3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
3.3.3. Đánh giá những mặt được, những tồn tại và nguyên nhân của tồn tại trong
thực hiện kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu
3.3.3.1. Những kết quả đạt được và tồn tại trong thực hiện kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu a. Những kết quả đạt được
- Trong kế hoạch kỳ đầu, tỷ lệ các công trình, dự án thực hiện được khá cao (chiếm 50%). Điều này cho thấy tính khả thi trong phương án Kế hoạch của huyện là khá tốt, những công trình, dự án được thực hiện đúng tiến độ sẽ tạo thuận lợi trong công tác quản lý và sử dụng đất tại địa phương. Người dân cũng được hưởng lợi từ việc các công trình, dự án được thực hiện: khi hạ tầng phát triển sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển theo.
- Việc thực hiện kế hoạch kỳ đầu tốt đã đảm bảo được các chỉ tiêu quan trọng được phân bổ từ quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Khánh Hòa: diện tích đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được bảo vệ nghiệm ngặt, tỷ lệ thực hiện quy hoạch đạt từ 95% trở lên. Đây là những chỉ tiêu rất quan trọng, đảm bảo an ninh lương thực và rừng đầu nguồn, từ đó ổn định cuộc sống người dân và nguồn nước trên thượng nguồn.
- Đất chưa sử dụng đã được khai thác đưa vào sử dụng cho các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp là rất cao; vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo vệ môi trường sinh thái trên quan điểm khai thác triệt để quỹ đất, không để đất trống đồi núi trọc. Diện tích rừng và cây lâu năm tăng giúp độ che phủ được nâng cao, có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực hạ lưu sông Cái tại thành phố Nha Trang.
- Diện tích đất phi nông nghiệp năm 2015 tăng so với năm 2010 là 539,4 ha trong đó đất hạ tầng tăng trên 300 ha cho thấy tốc độ phát triển của hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong các năm qua. Các công trình, dự án phi nông nghiệp được thực hiện nhiều và nhanh đã thúc đẩy phát triển sản xuất đối với huyện nông nghiệp như Khánh Vĩnh.
- Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch được thực hiện tốt, không xảy ra tình trạng vỡ quy hoạch, đầu tư xây dựng không đúng quy hoạch, kế hoạch. Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thông qua công tác kiểm tra, phát hiện những dự án, quy hoạch chưa phù hợp để điều chỉnh và đề xuất điều chỉnh kịp thời. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, giấy chứng nhận đầu tư ...với thủ tục nhanh gọn, đúng quy định tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân và tổ chức. Bên cạnh đó việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đất đai; thu hồi đất đối với chủ đầu tư chậm đầu tư, sử dụng sai mục đích hoặc để đất hoang hóa, sử dụng kém hiệu quả cũng tăng niềm tin cho người dân địa phương. Vì vậy, công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch trên địa bàn huyện đã từng bước được đi vào cuộc sống, được người dân quan tâm và thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
b. Những tồn tại trong kế hoạch kỳ đầu
- Việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015), nhưng đến đầu năm 2014 (tháng 02/2014) quy hoạch của huyện Khánh Vĩnh mới được phê duyệt, do vậy thực tế kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu chỉ thực hiện được 2 năm (năm 2014 và 2015). Do đó nhiều công trình dự án không thực hiện được hoặc thực hiện không kịp so với tiến độ đề ra trong kế hoạch kỳ đầu.
- Sự không thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng và quy hoạch các ngành khác dẫn đến quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Tại thị trấn Khánh Vĩnh: nhiều khu vực trong quy hoạch chi tiết xây dựng quy hoạch đất công viên cây xanh, công trình công cộng nhưng khi thực hiện quy hoạch sử dụng đất người dân và lãnh đạo địa phương đều đề nghị quy hoạch đất ở. Đối với xã Khánh Hiệp, theo quy hoạch Nông thôn mới vùng đất dọc theo đường liên xã Khánh Bình-Khánh Hiệp quy hoạch là đất nông nghiệp khác (trang trại chăn nuôi) nhưng theo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thì quy hoạch đó là vùng mở rộng đất chuyên trồng lúa nước hưởng lợi từ kênh hồ sông Chò...
- Nhiều chỉ tiêu sử dụng đất đưa vào kế hoạch kỳ đầu quá lớn: đất quốc phòng, đất cho hoạt động khoáng sản, đất khai thác vật liệu xây dựng; nhiều công trình dự án không có kế hoạch vốn trong giai đoạn 2011 – 2015 (thao trường tổng hợp cấp tỉnh; thao trường trường bắn cấp huyện, đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông Quốc lộ 1...) hoặc công trình chưa có nhà đầu tư thăm dò xin khai thác như các mỏ nước khoáng tại xã Khánh Phú, Khánh Hiệp... cũng đưa vào thực hiện hết trong kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu. Trong khi đó có nhiều công trình đưa vào kế hoạch sử dụng đất kỳ sau nhưng trong thực tế lại được đầu tư xây dựng vào kỳ đầu (thủy điện Sông Giang 2), gây nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện và khó khăn trong công tác quản lý và sử dụng đất của địa phương.
- Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chịu sự phân bố chỉ tiêu của quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (đối với các chỉ tiêu chính) nhưng một số chỉ tiêu phân bổ của cấp tỉnh cho huyện không sát với nhu cầu thực tế của địa phương dẫn đến quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn (như chỉ tiêu đất quốc phòng, đất sản xuất kinh doanh, đất khoáng sản...). Việc đưa ra nhiều công trình lớn nhưng không thực hiện gây khó khăn cho người dân trong quá trình sử dụng đất. Đối với các công trình phi nông nghiệp (đất ở) người dân sẽ không được xây dựng, sửa chữa hoặc trao đổi buôn bán, thế chấp. Trong khi đất đai là tài sản lớn của người dân, nhiều hộ khi có nhu cầu vốn để phát triển sản xuất đã không thể thế chấp để vay ngân hàng...
- Một số chỉ tiêu đất phi nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 thực hiện đạt thấp so với kế hoạch sử dụng đất được duyệt. Lý do là khi xây dựng KHSD giai đoạn 2011-2015 tính nhu cầu sử dụng đất cho các ngành để đáp ứng tiêu chuẩn định mức quốc gia về tiêu chí xây dựng nông thôn mới (văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục-thể thao,...) và đáp ứng nhu cầu sử dụng đất các ngành dự kiến thực hiện. Tuy nhiên do nguồn vốn đầu tư hạn chế (gồm vốn ngân sách, vốn doanh nghiệp, vốn tự có của nhân dân) nên số công trình, dự án thực tế triển khai thực hiện được không nhiều.
3.3.3.2. Đánh giá nguyên nhân tồn tại trong việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu
Nguyên nhân chính của những tồn tại nêu trên là:
a. Nguyên nhân khách quan
- Do tình hình phát triển kinh tế-xã hội từ năm 2010 đến nay của cả nước và của khu vực có nhiều chuyển biến, tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và huyện, nhất là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008-2009, tình hình phục hồi phát triển kinh tế của thế giới và khu vực cũng như của nước ta còn chậm nên một số dự án đầu tư lớn trên địa bàn huyện chưa triển khai thực hiện được do thiếu vốn đầu tư. Nợ công ở nước ta đang ở mức độ nghiêm trọng do công tác quản lý chưa tốt, đầu tư tràn lan nên trong các năm 2014-2015, Trung Ương đã siết chặt quản lý nguồn vốn đầu tư công, từ đó việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án cũng bị ảnh hưởng theo.
- Một số chỉ tiêu KHSD đất đạt thấp còn do xuất phát từ yêu cầu thực tế của địa phương muốn nhanh chóng nắm bắt thời cơ và vận hội mới, nên trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội đã có những bước đi mang tính đột phá, một số chỉ tiêu dự báo trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đưa ra khá cao nên một số chỉ tiêu thực hiện đạt còn thấp (đất sản xuất kinh doanh, đất phát triển hạ tầng, đất sản xuất vật liệu xây dựng, …).
- Về vốn đầu tư: Có thể nói vốn đầu tư là nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện các chỉ tiêu KHSD đất đạt kết quả cao hay thấp. Do nguồn thu ngân sách của huyện
còn thấp, chưa đủ chi hàng năm nên so với nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội hàng năm thì nguồn vốn còn thiếu rất nhiều và phải xin cấp bổ sung từ tỉnh và trung ương. Do đó khả năng cân đối, bố trí vốn để thực hiện hiện các công trình, dự án liên quan đến QH, KHSD đất còn hạn chế làm cho một số công trình, dự án chưa được triển khai kịp thời theo QH, KHSD đất đã được phê duyệt. Bên cạnh đó việc thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn huyện còn có những hạn chế, hoặc nhà đầu tư đã vào nhưng không có tiềm lực tài chính dẫn đến các dự án triển khai chậm tiến độ; chậm đưa đất vào sử dụng theo kế hoạch và như vậy không nâng cao được hiệu quả sử dụng đất.
+ Việc giải ngân vốn chậm cũng là một nguyên nhân gây ra việc không thực hiện được công trình dự án theo kế hoạch đề ra. Theo nguồn vốn Nông thôn mới hàng năm đăng ký, thông thường đến tháng 6 hoặc tháng 7 sang năm mới giải ngân, như thế chỉ còn thời gian từ 4-5 tháng để thực hiện nên gặp nhiều khó khăn.
+ Luật Đấu thầu 2014 mới ban hành cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng chậm triển khai. Do yêu cầu những dự án có vốn trên 1 tỷ đồng phải thực hiện đấu thầu, trong khi thủ tục rất phức tạp, để hoàn thành việc đấu thầu thời gian từ 2-3 tháng. Vì vậy công trình dự án không thể thực hiện được đúng như tiến độ đề ra.
b. Nguyên nhân chủ quan
- Công tác tổ chức thực hiện: do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập QHSD đất đến năm 2020 và KHSD đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) cả nước kéo dài
(đến tháng 11/2011 Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 2 mới thông qua quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) cấp quốc gia) và thực hiện theo phương pháp mới là cấp dưới phải chờ chỉ tiêu QH, KHSD đất
của cấp trên phân bổ (tháng 02/2012 Chính phủ mới phân bổ chỉ tiêu QH, KHSD đất
cho cấp tỉnh tại Công văn số 23/CP-KTN ngày 23/02/2012 của Chính phủ “V/v phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp Quốc gia” cho tỉnh) mới được lập
QH, KHSD đất nên thời gian lập, thẩm định và phê duyệt QH, KHSD đất của các cấp tỉnh, huyện, xã phải chậm theo. Vì vậy đến tháng 6/2014 UBND tỉnh, huyện mới phê duyệt QH, KHSD đất cấp xã đến năm 2020. Do việc thực hiện lập QH, KHSD đất 3 cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện kéo dài nhiều năm (mất 3,5 năm/5 năm kỳ đầu) đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu KHSD đất trong 5 năm kỳ đầu (2011- 2015). Phần lớn các công trình, dự án tập trung vào 2 năm 2014 và 2015 nên các chỉ tiêu sử dụng đất được duyệt khá cao trong khi thời gian thực hiện ít (chỉ còn 1,5 năm) đã ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện các công trình, dự án. Vì vậy việc thực hiện các chỉ tiêu KHSD đất phi nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt chưa cao.
- Công tác dự báo: do công tác dự báo khi lập QH, KHSD đất còn hạn chế (phụ thuộc vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch xây dựng đô thị) nên nhiều chỉ tiêu sử dụng đất, nhiều dự án đưa ra quy mô khá lớn nhằm thu hút đầu
tư, dành sẵn quỹ đất để đón các nhà đầu tư nhưng không thực hiện được do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới phục hồi chậm, tình hình kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn đầu tư, lãi suất vay ngân hàng cao, sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp. Ngoài ra các địa phương cấp xã, thị trấn, các ngành thường đề xuất nhu cầu sử dụng đất cao hơn so với khả năng đầu tư đưa vào sử dụng. Để phù hợp với quy hoạch cấp tỉnh thì QH, KHSD đất của huyện phải tổng hợp đưa vào phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên tính khả thi chưa cao.