Tình hình nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp và đề xuất hướng sử dụng có hiệu quả cao tại huyện tư nghĩa, tỉnh quảng ngãi (Trang 37 - 40)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

1.3.1. Tình hình nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên thế giới

Dự đoán mức độ tăng dân số hiện nay, thế giới có thể đạt 10 tỉ người vào năm 2050 (FAO, 1993). Do đó, hầu hết các nhà khoa học và các chuyên gia trên thế giới đồng ý với nhau rằng cần thiết phải áp dụng những công nghệ nông nghiệp tiên tiến cho việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai để cung cấp lương thực đầy đủ, chất sợi, thức ăn gia súc, dầu sinh học và gỗ lên gấp đôi. Trong thực tế, có những sự thiếu hụt đất đai trầm trọng trong nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển [45].

Cho tới nay, trên thế giới đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu, đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hoá. Nhưng tuỳ thuộc vào điều kiện, trình độ và phương thức sử dụng đất ở mỗi nước mà có sự đánh giá khác nhau. Họ cho rằng: đối với những vùng nhiệt đới có thể thực hiện các công thức luân canh cây trồng hàng năm, có thể chuyển từ chế độ canh tác cũ sang chế độ canh tác mới tiến bộ hơn, mang lại hiệu quả cao hơn. Nghiên cứu bố trí luân canh cây trồng hợp lý hơn bằng cách đưa các giống cây trồng mới vào hệ thống canh tác nhằm tăng sản lượng lương thực, thực phẩm trên một đơn vị diện tích đất canh tác trong một năm. Ở Châu Á có nhiều nước cũng tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác luân phiên cây lúa với cây trồng cạn đã thu được hiệu quả cao hơn.

Các phương pháp đã được nghiên cứu áp dụng dùng để đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ở các nước Đông Nam Á như: phương pháp chuyên khảo, phương pháp mô phỏng, phương pháp phân tích kinh tế, phương pháp phân tích chuyên gia... Bằng những phương pháp đó các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu vào việc đánh giá hiệu quả đối với từng loại cây trồng, từng giống cây trồng trên mỗi loại đất, để từ đó có thể sắp xếp, bố trí lại cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm khai thác tốt hơn lợi thế so sánh của vùng.

Hàng năm, các Viện nghiên cứu nông nghiệp các nước trên thế giới cũng đã đưa ra nhiều giống cây trồng mới, những kiểu sử dụng đất mới giúp cho việc tạo thành một số hình thức sử dụng đất mới ngày càng có hiệu quả cao hơn trước. Viện Lúa quốc tế (IRRI) đã có nhiều thành tựu về lĩnh vực giống lúa và hệ thống cây trồng trên đất canh tác.

Tạp chí "Farming Japan" của Nhật Bản ra hàng tháng đã giới thiệu nhiều công trình ở các nước trên thế giới về các hình thức sử dụng đất, điển hình là của Nhật. Nhà khoa học Nhật Bản Otak Tanakad đã nêu lên những vấn đề cơ bản về sự hình thành của sinh thái đồng ruộng và từ đó cho rằng yếu tố quyết định của hệ thống nông nghiệp là sự thay đổi về kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Các nhà khoa học Nhật Bản đã hệ thống tiêu chuẩn hiệu quả sử dụng đất đai thông qua hệ thống cây trồng trên đất canh tác: là sự phối hợp giữa các cây trồng và gia súc, các phương pháp trồng trọt và chăn

nuôi, cường độ lao động, vốn đầu tư, tổ chức sản xuất, sản phẩm làm ra, tính chất hàng hóa của sản phẩm [11].

Nhiều chương trình và dự án khai thác sử dụng đất đã được triển khai thực hiện ở nhiều nước trên thế giới như: chương trình khai thác và sử dụng đất, chương trình giải quyết sức kéo nông nghiệp và thức ăn gia súc, chương trình phát triển thuỷ lợi, sản xuất hàng hóa đặc sản xuất khẩu, chương trình bảo vệ đất ở những nơi có hệ sinh thái bị phá vỡ và chương trình việc làm, sử dụng lao động nông thôn. Mỗi chương trình có mục tiêu chủ yếu khác nhau, nhưng tựu chung lại các chương trình đều nhằm mục đích khai thác sử dụng đất đai ngày càng có hiệu quả hơn.

Hiện nay, xu hướng chung các nhà khoa học trên thế giới đang nỗ lực nghiên cứu sử dụng đất có hiệu quả kinh tế kết hợp với hiệu quả xã hội, môi trường ở hiện tại và trong tương lai. Thành tựu trong lĩnh vực này phải kể đến các công trình nghiên cứu sử dụng đất dốc, đất gò đồi để sản xuất lương thực thực phẩm và sản phẩm khác, dựa trên cơ sở xác định hệ thống cây trồng (cây hàng năm - cây lâu năm) với mô hình canh tác phù hợp.

Ở Inđônêxia, Luật Đất đai ghi rõ người dân có quyền sử dụng trong 10 năm, quyền sở hữu không được vĩnh viễn khi Nhà nước có nhu cầu xây dựng công trình công cộng. Các chương trình bảo vệ đất cũng đã được thực hiện nhằm bảo vệ các vùng đất bậc thang và trồng cây theo đường đồng mức. Ngoài ra, Chính phủ ưu tiên hàng đầu cho chương trình phát triển lương thực nhằm tìm ra các giống cây trồng lương thực, cây đậu đỗ, phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng vùng sinh thái. Kết quả là đã tạo được một số giống ngô có năng suất cao chất lượng tốt, ví dụ: giống ngô trắng Bague có thời gian sinh trưởng 90 ngày, năng suất đạt 4 - 5 tấn/ha so với giống ngô cũ chỉ đạt 1 - 2 tấn/ha [36].

Ở Philippin từ năm 1974 - 1975 các nhà khoa học của Trung tâm phát triển đời sống nông thôn (MBRLC) tại Mindanao, đã tiến hành các thí nghiệm về việc sử dụng trồng bằng cây phân xanh làm hàng rào chống xói mòn trên đất dốc, đó là kỹ thuật canh tác trên đất dốc (viết tắt là SALT). Mô hình SALT bao gồm nhiều dạng SALT1, SALT2, SALT3, SALT4. Kỹ thuật này đã tăng độ che phủ, hạn chế xói mòn, làm giàu đất và nâng cao năng suất cây trồng từ 2 - 3 lần so với canh tác truyền thống. Thực hiện phương thức canh tác trên đất dốc theo hướng chuyển đổi hệ thống cây trồng, đa dạng hóa cây trồng, kết hợp trồng cây hàng năm và cây lâu năm, trồng rừng đã góp phần bảo vệ được môi trường sinh thái, chống xói mòn và nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng đất so với các phương thức canh tác trước đây [36].

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất hành tinh, đã đưa ra các chính sách quản lý và sử dụng đất đai ổn định, giao đất cho nông dân sử dụng, thiết lập hệ thống trách nhiệm và tính tự chủ sáng tạo của nông dân trong sản xuất trên phạm vi cả nước. Thực

hiện chủ trương phát triển kinh tế nông thôn “ly nông bất ly hương” đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn Trung Quốc toàn diện và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong nông nghiệp. Theo Triệu Quốc Kỳ, ở Trung Quốc trên đất lúa 2 vụ ở vùng phía Nam thường được canh tác 2 hoặc 3 vụ với hệ thống cây trồng: Lúa + Lúa mì + Khoai tây hoặc Lạc + đậu tương + Lúa mì, đây là các công thức mang lại hiệu quả cao được nhiều nơi áp dụng [36].

Ở Thái Lan, Uỷ ban chính sách Quốc gia đã có nhiều nhiều quy chế mới ngoài hợp đồng cho tư nhân thuê đất dài hạn, cấm trồng những cây không thích hợp với đất nhằm quản lý và bảo vệ đất tốt hơn [9]. Thái Lan luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa. Thái Lan đã chú trọng vào việc tăng giá trị sản phẩm trong nông nghiệp và làm cho nông nghiệp bền vững, hơn là chú trọng tăng năng suất cây trồng, mở rộng diện tích. Theo hướng này, các nhà khoa học trong nông nghiệp của Thái Lan đóng một vai trò hết sức quan trọng. Một trong các vai trò công nghệ mới là cải tiến giống lúa cổ truyền nhờ công nghệ sinh học và kỹ thuật di truyền, các giống cây khác cũng được cải tiến và trở thành những sản phẩm nổi tiếng trên thị trường quốc tế như: phong lan, bông, đay… Thái Lan đã hợp tác với các nước tiên tiến trên thế giới trong việc áp dụng công nghệ sinh học để cải tiến quy trình sản xuất nhiều loại cây trồng, giảm tối thiểu sử dụng hóa chất. Kết quả này đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm sạch với chất lượng cao [36].

Trong một nghiên cứu của FAO (Alexandratos, 1995; trong FAO, 1993) ước lượng khoảng 92% của 1.800 triệu ha đất đai của các quốc gia đang phát triển bao gồm luôn cả Trung Quốc thì có tiềm năng cho cây trồng sử dụng nước trời, nhưng hiện nay vẫn chưa sử dụng hết và đúng mục đích, trong đó vùng bán hoang mạc ở Châu Phi 44%, Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê 48%. Hai phần ba của 1.800 triệu ha này tập trung chủ yếu một số nhỏ quốc gia như: 27% Brasil, 9% ở Zaire, và 30% ở 12 nước khác. Một phần của đất tốt này vẫn còn để dành cho rừng hay vùng bảo vệ khoảng 45% và do đó đất trong các vùng này không thật sự được sử dụng cho nông nghiệp. Một phần khác thì lại gặp khó khăn về mặt đất và dạng bậc thềm như khoảng 72% vùng Châu Phi bán sa mạc và vùng Châu Mỹ Latinh.

Một trong những chính sách tập trung vào hỗ trợ phát triển nông nghiệp quan trọng nhất là chính sách đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, ở Mỹ tổng số tiền trợ cấp là 66,2 tỉ USD (chiếm 28,3% trong tổng thu nhập nông nghiệp), Canada tương ứng là 5,7 tỉ USD (chiếm 39,1%), Otraylia 1,7 tỉ USD (chiếm 14,5%), Nhật Bản là 42,3 tỉ USD (chiếm 68,9%), Cộng đồng Châu Âu 67,2 tỉ USD (chiếm 40,1%), Áo là 1,6 tỉ USD (chiếm 35,3%) [36].

Xuất phát từ những vấn đề trên, nhiều nước trong khu vực đã có sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng kết hợp hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội với việc bảo

vệ môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái bền vững. Vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vấn đề sản xuất nông nghiệp hàng hóa luôn được các quốc gia có nền nông nghiệp mạnh đầu tư phát triển. Chính vì vậy, đã thu hút được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, các nhà khoa học các nước đã chú trọng đến việc nghiên cứu các cây con giống mới, nghiên cứu những công nghệ sản xuất và chế biến, nghiên cứu về chính sách, định hướng nhằm phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao và bền vững [12].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp và đề xuất hướng sử dụng có hiệu quả cao tại huyện tư nghĩa, tỉnh quảng ngãi (Trang 37 - 40)