Những thay đổi về quan niệm sáng tác và ý thức thẩm mỹ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học trào phúng việt nam nửa cuối thế kỷ XIX (Trang 35 - 84)

6. Cấu trúc của luận văn

1.2.3. Những thay đổi về quan niệm sáng tác và ý thức thẩm mỹ

văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX

Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi tư tưởng xã hội của Nho giáo thời Nguyễn cuối thế kỉ XIX có khá nhiều. Điều này đã tác động đến quan niệm sáng tác và ý thức thẩm mỹ của các nhà thơ giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX.

Trước hết là về kiểu tư duy và phương thức sáng tác, những biểu hiện cụ thể của quan niệm sáng tác. Văn học Việt Nam trung đại nửa cuối thế kỉ

XIX đã vận động trong mối quan hệ chặt chẽ với các diễn biến của lịch sử dân tộc. Từ những biến cố của dân tộc, các tác gia thời kì này đã có một sự chuyển biến khá lớn về mặt quan điểm sáng tác. Họ không chỉ tập trung vào những câu chuyện minh đạo, ngôn chí như các giai đoạn trước đó mà bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến hiện thực lịch sử nước nhà. Nguyễn Phong Nam

trong giáo trình Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX đã nhấn mạnh:

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, vấn đề được quan tâm nhiều nhất, có ý nghĩa thúc bách nhất là trả lời câu hỏi: chiến hay hoà? Xung quanh điều này, triều đình đã mất nhiều thời gian, trí lực nhưng rốt cục không sao tìm được một quyết sách khả dĩ thoát khỏi bế tắc. Các phe phái hình thành và ra mặt chống đối nhau. Trên diễn đàn văn học cũng vậy, sự va chạm quyết liệt giữa những người cầm bút đối lập nhau về chính kiến đã tạo ra những cuộc bút chiến sôi động… Cần phải lưu ý điều này: các cuộc bút chiến bao giờ cũng qui tụ thành những nhóm, những phe, những phong trào, được truyền tụng rộng rãi và thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng cũng như sĩ phu. Bởi vì vấn đề được đưa ra trong những áng thơ kia đều mang trong nó tính thời sự sâu sắc. Nó không còn là chuyện riêng tư của ai, của nhà nào, mà là của cả dân tộc, liên quan đến toàn thể cộng đồng [33, tr. 9 – 10].

Do sự ra đời và phát triển trong điều kiện xã hội có những biến cố trọng đại và sau lưng nó có một truyền thống lâu đời về văn học và văn hoá dân tộc, văn học giai đoạn cuối thế kỷ XIX có những nét đặc thù riêng và có những đóng góp nhất định cho lịch sử dân tộc. Trên quan điểm vận động của lịch sử, có thể nói giai đoạn văn học nửa cuối thế kỷ XIX đã có những thành tựu đáng kể cho nền văn học nước nhà. Văn học giai đoạn này bắt đầu bằng thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu và kết thúc bằng thơ văn tố cáo hiện thực xã hội của Tú Xương và Nguyễn Khuyến. Đây chính là giai đoạn cuối cùng của thời kỳ thứ nhất trong lịch sử văn học dân tộc. Cũng là giai đoạn mà ở đó nổi bật lên tên tuổi của những nhà văn nhà thơ với những tác phẩm thể hiện rõ nét tinh thần yêu nước của mình. Một ai đó đã nói rằng: văn học là tấm gương phản ánh hiện thực. Quả đúng như vậy, tấm gương hiện thực này được chiếu lên bởi sự đóng góp của mỗi nhà văn, nhà thơ chân chính. Ở giai đoạn văn

học này nổi lên rất nhiều tên tuổi của những nhà văn, nhà thơ có tinh thần yêu nước. Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phan Văn Trị… là những nhà thơ tiêu biểu đó, thông qua những tác phẩm của họ chúng ta có thể hiểu được phần nào đặc điểm văn học giai đoạn này.

Từ thực tế sáng tác, chúng ta có thể nhận thấy, trong tâm hồn của tầng lớp Nho sĩ tiến bộ diễn ra những tình cảm vô cùng phức tạp. Nhưng hiện thực cuộc sống và chiến đấu của dân tộc, đất nước đã cung cấp đầy đủ chất liệu, nguồn cảm hứng…để nghệ sĩ có thể khái quát nên những hình tượng đặc biệt góp phần thể hiện quan niệm sáng tác của cá nhân. Phải chăng đó là sự ly tâm dần đối với những hình mẫu lý tưởng theo quan niệm Nho gia truyền thống. Mặt khác, xã hội Việt Nam tiếp xúc với chủ nghĩa tư bản thuộc địa dần dần trải qua một cuộc đổi thay lớn và không thuận chiều bởi một quan hệ mới: chế độ thực dân. Hình thái nhà nước phong kiến sớm bộc lộ nhiều yếu tố bảo thủ, phi lý “đẻ” ra những hiện tượng lố lăng, kỳ quặc, thối nát.

Trong bài viết “Kiểu tư duy và những biến đổi trong phương thức thể hiện của văn học trào phúng nửa cuối thế kỉ XIX” đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4 năm 2018, nhà nghiên cứu Vũ Thanh đã cho rằng:

Nếu coi các nhà thơ trào phúng giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX như một loại hình tác giả có sự khác biệt nhất định với các loại hình tác giả nhà Nho khác trong văn học trung đại thì kiểu tư duy và phương thức sáng tác là những yếu tố cơ bản làm nên sự khác biệt này. Kiểu tư duy được tạo nên từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó những tác động của đời sống xã hội, hoàn cảnh sống và đặc biệt là thói quen tư duy, thế giới quan nhân sinh quan, môi trường giáo dục, sức ép của hệ tư tưởng chính thống… sẽ đưa nhà văn đến những lựa chọn phương thức sáng tác khác nhau, hay ít nhất là dẫn đến những biến đổi nhất định trong phương thức sáng tác đã được định hình. [43, tr.23].

Đối với các tác gia thời kì này, cái day dứt lớn nhất là triết ký sống trong một tình huống vô cùng khắt nghiệt. Đối với họ, sự bảo toàn danh tiết là yêu cầu số một. Nguyễn Duy Cung trong Hịch kêu gọi chống Pháp đã nói rõ:

“Thà làm ma có hồn trung vía nghĩa Hơn làm người đeo mặt ngựa đầu trâu.”

Cả hai lớp người bao gồm những nhà khoa bảng, trí thức tiếng tăm, mưu trí, dũng cảm có uy tín và lớp người nghĩa dân chống pháp đều có những thay đổi thật sự trước những vấn đề của đất nước. Những áng văn thơ của họ cần phải thể hiện rõ được hiện thực lúc bấy giờ, không còn là lối nói chung chung mà phải nêu rõ đường đi và câu chuyện hiện thời của dân tộc.

Thứ hai là vì sao sự thay đổi trong quan niệm sáng tác ở thời kì này lại là cơ sở cho sự ra đời dòng văn học trào phúng. Câu chuyện lịch sử diễn ra

vào chặng sau của thế kỉ XIX đã làm cho quan niệm sáng tác thay đổi và những hệ quả của nó cũng được thể hiện rõ ràng. Lực lượng sáng tác theo khuynh hướng trào phúng cũng dần trở nên đông đúc và đa dạng, phân bố ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam với những tác giả chủ yếu như Nguyễn Khuyến, Tú Quỳ, Kép Trà, Tú Xương... tác phẩm chủ yếu của họ đều được sáng tác bằng chữ Nôm, một số ít là viết bằng chữ Hán (Nguyễn Khuyến, Nguyễn Xuân Ôn). Chúng ta có thể lý giải hiện tượng văn học trào phúng ở giai đoạn nửa sau thế kỉ XIX bắt đầu từ những lý do thời đại và đặc trưng văn học. Sự thay đổi trong quan niệm sáng tác và hoàn cảnh đất nước đã không tạo những điều kiện thuận lợi cho kiểu sáng tác truyền thống chú trọng chất lượng thẩm mĩ và nội dung thẩm mĩ đặc sắc theo kiểu minh đạo, trung nghĩa của Tống Nho mà yêu cầu về sự nhanh chóng, kịp thời có tính kí sự lại được đặt ra, dễ lưu truyền, dễ tuyên truyền. Do đó thơ chữ Nôm dễ sáng tác hơn thơ chữ Hán, thơ trào phúng sáng tác nhanh hơn thơ chính thống. Mãi cho đến đầu thế kỉ XX, một số sáng tác trào phúng của Nguyễn Khuyến, Tú Xương đã

đến được với đông đảo quần chúng qua kênh thông tin báo chí quốc ngữ. Tác giả Trần Thị Hoa Lê trong chuyên luận Văn học trào phúng thời trung đại đã cho rằng:

So với các đối tượng thường thấy trong ca dao trào phúng, truyện cười, văn học trào phúng nửa cuối thế kỉ XIX đã hướng tiếng cười đến hai nhóm chính: các tầng lớp xã hội/ giới tính và các vấn đề/ hiện tượng thời đại. [27, tr.183]

Nếu giai đoạn trước hướng tiếng cười đến nhân vật ông quan thì giai đoạn này hướng đến mọi tầng lớp xã hội, các bậc thang địa vị, tôn giáo hoặc giới tính từ giai cấp thống trị đến tầng lớp bình dân, nhà sư, phụ nữ, nhà Nho…Điều này cho thấy, văn học trào phúng thật sự đã có sức lan toả và trở thành một dòng chủ lưu quan trọng của văn học trung đại Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX.

Thứ ba là những thay đổi về ý thức thẩm mỹ. Điều này được thể hiện

rõ nhất qua hai vấn đề có liên quan đến văn học trào phúng: Một là sự thay đổi hệ thống đề tài. Hai là sự quan tâm đến một hệ thống nhân vật mới có những điểm khác với văn học truyền thống trước thế kỷ XIX.

Như đã nói, sự biến động xã hội Việt Nam giai đoạn nửa cuối của thế kỉ XIX đã dẫn tới sự thay đổi lớn về diện mạo của văn học. Trước hết, dòng thơ ca trào phúng trong giai đoạn này thực sự phát triển bởi xã hội thay cũ,

đổi mới. Kéo theo đó là sự thay đổi cũng như sự xuất hiện hàng loạt những loại nhân vật mới, khác trước. Chế độ thực dân phong kiến với chính sách cai trị đã tạo nên sự phi lý ngang tai, trái mắt. Mọi chuẩn mực xã hội truyền thống bị vi phạm, mọi lối sống bị thay đổi đảo điên. Nền văn học Hán truyền thống nghìn năm bị lung lay, nền văn học phương Tây tràn vào đem theo nhiều điều mới lạ, hấp dẫn. Cái cũ và cái mới chen lẫn nhau tạo ra những sản phẩm nửa mới, nửa cũ kì quái. Khi cái mới ra đời, cái cũ chưa quen với sự

xuất hiện của cái mới nên cười cợt, chế giễu. Ngược lại, trong con mắt của cái mới thì cái cũ lại trở thành lố bịch nên giễu cái cũ. Cả người cũ, người mới đều cất tiếng cười - cười cả cái cũ lẫn cái mới. Đề tài khôi hài, châm biếm, đả kích xuất hiện khắp nơi. Một hệ thống nhân vật văn học “mới - cũ” ra đời và khác trước. Vì vậy, người sáng tác đã chú ý tới đối tượng nhân vật, thay đổi tư tưởng thẩm mỹ để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của văn học. Hơn nữa, trong truyền thống của văn học Việt Nam tiếng cười cũng đã được khẳng định. Nền văn học trào phúng dân gian phát triển sớm với đủ mọi thể loại từ ca dao, tục ngữ tới hề chèo, truyện cười, tiếu lâm….Tất cả đã tạo đà cho tiếng cười nảy sinh với các cung bậc từ hài hước tới mỉa mai châm biếm và đả kích với hệ thống nhân vật vừa có sự tiếp nối truyền thống, vừa khác trước trong dòng văn học trào phúng đương thời. Đó là loại hình nhân vật nho gia (người hành đạo, người ẩn sĩ và người tài tử); loại nhân vật trong xã hội cũ: vua, quan

thầy đồ, ông lý, người nông dân; loại nhân vật mới thành thị: thầy thông, thầy ký, cậu bồi - những người đậu đạt ăn lương Tây, những cô gái mới: me Tây bà đầm…đúng như nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã từng nhận định:

Tầng lớp thượng lưu - những nhân vật trong xã hội từ những cụ Thượng, quan Bố, ông nghè, ông tham “hèo hoa gươm bạc, tán tía lọng xanh” đầy thế lực chuyển sang là những quan Thông, những cô Tư Hồng, những ông ký Bưởi…[20, tr.15].

Với sự đa dạng, đủ mọi loại lớp người, dòng văn học trào phúng trong giai đoạn nửa cuối của thế kỉ XIX đã thực sự có bước chuyển mình, trở thành một dòng riêng có tính độc lập với những thành tựu phong phú. Bên cạnh đó, bộ phận văn thơ yêu nước trong giai đoạn này cũng có những diện mạo mới, khác trước đặc biệt là về hệ thống nhân vật. Những nhà nho trung nghĩa vẫn dùng thơ văn để nói lên cái tôi với tư tưởng hành đạo và trung nghĩa của mình để tố cáo tội ác của bọn cướp nước, vạch mặt bọn phản bội, ca tụng những

người anh hùng đã hi sinh vì nước, vì dân. Đặc biệt văn thơ yêu nước giai đoạn này đã xuất hiện loại hình tượng nhân vật mới - nhân vật người nông dân nghĩa sĩ. Nếu đặt trên cùng hệ thống văn học yêu nước, hệ thống nhân vật

giai đoạn nửa cuối của thế kỉ XIX vừa có những đặc trưng riêng biệt vừa có sự tiếp nối. Nếu so với hệ thống nhân vật trong dòng văn học trào phúng, thì có loại nhân vật được xuất hiện trong dòng văn học này nhưng lại không có trong dòng văn học kia và ngược lại. Như vậy, những đặc điểm riêng mang tính khu biệt về nhân vật trong văn học trào phúng và yêu nước được dựa trên tiền đề xã hội – lịch sử, tiền đề văn học. Đó là tiền đề, cơ sở trực tiếp tạo ra “cú hích văn hoá” có ý nghĩa quyết định cho sự “bùng nổ” của hệ thống nhân vật trong văn học trào phúng và yêu nước giai đoạn nửa cuối của thế kỉ XIX.

Tiểu kết chương 1

Văn học trào phúng là một khái niệm động, có nội hàm khá phong phú và có thể tiếp cận được từ nhiều góc độ khác nhau. Với đặc tính hài hước, châm biếm và đả kích, văn chương trào phúng đã mang đến cho độc giả mọi thời đại những cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống.

Trong văn học Việt Nam, văn học trào phúng là một hiện tượng độc đáo của văn chương cổ điển. Trong tiến trình lịch sử phát triển văn học cổ điển, dòng văn học trào phúng Việt Nam đã có những đóng góp làm rõ những biến chuyển về ý thức văn học, tư duy nghệ thuật và nhất là kịp thời phản ánh những thay đổi về cơ sở xã hội, cơ sở văn hoá, sự suy thoái về tư tưởng chính thống của Nho gia. Từ những cơ sở cụ thể, văn học trào phúng thực sự đảm trách được vai trò lịch sử độc đáo, nó đã tạo nên bức tranh phong phú đa dạng của văn học cổ điển Việt Nam. Không chỉ thế, văn học trào phúng đã tạo nên một dòng phái chảy dài trong văn chương cổ điển Việt Nam.

Chương 2. TÁC GIẢ, KHUYNH HƯỚNG SÁNG TÁC

VÀ NHÂN VẬT TRONG VĂN HỌC TRÀO PHÚNG VIỆT NAM NỬA CUỐI THẾ KỈ XIX TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA

2.1. Tác giả văn học trào phúng Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX

2.1.1. Sự chuyển biến trong ý thức sáng tác của tác giả trào phúng Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX

Trong diễn trình phát triển của lịch sử văn học trung đại Việt Nam, giai đoạn văn học nửa cuối thế kỉ XIX là thời kì văn học đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt về quan niệm, ý thức sáng tác của các tác giả, nhất là các tác giả văn học trào phúng. Bối cảnh xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp cho các tác giả văn học trào phúng thời kì này có ý tưởng, căn cứ kiến tạo nên tác phẩm. Tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp đã đẩy xã hội cổ truyền Việt Nam đi vào một thời kì văn minh giao thời hết sức nhố nhăng mà biểu hiện của nó là sự pha trộn giữa Tây học và Hán học. Hệ quả của quá trình giao thoa Tây học và Hán học chính là sự khủng hoảng về ý thức xã hội khi Nho học đang trong tình trạng thoái trào không cưỡng lại được. Nhà nghiên cứu Vũ Thanh trong bài viết “Kiểu tư duy

và những biến đổi trong phương thức thể hiện của văn học trào phúng giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX” đã cho rằng:

Nếu coi các nhà thơ trào phúng giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX như một loại hình tác giả có sự khác biệt nhất định với các loại hình tác giả nhà Nho khác trong văn học trung đại Việt Nam thì kiểu tư duy và phương thức sáng tác là những yếu tố cơ bản làm nên sự khác

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học trào phúng việt nam nửa cuối thế kỷ XIX (Trang 35 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)