Nhận thức được vai trò quan trọng của giống trong việc nâng cao năng suất lúa, vì vậy công tác giống được chú trọng từ lâu và cho đến nay thu được những thành quả nhất định. Thực hiện công tác xã hội hóa giống lúa, đến năm 2014 tỷ lệ đạt giống lúa xác nhận toàn tỉnh gần 95%. Đây là kết quả có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất lúa, chất lượng giống tốt đã góp phần nâng cao năng suất và sản lượng lúa trong thời gian qua. Công tác khảo nghiệm các giống lúa mới để thay thế các giống lúa có biểu hiện thoái hóa trong sản xuất cũng được quan tâm, có nhiều giống lúa mới chất lượng có triển vọng đã được khảo nghiệm có kết quả và bổ sung vào cơ cấu giống mới như: XT27; HN6; HT1; BT7; PC6….ngoài ra triển khai thực hiện các mô hình cánh đồng mẫu, khảo nghiệm sản xuất các giống lúa mới chất lượng như: Hương cốm 4; DT39; Ma lâm 214; Ma lâm 48.
- Công tác khảo nghiệm giống mới: Các giống lúa được thu thập từ các viện nghiên cứu trên cả nước đặc biệt là viện lúa Đồng bằng sông Cữu Long, Viện Khoa học và kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, Viện cây Lương thực và Thực phẩm…
Cuộc cách mạng xanh ở Thừa Thiên Huế bắt đầu với các giống lúa IR64, IR42, IR36, nhờ vậy đã đưa năng suất lúa ở Thừa Thiên Huế tăng nhanh. Tuy nhiên sau một thời gian các giống lúa này tỏ ra cho năng suất thấp dần, vì vậy các giống mới được tiếp tục nghiên cứu và chọn ra các giống phù hợp với điều kiện thời tiết ở Thừa Thiên Huế, các giống lúa ưu việt hơn như IR38; C70; CN2; MLT61, thay thế dần các giống lúa cũ đang thoái hóa. Hiện nay các giống mới cho năng suất, chất lượng cao như: XT27; Xi23; Xi21; NN4B; TH4; IRi352; HT1; HC4; PC6 đã thay thế các giống trước đây.
Đặc biệt trong 10 năm qua (từ 2005 - 2014) Công ty cổ phần giống cây trồng và vật nuôi tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa vào khảo nghiệm hàng chục giống lúa mới để thay thế dần các giống lúa cũ đã thoái hóa, năng suất thấp, nhiễm sâu bệnh. Mỗi
đợt công ty đưa vào khảo nghiệm khoảng 60 - 70 giống lúa mới được chọn tạo từ các viện nghiên cứu trong nước, để đánh giá tính ổn định của mỗi giống lúa. Thí nghiệm được bố trí nghiên cứu 2 - 3 vụ để chọn giống tốt, sau đó gieo trồng tiếp ở những vùng đất khác nhau để đánh giá tính thích nghi của chúng trước khi đưa ra sản xuất trên diện rộng.
- Công tác phục tráng giống lúa: Song song với việc khảo nghiệm các giống lúa mới, công tác phục tráng giống rất được chú trọng hiện nay. Đây là việc làm quan trọng trong công tác giống vì vậy nó được xem là nhiệm vụ không thể thiếu của một cơ quan nghiên cứu giống. Hiện nay công ty đang phục tráng các giống lúa chủ lực của tỉnh như Xi 23, Xi21, PC6, bắt đầu từ khâu chọn dòng, đến sản xuất giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng và cuối cùng là giống xác nhận.
Hiện nay giống lúa xác nhận được nông dân Thừa Thiên Huế đưa vào sử dụng đạt khoảng 90 - 95% diện tích, nhu cầu giống hàng năm của cả tỉnh lên đến 5.000 - 5.500 tấn. Vì vậy để đáp ứng một phần nào đó nhu cầu sản xuất, ngoài Công ty cổ phần giống cây trồng và vật nuôi tỉnh còn có một số đơn vị khác tham gia kinh doanh giống và nguồn lấy từ đơn vị sản xuất giống ngoài tỉnh như Trung tâm giống cây trồng Quảng Trị, công ty giống Quảng Bình, Viện cây lương thực và thực phẩm…Nhìn chung do nhiều đơn vị cung cấp giống nên nhiều khi chất lượng giống không đảm bảo. Mặc dù vậy vẫn chưa đáp ứng đầy đủ giống nhu cầu để sản xuất, nên một phần diện tích lúa phải dùng thóc thịt để làm giống và hệ quả tất yếu là năng suất ở các diện tích này vẫn không được cải thiện, bị sâu bệnh tấn công nhiều.
Nhìn chung công tác giống còn nhiều yếu kém như đầu tư vào công tác nghiên cứu, khảo nghiệm giống mới chưa nhiều, giống tốt đảm bảo cho sản xuất còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu. Cơ sở vật chất kỹ thuật cho nghiên cứu và sản xuất giống còn lạc hậu, quản lý nhà nước về giống còn nhiều bất cập, rất nhiều đơn vị không đúng chức năng vẫn kinh doanh, cung cấp giống nên xãy ra tình trạng mạnh ai nấy làm, mỗi địa phương mỗi bộ giống, đã gây khó khăn trong công tác quản lý giống.
Vì vậy công tác khảo nghiệm, đánh giá khả năng thích ứng các giống lúa mới tại các vùng sinh thái khác nhau, sản xuất thử trên diện rộng để đánh giá tính thích nghi của giống, đưa giống mới vào sản xuất nhằm tăng nhanh năng suất, sản lượng lúa, đáp ứng nhu cầu lương thực và tiến tới xuất khẩu là việc làm cần thiết.