3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
3.1.2. Điều kiện kinh tế xã hội
3.1.2.1. Về kinh tế
Nền kinh tế tỉnh tiếp tục ổn định và duy trì mức tăng trưởng 7,8%. Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 28,51%; nông - lâm - thủy sản chiếm 24,84% và dịch vụ chiếm 42,99% trong cơ cấu GRDP. Thu nhập bình quân đầu người là 35,9 triệu đồng, tăng 9,43% so năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng đầu năm 2017 tăng 5,21% so với cùng kỳ.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng giá trị sản xuất đạt 100,9% so với kế hoạch, tăng 3,7% so cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 400,7 ngàn tấn, vượt 1,5% so với kế hoạch. Bước đầu đã mời gọi được Tập đoàn TH và Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại tiếp tục phát triển, góp phần hạn chế dịch bệnh, nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tập trung chỉ đạo, số vụ phá rừng và diện tích rừng thiệt hại giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Sản lượng khai thác thủy sản tăng 4,3%; trong đó khai thác cá ngừ đại dương tăng 6,6% so cùng kỳ. Nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Đã xảy ra tình trạng tôm hùm nuôi chết hàng loạt ở thị xã Sông Cầu, làm thiệt hại lớn cho người nuôi, nguyên nhân chủ yếu là do người dân nuôi tự phát không theo quy hoạch với mật độ dày, gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh. Tỉnh đã có chủ trương tạm ứng 05 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại và đề nghị các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn tỉnh xem xét hỗ trợ 50% lãi suất, đồng thời tiếp tục cho vay vốn để tái đầu tư, ổn định đời sống.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo. Đến nay, toàn tỉnh đạt bình quân 14,4 tiêu chí/xã (tăng 0,64 tiêu chí/xã so cuối năm 2016); ước đến cuối năm 2017 có 45% số xã đạt chuẩn, đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trong số 31 xã đã được công nhận đạt chuẩn đến cuối năm 2016, có 10 xãkhông giữ vững các tiêu chí theo quy định, nguyên nhân là do một số tiêu chí được điều chỉnh theo quy định mới như: tiêu chí về hộ nghèo, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, an ninh trật tự... Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn các xã thuộc khu vực miền núi và Chương trình bê tông hẻm phố triển khai chậm, do thủ tục đầu tư phức tạp và ảnh hưởng mưa lũ.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,2% so cùng kỳ, đạt 96,7% kế hoạch năm. Đã hoàn thành đưa vào sử dụng một số nhà máy tạo ra sản phẩm mới như: phân bón NPK tháp cao, điện sinh khối, dầu vỏ hạt điều…
Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ. Đã tổ chức thành công một số hội chợ thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm. Đã đưa vào hoạt động sàn thương mại điện tử. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, đạt 101,6% kế hoạch, tăng 10,9% so cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu bước đầu có chuyển biến đáng kể; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 100,4% kế hoạch, tăng 22% so với cùng kỳ. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tiếp tục được đẩy mạnh. Lần đầu tiên tổ chức thành công Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên 2017; phối hợp đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu hữu nghị Asean năm 2017, tại Phú Yên. Lượng khách du lịch đến tỉnh vượt 17% kế hoạch, tăng 19,5% so với cùng kỳ (trong đó khách quốc tế giảm 12,4% so với cùng kỳ); tổng doanh thu hoạt động du lịch 1.245 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Dịch vụ vận tải có nhiều điểm khởi sắc. Tổng doanh thu vận tải thực hiện tăng 17,4% so cùng kỳ. Cùng với các hãng hàng không VietJet, Jetstar, hãng hàng không Việt Nam Airline đã khai thác trở lại tuyến bay Tuy Hòa - Hà Nội với tần suất 04 chuyến/tuần từ ngày 01/10/2017. Hiện nay, tần suất bay tuyến Tuy Hòa – thành phố Hồ Chí Minh là 14 chuyến/tuần; tuyến bay Tuy Hòa - Hà Nội là 08 chuyến/tuần; ước trong năm 2017 sân bay Tuy Hòa đón trên 320.000 lượt khách, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ viễn thông tăng trưởng khá nhanh, đặc biệt là dịch vụ điện thoại di động và internet băng rộng. Tổng nguồn vốn huy động và cho vay của các ngân hàng đạt kế hoạch và tăng trên 18% so với đầu năm; tổng số nợ xấu của các Ngân hàng giảm, chỉ chiếm 0,76%/tổng dư nợ.
Tổng thu ngân sách ước thực hiện 3.790 tỷ đồng, đạt 124,4% dự toán Trung ương, đạt 100% dự toán tỉnh, tăng 18% so cùng kỳ; trong đó: thu trong cân đối là 3.604 tỷ đồng, đạt 124,7% dự toán Trung ương, đạt 100% dự toán tỉnh giao, tăng 27,4% so với cùng kỳ. Tổng nợ thuế toàn tỉnh là 342,7 tỷ đồng (giảm 5,5% so với cùng kỳ), trong đó nợ khó thu là 123,6 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm 2017. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 7.460 tỷ đồng, đạt 117,3% dự toán Trung ương, đạt 81% nhiệm vụ điều hành chi ngân sách địa phương. Các khoản chi cơ bản đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch được chú trọng. Tập trung kiểm tra, rà soát lại các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực… trên địa bàn tỉnh, để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với xu hướng phát triển và tình hình thực tế của địa phương. Công tác quản lý xây dựng được tăng cường.
Thường xuyên kiểm tra điều kiện, năng lực hoạt động của các đơn vị tư vấn, nhà thầu; thanh tra xử lý các vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng. Đã ban hành kết luận về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong triển khai xây dựng Dự án Nhà ở xã hội Nam Hùng Vương, thành phố Tuy Hòa và tổ chức họp báo công bố thông tin về tình hình thực hiện dự án.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện năm 2017 là 13.132 tỷ đồng, chỉ đạt 64,1% kế hoạch, tăng 22% so cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do tiến độ thi công các dự án còn chậm, số dự án đăng ký triển khai ít, vướng công tác giải phóng mặt bằng, một số dự án lớn tạm dừng thi công để hoàn tất các thủ tục đầu tư, nhất là các dự án FDI. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư hạn chế, nhưng tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn như: Tuyến đi bộ dọc đường Độc Lập (giai đoạn 1); Tuyến giao thông liên huyện Xuân Phước-Phú Hải và một số dự án kè chống xói lở trên địa bàn. Cơ sở hạ tầng đô thị được đầu tư khá khang trang, nhất là thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và huyện Đông Hòa. Tích cực phối hợp, tạo điều kiện các dự án lớn của Trung ương đầu tư trên địa bàn; đã hoàn thành đưa vào sử dụng Dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Ước tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 91% kế hoạch.
3.1.2.2. Về đảm bảo an sinh xã hội và các lĩnh vực về xã hội
Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ. Giải quyết việc làm mới vượt 1,4% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45% trên tổng số lao động đang hoạt động kinh tế, đạt kế hoạch đề ra. Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ cho các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là trong dịp lễ, tết. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2017 còn 8%, giảm 2,23% so với năm 2016. Đã hỗ trợ xây dựng 537 nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách với tổng số tiền trên 21 tỷ đồng. Công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em được tăng cường, tuy nhiên số trẻ em chết do đuối nước còn cao. Triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội miền núi và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể.
Chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng lên.Tỷ lệ học sinh giỏi, khá và đạt giải cao trong các cuộc thi cấp quốc gia, cấp tỉnh tăng so với năm học trước. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 97,1%, tăng 12,21% so với năm trước. Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được đầu tư, nâng cấp. Đến nay toàn tỉnh có 159/446 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 13 trường so với năm học trước. Số học sinh bỏ học giữa chừng giảm.
3.1.2.3. Cơ sở hạ tầng
Phú Yên có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam chạy qua, quốc lộ 25 nối Gia Lai, ĐT 645 nối Đắk Lắk, phía Nam Tỉnh có cảng biển Vũng Rô, sân bay Tuy hoà. Các tuyến giao thông Bắc Nam, Đông Tây, cảng biển sân bay có tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện cho hợp tác, trao đổi kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật giữa Phú Yên với các tỉnh thành trong vùng, cả nước và quốc tế. Mặc khác Phú Yên nằm trong vùng ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền trung, trong các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên là nơi có điều kiện thuận lợi nhất trong việc xây dựng tuyến đường sắt lên Tây Nguyên. Yếu tố này là một trong những điều kiện thuận lợi đưa Phú Yên trở thành đầu mối giao lưu kinh tế Bắc Nam và Đông Tây; cụ thể như sau:
Giao thông đường bộ: có mạng lưới giao thông rộng khắp, gồm Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1D, Quốc lộ 25, Quốc lộ 29 và các tuyển tỉnh lộ nối vùng đồng bằng với vùng miền núi. Có trục giao thông phía Tây nối 03 huyện miền núi Phú Yên với huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) và huyện Ma D'rak (tỉnh Đắk Lắk); có trục giao thông ven biển nằm trong tuyến đường bộ ven biển Việt Nam nối các huyện vùng biển và ven biển.
Giao thông đường sắt: có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua với chiều dài đoạn tuyến là 117 km. Có 2 ga chính là Tuy Hoà và Đông Tác. Tương lai khi tuyến đường sắt lên Tây nguyên được hình thành mở ra triển vọng hợp tác, giao thương hàng hóa giữa Phú Yên và các tỉnh Tây nguyên.
Giao thông đường không: Sân bay Tuy Hòa cách thành phố Tuy Hòa 5 km về phía Đông Nam. Diện tích sân bay: 700 ha.
Cảng Vũng Rô: Vũng Rô là vịnh kín có điều kiện thiết lập một cảng địa phương đủ tiếp nhận loại tàu 10.000 tấn trong mối quan hệ hợp lí với hệ thống cảng miền Trung.
Phú Yên có 3 sông chính chảy qua tỉnh: sông Ba (Đà Rằng), sông Kỳ Lô và sông Bàn Thạch với tổng diện tích lưu vực là 16.400km2, tổng lượng dòng chảy 11.8 tỷ m3, phục vụ nước tưới cho nông nghiệp, thủy điện và sinh hoạt của người dân Phú Yên.