Thang đo, tiêu chí và tiêu chuẩn đánh giá các biến trong nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng đau của người bệnh sau phẫu thuật kết hợp xương chi dưới tại khoa chấn thương bệnh viện đa khoa tỉnh nam định năm 2019 (Trang 38 - 41)

2.8.1. Nhóm biến số về nhân khẩu học và thông tin lâm sàng của người bệnh.

Để đánh giá được nhóm biến số này nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ công cụ bao bao gồm 2 phần: Dữ liệu về nhân khẩu học và dữ liệu lâm sàng.

- Dữ liệu nhân khẩu học bao gồm: Tuổi, giới, dân tộc, trình độ học vấn, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân (Phụ lục 2).

- Dữ liệu lâm sàng bao gồm: Chẩn đoán, bệnh đi kèm, tiền sử phẫu thuật, thời gian cuộc phẫu thuật, chiều dài vết phẫu thuật, thể trạng, thuốc giảm đau dùng sau phẫu thuật (Phụ lục 3).

Các dữ liệu trên được thu thập từ HSBA, riêng chỉ có tình trạng hôn nhân do người bệnh tự điền vào bộ câu hỏi.

2.8.2. Biến số về mức độ đau.

Trong nghiên cứu này chúng tôi sửa dụng phần một của thang điểm lượng giá bằng số (Numeric Rating Scale - NRS) gồm 4 câu yêu cầu người bệnh tự đánh giá đau của mình tại 4 thời điểm khi người bệnh thấy “đau nhiều nhất”, “đau ít nhất”, “đau trung bình” và “đau hiện tại”. Mỗi câu hỏi sử dụng thang điểm từ 0 đến 10 để đánh giá, 0 là không đau và 10 là đau nhiều.

Ưu điểm của thang đánh giá mức độ đau trong bảng kiểm đau rút gọn (PBI) là: Hỏi người bệnh một lần đánh giá được bốn thời điểm. Không chỉ đánh giá đau hiện tại mà còn đánh giá đau ở những thời điểm khác nhau, điều này sẽ làm giảm đi sai số do dùng thuốc giảm đau. Vì nếu như chỉ đánh giá một thời điểm, thời điểm đánh giá đó đúng vào thời điểm ngay sau khi dùng thuốc giảm đau thì đánh giá mức độ đau ít ý nghĩa.

Nhược điểm của thang đánh giá mức độ đau trong bảng kiểm đau rút gọn (PBI) là: người bệnh cần nhớ lại lúc đau nhất, lúc đau ít nhất và lúc đau trung bình là ở mức điểm bao nhiêu theo tháng điểm từ 0-10.

“Đau nhiều nhất” là người bệnh tự đánh giá về cảm nhận đau của mình tại thời điểm đau nhiều nhất theo thang điểm từ 0 đến 10.

“Đau ít nhất” là người bệnh tự đánh giá về cảm nhận đau của mình tại thời điểm đau ít nhất theo thang điểm từ 0 đến 10.

“Đau trung bình” là người bệnh tự đánh giá về cảm nhận đau của mình tại thời điểm cảm thấy đau trung bình theo thang điểm từ 0 đến 10.

“Đau hiện tại” là người bệnh tự đánh giá về cảm nhận đau của mình tại thời điểm hiện tại theo thang điểm từ 0 đến 10.

Tổng điểm đau trung bình sau phẫu thuật kết hợp xương chi dưới trong 24 giờ, ngày thứ 2 và ngày thứ 3 được tính là trung bình cộng của bốn thời điểm (đau nhiều nhất, đau ít nhất, đau trung bình, đau hiện tại).

Có nhiều tác giả trong và ngoài nước đã sử dụng bộ câu hỏi này để đánh giá về tình trạng đau sau phẫu thuật ngoại khoa trong đó có phẫu thuật kết hợp xương chi dưới như:

Cleeland đã có nhiều nghiên cứu sử dụng thang đánh giá này để đánh giá mức độ đau sau phẫu thuật của người bệnh và có kết quả độ tin cậy ở mức cao với Cronbach alpha từ 0,77 - 0,91 [22].

Ở Việt Nam, Nguyễn Thị Dân và cộng sự (2015) đã sử dụng bộ câu hỏi này nghiên cứu trên người bệnh phẫu thuật cắt túi mật nội soi tại bệnh viện Việt Đức [4]. Đào Tiến Thịnh (2017) cũng đã sử dụng bộ câu hỏi này để nghiên cứu trên người bệnh sau phẫu thuật mổ ổ bụng tại khoa Ngoại tiêu hóa gan - mật bệnh viện Trung ương Thái Nguyên [13]. Bùi Văn Khanh (2017) cũng sử dụng bộ câu hỏi này để đánh giá tình trạng đau sau mở bướu giáp đơn thuần tại khoa Ngoại tổng hợp bệnh viện A Thái Nguyên [7].

2.8.3. Biến số mức độ lo lắng của người bệnh sau phẫu thuật kết hợp xương chi dưới

Để đo biến số này nhóm nghiên cứu sử dụng thang đo mức độ lo âu (HADS- A). Bộ công cụ được phát triển bởi Zigmond và Snaith, để đo lường mức độ lo âu của người bệnh đang nằm tại viện. HADS - A được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt bởi tác giả Nguyễn Hoàng Long (2010), để đo mức độ lo âu trên người bệnh sau phẫu thuật ổ bụng [39]. Ở Việt Nam mộ số tác giả cũng đã sử dụng bộ câu hỏi này để đánh giá mức độ lo âu trên người bệnh như: Phạm Thị Quyên (2018) đã sử dụng bộ câu hỏi đánh giá mức độ lo âu trên người bệnh sau phẫu thuật chỉnh hình xương chi dưới [12], tác giả Bùi Văn Khanh (2017) cũng sử dụng bộ câu hỏi này để đánh giá mức độ lo âu trên người bệnh mở bướu giáp đơn thuần [7].

Bộ công cụ bao gồm 7 câu hỏi, những người tham gia nghiên cứu sẽ trả lời bằng cách đánh dấu vào các mức từ 0-3. Tổng điểm thang đo này là 21 điểm, theo Bambauer và cộng sự (2005) thì lo âu được chia theo 4 mức độ như sau [18]:

0 điểm: Không lo âu. 1 - 7 điểm: Lo âu nhẹ.

8 - 14 điểm: Lo âu trung bình. 15 - 21 điểm: Lo âu nhiều.

Bộ công cụ có giá trị hệ số Cronbach alpha được tìm thấy trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hoàng Long (2010) sau khi nghiên cứu thử trên 30 đối tượng là 0,89 . Ngoài ra, bộ công cụ cũng được áp dụng để đo mức độ lo âu của người bệnh sau phẫu thuật chỉnh hình xương chi dưới và có giá trị Cronbach alpha là 0,83 [39]. Bộ câu hỏi đã được nhóm chúng tôi nghiên cứu thử trên 10 người bệnh để xác định tính hợp lệ và độ tin cậy của bộ câu hỏi trước khi tiến hành nghiên cứu. Kết quả thu được giá trị Cronbach alpha là 0,77. Điều này cho thấy bộ câu hỏi này có độ tin cậy tốt, do đó đã được lựa chọn và áp dụng trong nghiên cứu (Phụ lục 4).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng đau của người bệnh sau phẫu thuật kết hợp xương chi dưới tại khoa chấn thương bệnh viện đa khoa tỉnh nam định năm 2019 (Trang 38 - 41)