3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ Ý NGHĨA THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
3.1.2. Các nguồn tài nguyên
3.1.2.1. Tài nguyên đất
Diện tích tự nhiên thị trấn là 325,74 ha, trên địa bàn thị trấn có các loại đất chính sau:
Đất xám Feralit nằm ở các vùng đất cao trong các khu dân cư, các triền đồi thấp phía Bắc, diện tích loại đất này khoảng 80,0 ha.
Đất mặn trung bình và ít glây sâu, nằm ở các vùng đất lúa phía Tây Nam, được bồi đắp hằng năm từ các trận lũ lụt, có ảnh hưởng từ thủy triều do gần sông, diện tích loại đất này khoảng 140,0 ha.
Đất phù sa chua glây nông, nằm dọc bờ sông Nhật Lệ, vùng phía Đông Nam, có các khu dân cư và đất nuôi trồng thủy sản, diện tích loại đất này khoảng 100,0 ha.
3.1.2.2. Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt: thị trấn Quán Hàu có nguồn nước mặt khá phong phú nhờ vị trí sát sông Nhật Lệ, tuy nhiên việc sử dụng phục vụ cho nông nghiệp và sinh hoạt còn hạn chế do nguồn nước sông là nước mặn.
Nguồn nước ngầm: Người dân sử dụng nguồn nước này từ giếng đào và giếng khoan, chất lượng nước tương đối tốt.
Hiện tại trên địa bàn đã có nguồn nước máy để sử dụng.
3.1.2.3. Tài nguyên rừng
Thị trấn nằm ở vùng đồng bằng nên tiềm năng về đất rừng không có, diện tích đất rừng sản xuất có 11,62 ha chiếm 3,57% diện tích tự nhiên của thị trấn, chủ yếu trồng cây phân tán nằm rải rác ở một số vùng.
Nguồn tài nguyên khoáng sản của thị trấn không có nhiều. Theo điều tra khảo sát trên địa bàn chỉ có khoán sản phi kim loại (mang tính chất đặc trưng của vùng Bắc Trung Bộ) như cát trắng, thạch anh, đất sét… Tạo điều kiện khai thác chế biến công nghiệp đưa kinh tế vùng tăng lên.
3.1.2.5. Tài nguyên nhân văn
Thị trấn Quán Hàu là trung tâm của huyện Quảng Ninh, người dân thị trấn có truyền thống cách mạng và tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn. Đảng bộ và nhân dân thị trấn Quán Hàu đang từng bước xây dựng quê hương và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần cùng với nhân dân trong huyện, trong tỉnh và cả nước phấn đấu xây dựng thành công sự công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Người dân Quán Hàu cũng như người dân trong tỉnh có truyền thống hiếu học, nhiều con em của địa phương có trình độ học vấn cao, có địa vị trong xã hội. Nhiều người đang giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước, đưa kiến thức của mình góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh [1].
3.1.3. Điều kiện kinh tế - xã hội
3.1.3.1. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Về tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất các ngành tăng 11%. Tỷ trọng các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại là 78%. Cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 30%; dịch vụ, thương mại 48%; Nông nghiệp, ngư nghiệp 22%. Thu ngân sách đạt 2.377 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người 11 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch 100%. Năm 2009 có 6/7 tiểu khu đạt chuẩn “Tiểu khu văn hóa”.
Như vậy trong năm qua các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế đã vượt kế hoạch, tạo được thế và lực mới cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Nhìn chung, cơ cấu các ngành kinh tế của thị trấn phát triển theo hướng giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp, tăng đần tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong tương lai thị trấn cần đầu tư phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, khai thác tốt tiềm năng của địa phương đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ, và phải tăng nhanh tỷ trọng các ngành này trong cơ cấu kinh tế của thị trấn.
3.1.3.2. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế
Diện tích trồng lúa, trồng màu vẫn được coi là cây trồng chính, việc đầu tư thâm canh được chú trọng, cơ cấu giống lúa được biến đổi tích cực, giống ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng gạo tốt được đưa vào sản xuất. Có bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quan tâm cải tạo vườn tạp và phát triển nghề mới như trồng hoa, sinh vật cảnh được cán bộ nhân dân tích cực hưởng ứng. Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp đa dạng toàn diện, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân nâng cao hiệu quả, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, chú trọng mở mang ngành nghề trong nông nghiệp, vận động nhân dân sử dụng giống mới chất lượng cao cùng với áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh nên năng suất lúa ngày càng tăng, từ 48 tạ/ha năm 2010 lên 56,28 tạ/ha năm 2014, sản lượng đạt 662,1 tấn. Đến nay, bình quân thu nhập đầu người của thị trấn đạt khoảng 25 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4%, đời sống nhân dân ngày một nâng lên rõ nét.
*Chăn nuôi
Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm của thị trấn phát triển tương đối ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng, đóng góp không nhỏ trong việc tạo ra sức kéo cho sản xuất và thực phẩm cho đời sống sinh hoạt của nhân dân. Với tổng đàn trâu bò là 285 con, tổng đàn gia cầm 14.000 con, tổng đàn lợn 2.000 con
*Nuôi trồng thủy sản
Được xác định là thế mạnh của địa phương, sản lượng đánh bắt hằng năm tăng 25%, năm 2009 đạt gần 60 tấn, hiểu quả từ khai thác hàu ngày càng cao.
Diện tích nuôi trồng thủy sản là 7,23 ha, sản lượng tăng từ 2,4 tấn năm 2005 lên 8,7 tấn năm 2009, khuyến khích sử dụng hết diện tích ao hồ, đầu tư cải tạo để nuôi trồng có hiệu quả hơn [6].
b. Khu vực kinh tế công nghiệp
Tiểu thủ công nghiệp, khu làng nghề và khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu, trong tương lai sẽ phát triển mạnh, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương và thu hút nhiều việc làm cho lao động trong vùng. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng hàng năm tăng 12,5%; tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp - thương mại, dịch vụ chiếm 86%. Trong năm 2014, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng đạt 25 tỷ đồng. Kinh doanh dịch vụ thương mại phát triển khá, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Doanh thu hàng năm tăng cao, từ 23,7 tỷ đồng năm 2010 tăng lên 47 tỷ đồng năm 2014 (tăng 98,3%), bình quân tăng 24,5%/năm.
c. Khu vực kinh tế dịch vụ
Hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại phát triển khá, đáp ứng nhu cầu cơ bản nhu cầu sản xuất và đời sống. Doanh thu năm 2010 đạt trên 20 tỷ đồng, nghĩa vụ
nộp thuế, phí và lệ phí do Nhà nước quy định được các hộ kinh doanh chấp hành tương đối tốt.
3.1.3.3. Dân số, lao động việc làm và thu nhập
a. Dân số
Năm 2014, thị trấn Quán Hàu có 4.515 người, mật độ 1.386 người/km2, trong đó nam 2.310 người và nữ 2.205 người. Tỷ lệ sinh 17,94‰, tỷ lệ chết là 6,64‰ , tỷ lệ tăng tự nhiên là 11,30‰. Nhìn chung dân cư phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở gần đường quốc lộ 1A nơi có lợi thế phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng và thưa dần về phía tây nam [6].
b. Lao động việc làm
Tổng số người trong độ tuổi lao động của thị trấn Quán Hàu qua các năm được thể hiện ở bảng 3.1 dưới:
Bảng 3.1. Dân số thị trấn Quán Hàu qua các năm
Đơn vị: người
Năm 2010 2011 2013 2014
Tổng số 54.396 55.030 55.833 56.100
Qua bảng ta thấy tổng số người trong độ tuổi lao động ngày càng có xu hướng tăng lên qua các năm. Từ năm 2010 lao động thị trấn đạt 54.396 người đến năm 2014 đạt 56.100 người tăng 1.704 người, điều này chứng tỏ thị trấn đã thu hút được một lượng lớn lao động về đây và trình độ lao động ngày càng nâng cao [4].
3.1.3.4. Thực trạng cơ sở hạ tầng
a. Giao thông
Trên địa bàn thị trấn có đường Quốc lộ 1A cũ, đường Quốc lộ 1A mới, đường tránh thành phố Đồng Hới, đường 569B nối đường Hồ Chí Minh nhánh đông, và các đường liên thông tạo nên mạng lưới giao thông dày đặc, ngoài ra còn có tuyến giao thông đường sông lưu thông hàng hóa và vật liệu xây dựng đến nơi khác và từ nơi khác về thị trấn. Hệ thống giao thông trong khu dân cư đã và đang được đổ bê tông, nhìn chung hệ thống giao thông trên địa bàn tương đối hoàn chỉnh.
b. Thủy lợi
Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp được lấy từ hồ thủy điện Điều Gà xã Vĩnh Ninh nên khá chủ động trong việc tưới tiêu. Diện tích đất lúa, đất trồng cây hằng năm khác của thị trấn hằng năm đều giảm do chuyển sang các mục đích phi nông
nghiệp. Dọc các trục đường chính hệ thống thoát nước hầu hết mới được xây dựng nên thoát nước khá tốt và không gây ngập úng, đảm bảo giao thông nhất là về mùa mưa.
Trong tương lai để đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, cần đầu tư bê tông hóa kênh mương nội đồng, xây dựng thêm các trạm bơm phục vụ tưới tiêu.
c. Năng lượng
Trong những năm qua, công tác điện khí hóa nông thôn rất được thị trấn chú trọng, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Các đường dây được kéo đến những vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất nông nghiệp phục vụ bơm tưới, tiêu. Toàn bộ các hộ dân đều có điện sinh hoạt, các trục đường chính đã được lắp đặt đèn đường tạo mỹ quan đô thị và chiếu sáng phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.
d. Bưu chính viễn thông
Thông tin liên lạc ngày càng phát triển mạnh và hiện đại, chất lượng thông tin ngày càng tốt, các điểm tiếp sóng của các mạng di động được xây dựng nhiều. Thị trấn có bưu điện trung tâm huyện phục vụ thông tin liên lạc và cung cấp sách báo, văn hóa phẩm cho người dân, thông tin di động được người dân sử dụng ngày càng nhiều, mỗi người đều có máy di động.
e. Văn hóa
Các tiểu khu đã tích cực đăng ký và đã có 6/7 tiểu khu đạt tiêu chuẩn “Tiểu khu văn hóa”, trong đó có 4 tiểu khu được huyện công nhận tiểu khu văn hóa 3 năm liền, hằng năm có trên 80% gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”. Tổ chức tốt các lễ hội và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, đạt thành tích cao trong các hội thi. Công tác tuyên truyền thông tin có nhiều tiến bộ, hệ thống truyền thanh thị trấn và các tiểu khu đã được sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới với chất lượng phục vụ tốt hơn.
f. Y tế
Công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và quản lý hành nghề y dược trên địa bàn ngày càng được chú trọng. Tích cực khám chữa bệnh cho đối tượng bảo hiểm y tế theo phân cấp, trạm y tế luôn giữ vững tiêu chuẩn quốc gia.
Cơ bản thị trấn đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu về dân số hoạt động tích cực, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách về dân số và đạt được những kết quả khả quan, tỷ lệ sinh con thứ 3 là 8%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ em từ 23,5% năm 2005 xuống còn 18,3% năm 2009
Giáo dục và đào tạo trong những năm qua có nhiều tiến bộ, nâng cao chất lượng dạy và học. Nhiều học sinh tham gia thi học sinh giỏi các cấp, thi hội khỏe phù đổng, thi các môn điền kinh, cờ vua đạt nhiều giải cao. Số học sinh đỗ tốt nghiệp các cấp đạt cao, học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng bình quân mỗi năm 40 em, tăng cường xây dựng củng cố cơ sở vật chất, phấn đấu xây dựng trường quốc gia, đến nay đã có 1 trường đạt chuẩn mức I, 1 trường đạt chuẩn mức II. Công tác xã hội hóa giáo dục và phong trào khuyến học được quan tâm, hàng năm hầu hết các trường đạt danh hiệu tiên tiến cấp huyện, cấp tỉnh năm 2009 trường mầm non Hoa Sen được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
h. Thể dục - thể thao
Phong trào thể dục - thể thao khá toàn diện với nhiều nội dung: Bóng đá, bóng chuyền, khí công dưỡng sinh, cờ tướng, cầu lông… để rèn luyện sức khỏe và giao lưu lẫn nhau giữa các tiểu khu, các xã khác tạo tinh thần vui khỏe để lao động sản xuất, thu hút nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi tham gia tập luyện. Luôn tham gia đầy đủ các phong trào và góp phần tích cực cho đội tuyển của huyện, tỷ lệ hộ gia đình thể thao trên 35%.
i. Chợ, thương mại - dịch vụ
Chợ Quán Hàu đã được xây dựng khang trang nằm ngay sát sông Nhật Lệ, đây là trung tâm buôn bán của thị trấn nói riêng và của vùng bắc huyện Quảng Ninh nói chung. Với nhiều mặt hàng từ khắp nơi được kinh doanh tại đây, thu hút khá đông lượng người tham gia đến trao đổi buôn bán, trao đổi hàng hóa [1].
3.1.4. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Thị trấn Quán Hàu
3.1.4.1. Về thuận lợi
Thị trấn Quán Hàu có các tuyến giao thông đường bộ rất thuận tiện để đi vào Nam ra Bắc, về thành phố Đồng Hới và các nơi khác, sông Nhật Lệ là tuyến giao thông đường thủy quan trọng và là nơi khai thác nguồn lợi thủy sản cung cấp cho thị trường.
Khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu đang được xây dựng sẽ thu hút nhiều lao động, cồn nổi giữa sông sẽ là nơi nghỉ ngơi lý tưởng nếu được đầu tư xây dựng, những nơi này hứa hẹn mở ra nhiều dịch vụ khác cho địa phương.
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu và quy hoạch sử dụng đất theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Các công trình kiến trúc đô thị ngày càng được chú ý đầu tư hơn, phần lớn là xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các công trình kinh doanh. Làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc hơn.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khá ổn định, số tiểu khu văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng nhiều, người dân có nhiều điều kiện làm ăn kinh tế, buôn bán hàng hóa, vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
3.1.4.2. Về khó khăn
Điều kiện khí hậu nắng nóng mưa nhiều ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đời sống của nhân dân.
Cơ sở hạ tầng trong khu dân cư như đường giao thông, thoát nước, điện sinh hoạt… còn thiếu và chưa đồng bộ.
Số người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm tuy có ít hơn các địa phương khác nhưng vẫn còn nhiều, đời sống nhân dân nhìn chung còn khó khăn.
Nền kinh tế phát triển nhưng vẫn còn thấp. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản vẫn giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế.