6. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Sự suy thoái và biến đổi tư tưởng Nho giáo nửa cuối thế kỉ
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi và thành lập nên nhà Nguyễn. Triều Nguyễn đã có những bước phục hưng Nho giáo và lấy học thuyết Khổng Mạnh làm hệ tư tưởng chính thống. Có thể nói rằng, dưới triều Nguyễn, Nho giáo giữ vị trí độc tôn trong xã hội, từ giáo dục đến chính trị. Nhưng cũng chính dưới thời Nguyễn, Nho giáo đã bị sụp đổ và dần rơi vào quên lãng. Kể từ triều đại Hậu Lê ở thế kỉ thứ XV, tư tưởng Nho giáo bắt đầu chiếm lĩnh vai trò chủ đạo trong nhà nước Việt Nam. Sau 20 năm (1407 – 1427), tầng lớp Nho sĩ dân tộc đã thực sự lập công lớn trong cuộc kháng Minh xâm lược. Bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu lão thành Trần Văn Giàu cho rằng:
Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, về mặt văn hoá chính trị, có thể được xem là cái vương miện để trao cho Nho Giáo Việt Nam. Thế nhưng, đến thế kỷ XVI thì Nho Giáo bắt đầu lâm khủng hoảng. Trong giai đoạn này, tình hình chính trị trong nước hết sức rối ren, các giềng mối đạo đức xã hội bị đảo lộn. Xung đột liên tiếp xảy ra, hết Lê Mạc phân tranh đến Trịnh Nguyễn phân tranh, nhiều bề tôi đã giết vua, cảnh huynh đệ tương tàn trên thượng tầng xã hội cũng không phải hiếm ...[16, tr.673]
Đến năm 1802, Gia Long giành thắng lợi cuối cùng và lập nên Triều Nguyễn. Đây là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử của Việt Nam tính đến hiện tại. Nhà Nguyễn ra sức chấn hưng Nho phong. Trong các đời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, Nho giáo Việt Nam giữ vai trò độc tôn trong xã hội, từ chính trị đến giáo dục. Năm 1858, thực dân Pháp đã nổ súng vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược chính thức nước ta. Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, dân tộc ta đã tiến hành cuộc chiến đấu
chống bọn thực dân. Trong đó phải kể đến cuộc kháng chiến chống Pháp trong phong trào Cần Vương do các văn thân và sĩ phu yêu nước lãnh đạo. Phong trào ấy rầm rộ từ Bình Định, Quảng Bình ra đến Hưng Yên, Thái Bình, Tây Bắc và kéo dài gần hết thế kỷ XIX. Năm 1896, với cái chết của Phan Đình Phùng cuộc khởi nghĩa Cần Vương cơ bản bị dập tắt nhưng sự ảnh hưởng của nó tới đời sống chính trị và nhất là đời sống văn học vô cùng lớn và sâu sắc trên nhiều phương diện khác nhau.
Trong hệ tư tưởng đạo đức Nho giáo thời kỳ này đã có một số thay đổi, chuyển biến trong quan niệm về đạo trung - hiếu - nghĩa của các sỹ phu tâm huyết với đất nước có ý nghĩa báo hiệu, chuẩn bị cho sự thay đổi rộng lớn hơn vào đầu thế kỷ sau. Cuối thế kỷ XIX, sự tác động qua lại giữa tồn tại xã hội ở Việt Nam đối với ý thức xã hội mà nền tảng kiến trúc thượng tầng là hệ tư tưởng Nho giáo cũng có sự ảnh hưởng nhất định, nhưng không đủ mạnh để làm thay đổi được thực trạng xã hội lúc đó, nên theo chúng tôi những thay đổi trong tư tưởng đạo đức Nho giáo cuối thế kỷ XIX có tính chất cải lương.