3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ Ý NGHĨA THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
1.2.3. Các quyền của người sử dụng đất
1.2.3.1. Cải cách ruộng đất giai đoạn 1981 - 1988
Cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp bắt đầu bằng chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng hay còn gọi là khoán 100. Dưới chính sách khoán 100, các hợp tác xã giao đất nông nghiệp đến nhóm và người lao động. Những người này có trách nhiệm trong ba khâu của quá trình sản xuất. Sản xuất vẫn dưới hình thức quản lý của hợp tác xã, cuối vụ hộ nông dân được trả bằng thu nhập bằng thóc dựa trên sản lượng sản xuất ra và ngày công đóng góp trong 3 khâu của quá trình sản xuất. Đất đai vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước và dưới sự quản lý của hợp tác xã. Mặc dù còn đơn giản nhưng sự ra đời của khoán 100 đã tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, trong giai đoạn 1981 - 1985 sản lượng lương thực đã tăng 6,3%/năm. Tuy nhiên, sau năm 1985, tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp bắt đầu giảm, tốc độ tăng trưởng của tổng sản lượng nông nghiệp trong giai đoạn 1986 - 1988 chỉ là 2,2%/năm và đến đầu năm 1988, sản lượng lương thực không đáp ứng được nhu cầu đã dẫn đến thiếu ăn ở 21 tỉnh, thành phía Bắc. Ở miền Nam một loạt các mâu thuẫn cũng gia tăng trong khu vực nông thôn, đặc biệt là mối quan hệ đất đai bởi sự “cào bằng” về phân chia và điều chỉnh đất đai [14].
Để giải quyết vấn đề trên, chính sách mới trong nông nghiệp đã được thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị vào tháng 4 năm 1988. Với sự ra đời của nghị quyết 10 được biết đến với tên là Khoán 10, người nông dân được giao đất nông nghiệp sử dụng từ 10 - 15 năm và lần đầu tiên hộ nông dân được thừa nhận như một đơn vị kinh tế chủ trong nông nghiệp. Tuy nhiên, cùng với Khoán 10 chưa có một luật tương ứng dẫn đến một số quyền sử dụng đất như cho hoặc thừa kế chưa được luật pháp hóa và thừa nhận. Để giải quyết vấn đề này Luật Đất đai đã ra đời năm 1993 [14].
Luật Đất Đai 1993 được quốc hội thông qua ngày 14/07/1993 và có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Theo Luật Đất đai năm 1993, hộ nông dân được giao quyền sử dụng đất lâu dài với 5 quyền: Quyền chuyển nhượng, quyền chuyển đổi, quyền cho thuê, quyền thừa kế và quyền thế chấp. Thời hạn giao đất đối với cây hàng năm và ngư nghiệp là 20 năm, 50 năm đối với cây lâu năm. Luật cũng quy định mức hạn điền đối với hộ nông dân, cụ thể đối với cây hàng năm là 2 hecta ở miền Bắc và các tỉnh miền Trung, 3 hecta đối với các tỉnh phía nam; đối với cây lâu năm quy định tối đa là 10 hecta đối với các xã đồng bằng và 30 hecta đối với các xã vùng trung du và miền núi.
Cùng với việc giao đất cho các hộ nông dân thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được các cơ quan chức năng xem xét và cấp cho các hộ nông dân. Đến năm 1998, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho 71% hộ nông dân, đến cuối năm 2000, con số này là trên 90%.
Năm 1998, người nông dân được có thêm 2 quyền nữa đó là quyền cho thuê lại và quyền góp vốn đầu tư kinh doanh bằng đất đai. Năm 2001, những sửa đổi bổ sung Luật đất đai năm 1993 cho phép người sử dụng đất được tặng đất đai họ hàng, bạn bè của họ và được đền bù khi bị thu hồi đất.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tình hình quản lý và sử dụng đất sau khi thực hiện Luật Đất Đai sửa đổi năm 2001 đã cho thấy còn nhiều thiếu sót chưa phù hợp với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, việc sửa đổi Luật đất đai năm 1993 là cần thiết và kịp thời để khắc phục những vướng mắc và phù hợp với những đường lối chính sách của Đảng và nhà nước về đất đai trong thời kỳ mới. Ngày 26/11/2003 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật Đất Đai năm 2003 và có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2004.
Luật Đất đai năm 2003 quy định, ngoài các quyền cũ thì quyền của người sử dụng đất đã được quy định từ Luật đất đai 1993 thì bổ sung thêm, theo điều 106 Luật đất đai năm 2003, người sử dụng đất có các quyền: Quyền chuyển đổi , chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Ngoài ra người sử dụng đất còn có các quyền chung được quy định cụ thể tại điều 105 Luật Đất đai năm 2003. Đối với đất nông nghiệp không có sự thay đổi về thời hạn sử dụng và hạn mức so với Luật Đất đai năm 1993. Tuy nhiên, lần đầu tiên đất đai được chính thức xem là “hàng hóa đặc biệt” có giá trị và chính vì thế có quyền chuyển nhượng [11].
Theo Luật đất đai mới phù hợp với cuộc sống tại thời điểm ban hành và thực tế đòi hòi cũng như mở rộng hơn các quyền của người sử dụng đất dựa trên nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu của toàn dân.
Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 vừa chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/7/2014, nhằm góp phần đảm bảo sự minh bạch, công khai và quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực liên quan đến hầu hết người dân trên cả nước.
Từ khi Luật đất đai 2013 ra đời thì quyền của người sử dụng đất chia làm 2 quyền là quyền chung và quyền giao dịch, trong đó quyền chung được quy định tại điều 166, như sau:
Một là, Người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Hai là, hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
Ba là, hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
Bốn là, được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
Năm là, được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
Sáu là, được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này. Bảy là, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.
Bên cạnh đó người sử dụng đất còn có các quyền giao dịch như: là quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất được quy định theo điều 167 Luật đất đai năm 2013 [12].
Ngoài ra, nghĩa vụ chung của người sử dụng đất cũng được quy định rõ trong điều 170 của Luật đất đai gồm: Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan. Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất. Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan. Tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất. Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng [12].
Từ đó Luật đất đai ngày càng đề cao lợi ích của sử dụng đất, nhưng bên cạnh đó người sử dụng đất cũng cần phải tuân thủ các nghĩa vụ chung của mình để việc quản lý và sử dụng đất hiệu quả, dễ dàng.