Can thiệp thay đổi kiến thức vềbệnh tay chân miệng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thay đổi kiến thức về bệnh tay chân miệng của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi sau giáo dục sức khỏe tại bệnh viện phụ sản nhi đà nẵng, năm 2018 (Trang 26 - 29)

Trẻ em là những mầm non tương lai của đất nước. Các em cần được bảo vệ và sống trong một môi trường khỏe mạnh, trong lành để các em có thể phát triển một cách toàn diện nhất. Muốn trẻ khỏe mạnh, mỗi người mẹ cần phải biết chăm sóc sức khỏe của trẻ, đặc biệt lúc trẻ bị bệnh. Việc xử trí và chăm sóc trẻ bị TCM tại nhà chỉ có thể thực hiện bởi người mẹ (hoặc người chăm sóc trẻ). Nếu không xử trí đúng cách và nhanh chóng cho trẻ sẽ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Do đó, các bà mẹ cần có kiến thức cơ bản xử trí và cách chăm sóc khi trẻ bệnh.

- Khi thấy trẻ sốt và có phỏng nước ở bàn tay, bàn chân hoặc bên trong miệng, cần cho trẻ nghỉ học và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

- Không để trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác. - Hạn chế ôm, hôn trẻ.

- Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh. Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị. Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ.

- Vệ sinh răng miệng: cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm (1/2 muỗng canh muối hòa trong 200 ml nước ấm) nếu trẻ súc được, 2 - 3 lần/ngày.

- Chăm sóc da: tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bọng nước hay trầy xước da, thay quần áo sạch hàng ngày và giữ ấm. Không nên chọc vỡ bọng nước vì sẽ gây nhiễm trùng da và lây lan bệnh.

Lưu ý, trẻ bị bệnh TCM không cần kiêng gió và ánh sáng.

- Khi chăm sóc trẻ bệnh tại nhà, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu sau cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được cứu chữa kịp thời:

+ Sốt cao ≥ 39˚C. + Thở nhanh, khó thở.

+ Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều. + Đi loạng choạng.

+ Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh. + Co giật, hôn mê [4], [21].

1.2.2.Các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Hiện nay bệnh TCM chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu điều trị bệnh TCM nên phòng bệnh có vai trò quyết định đến sự lây lan của bệnh. Nguyên tắc phòng bệnh chủ yếu là làm gián đoạn sự lan truyền của vi rút để ngăn ngừa bệnh nặng và giảm thiểu tử vong thông qua các hoạt động như áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây [4].

Một số can thiệp y tế công cộng hiệu quả đã được áp dụng phòng chống bệnh TCM tại Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông và được WHO khuyến cáo như: thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo dịch sớm, triển khai các chiến dịch truyền thông, triển khai các chiến dịch vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng, chủ động xây dựng kế hoạch, chính sách [38], [47]. WHO khẳng định, việc rửa tay bằng xà phòng và nước sạch không chỉ giúp phòng ngừa 80% bệnh tật nói chung mà còn có hiệu quả rõ rệt trong việc giảm nguy cơ nhiễm vi rút gây bệnh TCM nói riêng.

Tại Việt Nam,để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của trẻ phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

7.Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh.

1.2.3. Vai trò truyền thông giáo dục sức khỏe

Giáo dục sức khỏe (GDSK) cũng giống như giáo dục chung, đó là quá trình tác động nhằm thay đổi kiến thức, thái độ và thực hành của con người. Phát triển những thực hành lành mạnh theo ý muốn, mang lại tình trạng sức khỏe tốt nhất có thể được cho con người. GDSK cung cấp các kiến thức mới làm cho đối tượng được giáo dục hiểu biết rõ hơn các vấn đề sức khỏe bệnh tật, từ đó họ có thể nhận ra các vấn đề sức khỏe bệnh tật liên quan đến bản thân, gia đình, cộng đồng nơi họ đang sinh sống, dẫn đến thay đổi tích cực giải quyết các vấn đề bệnh tật sức khỏe. Giáo dục sức khỏe nói chung tác động đến 3 lĩnh vực:

kiến thức của con người về sức khỏe, thái độ của con người về sức khỏe, thực hành của con người về sức khỏe [9].

GDSK không chỉ là cung cấp các thông tin chính xác, đầy đủ về sức khỏe bệnh tật mà còn nhấn mạnh đến các yếu tố khác ảnh hưởng đến hành vi sức khỏe con người như: nguồn lực hiện có, môi trường sống, ảnh hưởng môi trường lao động việc làm, yếu tố hỗ trợ xã hội, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe...Vì thế GDSK sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để giúp cho mọi người hiểu được hoàn cảnh riêng của họ và chọn các hành động bảo vệ, tăng cường sức khỏe phù hợp [9].

Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe là hoạt động không thể thiếu được trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực tế cho thấy có rất nhiều căn bệnh hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu biết cách phòng ngừa. Một khi người dân đã hiểu sâu về các loại bệnh thì họ sẽ biết cách tự phòng bệnh cho mình, cho gia đình và cho xã hội, hạn chế mắc bệnh, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, giảm quá tải bệnh viện.

Vì vậy, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống nhân dân, cụ thể là:

- Giúp cho mọi người hiểu biết và nhận ra được vấn đề về nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của chính họ.

- Chỉ ra lợi ích của việc thay đổi hành vi.

- Thay đổi nhận thức, niềm tin, thái độ và hành vi của cộng đồng.

- Giúp mọi người nhận rõ trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cá nhân cũng như cộng đồng.

- Giúp mọi người có thể hiểu được những việc có thể làm để giải quyết các vấn đề sức khỏe của cá nhân và cộng đồng bằng chính những nỗ lực của cá nhân, nhóm và cộng đồng, kết hợp với sự hỗ trợ từ bên ngoài.

- Giúp mọi người có thể quyết định thực hiện hành động thích hợp nhất để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng [2].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thay đổi kiến thức về bệnh tay chân miệng của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi sau giáo dục sức khỏe tại bệnh viện phụ sản nhi đà nẵng, năm 2018 (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)