [80] là do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi có tuổi trung bình cao hơn, thời gian chạy thận nhân tạo dài hơn, hơn nữa đa số là lao động chân tay nên khi bị bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Khi được hỏi nhiều người bệnh cho rằng mình không thể lao động để kiếm tiền do mất nhiều thời gian cho việc chạy thận, không đủ sức khỏe để lao động và thậm chí là không thể tự chăm sóc bản thân, chi phí điều trị cao [10] vì vậy phải sống dựa vào gia đình, người thân nên người bệnh luôn cảm thấy mình là gánh nặng của gia đình.

Những người bệnh chạy thận nhân tạo cần sự hỗ trợ rất lớn từ xã hội, điểm số hỗ trợ xã hội trong nghiên cứu của chúng tôi là 64,44 ± 14,61 cao hơn nghiên cứu của Lê Thị Huyền (54,6 ± 15,5) [7], nhưng thấp hơn nghiên cứu tại Brazil (81,21 ± 28,58) [29] và Indonesia (74,93 ± 21,40) [80]. Ở Việt Nam, người bệnh chạy thận nhân tạo được nhận sự hỗ trợ rất nhiều từ các chính sách của Nhà nước như người bệnh không có thu nhập được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội và thẻ Bảo hiểm y tế 100% để giảm bớt gánh nặng trong việc điều trị. Bên cạnh đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình có nhiều hoạt động hỗ trợ người bệnh chạy thận nhân tạo như gây quỹ hỗ trợ người bệnh chạy thận có hoàn cảnh khó khăn, quỹ hỗ trợ tiêm vaccin phòng Viêm gan B miễn phí cho người bệnh, hỗ trợ bữa ăn miễn phí giữa ca lọc máu cho người bệnh…

Có 21 người bệnh được hỏi có quan hệ tình dục trong 4 tuần qua với số điểm chức năng tình dục là 41,81 ± 36,02, theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hà và cộng sự (2016) có 74,8% người bệnh chạy thận nhân tạo bị rối loạn chức năng tình dục [6], tại Mỹ tỷ lệ này là 85,6% [78]. Điểm số chức năng tình dục cao hơn trong một số nghiên cứu tại Indonesia là 55,53 ± 27,44 [80], tại

Brazil là 85,83 ± 20,52 [29] có lẽ do người nước ngoài có đời sống tình dục cởi mở, thoải mải hơn còn đối với người Việt Nam thì lo sợ quan hệ tình dục ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe. Rối loạn chức năng tình dục ảnh hưởng xấu đến nhận thức về sức khỏe của người bệnh [78], vì vậy cần có biện pháp can thiệp để cải thiện nhận thức về sức khỏe cho người bệnh.

Điểm số chất lượng giấc ngủ trong nghiên cứu của chúng tôi là 37,89 ± 22,1, thấp hơn nghiên cứu của Lê Thị Huyền (49,8 ± 13,4) [7] và nghiên cứu của Barbosa J. B. N (2017) là 68,51 ± 27,13. Điểm số giấc ngủ thấp là do người bệnh chạy thận nhân tạo thường có các triệu chứng như đau, ngứa, da khô,… làm ảnh hưởng đến giấc ngủ [89] do đó muốn cải thiện điểm số giấc ngủ cần có các biện pháp làm giảm triệu chứng gặp phải cho người bệnh.

4.2.3. Điểm CLCS bệnh thận theo KDQOL-SFTM

Đo lường chất lượng cuộc sống bằng cách sử dụng KDQOL-SF36TM cho thấy người bệnh chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình có điểm trung bình chất lượng cuộc sống bệnh thận là 48,55 ± 16,75 (bảng 3.8). Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Thenmozhi P (2018) [85] điểm trung bình của CLCS của người bệnh chạy thận nhân tạo ở Thổ Nhĩ Kỳ là 48,73 ± 22,65 ; nghiên cứu của Barzegar H và cộng sự (2017) [30] điểm trung bình chất lượng cuộc sống của người bệnh chạy thận nhân tạo tại Iran là 48,09 ± 5,00. Sở dĩ điểm chất lượng cuộc sống thấp là do điểm số chức năng hoạt động thể chất thấp (32,13 ± 18,55) khiến cho người bệnh mất dần khả năng hoạt động độc lập và cần sự chăm sóc toàn diện sẽ khiến cho cuộc sống không đáng để sống; người bệnh lo lắng trở thành gánh nặng của gia đình và nhiều triệu chứng của bệnh thận xuất hiện như đau, mệt mỏi,…Điều này cho thấy, chất lượng cuộc sống của người bệnh chạy thận nhân tạo rất thấp, vì vậy trong quá trình chăm sóc người bệnh, người điều dưỡng cần có các giải pháp can thiệp giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn rất nhiều so với một số nghiên cứu của các tác giả : Hemmati M.M và cộng sự chất lượng cuộc sống lần lượt là 56,94 ± 19.88, 55,45 ± 18,73, 51,73 ± 11.30 [56] ; theo Romano-Zelekha O và cộng sự điểm trung bình CLCS bệnh thận của người Do Thái là 58,6 của người Ả rập là 56,2 [77] ; theo Virna Widora Saputri (2018) nghiên cứu CLCS của người bệnh chạy thận nhân tạo tại Indonesia có điểm CLCS chung là 55,70 ± 21,30 [80]. Sở dĩ chất lượng cuộc sống của người bệnh trong các nghiên cứu này cao hơn là do người bệnh có tuổi đời trẻ hơn, thời gian chạy thận nhân tạo ngắn hơn, trình độ học vấn cao hơn, thu nhập tốt hơn,… Người bệnh có tuổi đời trẻ hơn thì điểm thành phần bệnh thận tốt hơn [24] ; người bệnh càng lớn tuổi thì chức năng thể chất sẽ càng yếu và nhiều biến chứng có thể xảy ra trong quá trình chạy thận nhân tạo, người bệnh lớn tuổi khả năng tham gia các hoạt động xã hội sẽ kém hơn dẫn đến chất lượng cuộc sống kém hơn. Trình độ học vấn cao giúp người bệnh có không chỉ đối phó một cách hiệu quả với tình trạng sức khỏe và bệnh tật mà còn giúp người bệnh tiếp cận với các nguồn lực dễ dàng hơn do đó chất lượng cuộc sống cao hơn. Người bệnh có thu nhập cao có có thể giúp cải thiện chế độ ăn uống và tăng chất lượng điều trị, qua đó người bệnh sẽ được hưởng một chất lượng cuộc sống tốt hơn [30].

4.3. Đánh giá sự thay đổi CLCS của người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ sau can thiệp giáo dục sức khỏe.

4.3.1. Thay đổi điểm số chất lượng cuộc sống SF36

Ở lĩnh vực sức khỏe thể chất, 1 tháng sau khi can thiệp điểm số các vấn đề sức khỏe liên quan đến hoạt động thể chất thấp hơn so với trước can thiệp (43,00 ± 18,26 so với 43,44 ± 20,34) không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05; điểm số tự đánh giá sức khỏe tổng quát thấp hơn so với trước can thiệp có ý nghĩa thống kê với p < 0,001; điểm số hạn chế vai trò của thể chất và sức khỏe liên quan đến cảm nhận đau đớn đều tăng so với trước can thiệp có ý nghĩa

thống kê với p < 0,001. Kết quả trên cho thấy, khoảng thời gian 1 tháng sau can thiệp, sức khỏe liên quan đến hoạt động thể chất và tự đánh giá sức khỏe tổng quát chưa có sự thay đổi thậm chí điểm số còn giảm so với trước can thiệp vì đây là lĩnh vực không thể thay đổi ngay sau khi người bệnh được tư vấn, giáo dục sức khỏe mà phải sau khi người bệnh thay đổi hành vi một thời gian mới có thể thấy hiệu quả. Riêng lĩnh vực hạn chế vai trò của thể chất và sức khỏe liên quan đến cảm nhận đau đớn, chỉ cần người bệnh có đủ kiến thức và bắt đầu thay đổi hành vi là có thể cảm nhận được. Sau 3 tháng can thiệp, cả 4 lĩnh vực sức khỏe thể chất đều tăng điểm số so với trước can thiệp một cách có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.

Với lĩnh vực sức khỏe tinh thần, 1 tháng sau can thiệp điểm số sức khỏe liên quan đến các hoạt động xã hội cao hơn trước can thiệp nhưng không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Điểm số các lĩnh vực khác đều được cải thiện đáng kể một cách có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Sau 3 tháng can thiệp, điểm số cả 4 lĩnh vực của sức khỏe tinh thần đều tăng có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Đánh giá sự thay đổi điểm số 8 lĩnh vực của CLCS SF-36 ở thời điểm 1 tháng sau can thiệp giáo dục sức khỏe cho thấy có 5/8 lĩnh vực có sự cải thiện điểm số trong đó lĩnh vực hạn chế vai trò thể chất tăng nhiều nhất (từ 27,78 tăng lên 36,67); có 3/8 lĩnh vực chưa có sự thay đổi điểm số đó là sức khỏe liên quan đến hoạt động thể chất, đánh giá sức khỏe tổng quát và sức khỏe liên quan đến hoạt động xã hội. Điều này có thể do thời gian sau can thiệp quá ngắn chưa đủ để việc thay đổi hành vi có tác động hoặc người bệnh chưa có sự thay đổi hành vi sau khi được giáo dục sức khỏe. Đây là thời điểm tháng Tết Nguyên đán nên việc tuân thủ các chế độ tập luyện, dinh dưỡng bị ảnh hưởng do phong tục, tập quán. Tuy 3 tháng sau can thiệp tất cả các điểm số của 8 lĩnh vực đều được cải thiện (p < 0,001) trong đó lĩnh vực hạn chế vai trò thể chất tăng nhiều nhất (từ 27,78 điểm lên 55,83 điểm) và tăng ít nhất là lĩnh vực đánh giá sức

khỏe tổng quát. Điều này cho thấy, chương trình can thiệp giáo dục sức khỏe trong nghiên cứu của chúng tôi có hiệu quả trong việc nâng cao điểm số tất cả các lĩnh vực của CLCS chung SF-36.

Kết quả trong nghiên cứu của Lazarus E.R. (2019) [64], có nhiều điểm tương đồng với nghiên cứu của chúng tôi sau can thiệp 1 tháng cũng có 5/8 lĩnh vực điểm số được cải thiện, trong đó tăng nhiều nhất là cũng là lĩnh vực hạn chế vai trò thể chất (từ 40 điểm lên 72 điểm) ; có 3/8 lĩnh vực điểm số chưa được cải thiện. Sau 3 tháng can thiệp có 7/8 lĩnh vực được cải thiện còn lĩnh vực sức khỏe liên quan đến cảm nhận cuộc sống chưa được cải thiện. Tuy nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của giáo dục sức khỏe đến chất lượng cuộc sống của người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳtại bệnh viện đa khoa tỉnh thái bình năm 2020 (Trang 65 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)