Sự lựa chọn và cách tân thơ Nôm Đường luật trong văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học trào phúng việt nam nửa cuối thế kỷ XIX (Trang 84 - 89)

6. Cấu trúc của luận văn

3.1.3. Sự lựa chọn và cách tân thơ Nôm Đường luật trong văn

trào phúng Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX

Những thay đổi căn bản về nhiệm vụ và vai trò của thơ Nôm Đường luật đến giai đoạn này tiếp tục tạo đà cho những bước tiến quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo thể loại. Khảo sát hai tác gia tiêu biểu là Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương, chúng ta có thể nhận thấy ở hai phong cách thơ này đã tập hợp xung quanh mình những nhà thơ khác cùng loại, dường như có sự khác biệt nhau về nhiều phương diện nhưng lại thống nhất ở xu hướng khai thác triệt để các kiểu cấu trúc đối, phép đối trong thơ Nôm Đường luật, đưa thể thơ này ly tâm dần với những quan niệm trong văn hoá Trung Hoa (ngôn chí, tải đạo) và ngày càng dân tộc hóa cao độ về mặt đề tài và câu chữ. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà thể loại thơ Nôm Đường luật được các tác giả trào phúng Hán Nôm quan tâm, đặc biệt là đối với những nhà thơ luôn phá cách,

gai góc, cá tính như Hồ Xuân Hương (thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX) và Trần Tế Xương (nửa cuối thế kỷ XIX).

Sự lựa chọn hình thức thơ Nôm Đường luật để thể hiện tư tưởng trào phúng của họ là một sự lựa chọn có tính văn hoá dân tộc. Một hình thức cổ kính, ngôn ngữ đậm tính dân tộc và thể hiện những vấn đề có tính hài hước đã tạo nên ý niệm về sự tương phản và trào phúng. Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu coi đó là sự quay trở lại trạng thái cổ điển của thể thơ. Nhà nghiên cứu Vũ Thanh đã phủ nhận điều đó, ông cho rằng:

Đó không phải là sự phục hồi, quay trở lại mà trong thực tế, các nhà trào phúng đã có những bước cách tân táo bạo đối với thể thơ này. Và chỉ có Nôm Đường luật mới đáp ứng được trọn vẹn sự cách tân của các nhà trào phúng tài tử [43, tr.31].

Các tác giả trào phúng giai đoạn này đã tập trung tận dụng một cách triệt để các vế đối, các kiểu đối. Đặc biệt là sự kết hợp một cách có ý thức giữa các kiểu đối đa dạng (đối ý, đối câu, cặp câu, đối từ, đối khổ, đối đoạn...), kết hợp các phương thức ngắt nhịp và kĩ thuật gieo vần để kiến tạo nên những hình ảnh có tính chất tương phản và đối lập dùng vào mục đích diễn tả hiện thực, khắc họa tâm trạng, tạo nên sức mạnh và sự bùng nổ của các hình tượng trào phúng, khiến cho ý tưởng châm biếm trong các bài thơ trở nên hết sức mạnh mẽ, sinh động và độc đáo, khắc sâu vào tâm trí người đọc. Xu thế khai thác các kiểu đối trong thơ Nôm Đường luật, có thể nói, được gia tăng từ thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi ông là người đầu tiên mở ra xu hướng châm biếm thị dân, châm biếm thói đời, mà Trần Tế Xương sau này sẽ là người kế tiếp và phát triển đến đỉnh cao. Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi

tập và các tác giả Hồng Đức quốc âm thi tập chưa quan tâm nhiều đến các vế

đối trong thơ Nôm Đường luật. Việc tận dụng triệt để các vế đối trở thành một trào lưu với Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, đặc biệt là Nguyễn

Khuyến và Trần Tế Xương. Phải nhìn các nhà thơ trào phúng dưới góc độ đó mới thấy hết được những đóng góp sắc sảo của họ và giải thích được lý do vì sao các tác giả như Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương lại yêu thích sáng tác thơ Nôm Đường luật. Họ chính là các nhà cách tân lớn theo xu hướng dân tộc hóa một thể thơ rất phù hợp trong việc thể hiện một cách sắc sảo tư tưởng của tác giả, có năng lực phản ánh và chuyển tải hiện thực, đặc biệt đắc dụng trong trào phúng, châm biếm xã hội. Chúng ta có thể khảo sát nghệ thuật đối trong một số bài thơ sau:

“Nghênh ngang/ võng lọng/ nhờ/ ông sứ, Ngọng nghẹo/ văn chương/ giở/ giọng Ngô.”

(Bồ tiên thi, Nguyễn Khuyến) “Bà quan/ tênh nghếch/ xem/ bơi trải,

Thằng bé/ lom khom/ ghé/ hát chèo.”

(Hội Tây, Nguyễn Khuyến) “Trên ghế/ bà đầm/ ngoi/ đít vịt

Dưới sân/ ông cử/ ngỏng/ đầu rồng.”

(Vịnh kẻ thi đỗ, Tú Xương) “Lọng cắm/ rợp trời/ quan sứ/ đến

Váy lê/ quét đất/ mụ đầm/ ra.”

(Vịnh kỳ thi Hương, Tú Xương) Các kiểu đối như trên hết sức phổ biến trong thơ của các tác giả. Đây là những câu thơ tả, khắc họa, quan sát trực tiếp bằng thị giác nhiều hơn gợi (mà gợi mới là bản chất cố hữu của Đường luật). Có thể nói, trong văn học dân tộc, chưa có nhà thơ nào sử dụng các kiểu tiểu đối để làm bật lên tính suồng sã, thậm chí thô tục một cách đậm đặc trong thơ Đường luật, vốn là thể thơ chú trọng về sự trang nhã và quý phái như các tác giả văn học trào phúng nửa cuối thế kỉ XIX, nhất là Tú Xương. Có lẽ điều đó cũng là điều đặc biệt mà

trong văn học dân tộc nói riêng và trong văn học khu vực Đông Á nói chung chưa từng xảy ra. Bước tiến này có được là trong môi trường văn hoá Việt Nam, thơ Nôm Đường luật trào phúng được vận hành theo một quỹ đạo đặc biệt. Sự lựa chọn thể loại hay hệ thống những hình ảnh, từ ngữ, kĩ thuật văn chương của các nhà trào phúng đều thể hiện một sự táo bạo, mạnh dạn. Chúng ta cần xem điều này là một sáng tạo, một đặc điểm cách tân mang tính văn hoá và bản sắc dân tộc của văn học Việt Nam.

Có thể nói, chính những tác động và cách tân trong quan niệm thẩm mỹ của các nhà nho trào phúng giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đã làm thay đổi diện mạo của một thể thơ vốn đài các, sang trọng, hướng thơ ca đến những vấn đề của đời sống hàng ngày bằng một thứ ngôn ngữ thông tục, gần gũi, chứa đựng những hình ảnh chân thực, lịch sử - cụ thể, giải thiêng các thần linh, thần tượng, tạo nên tâm thế phi trung tâm hoá và tiệm tiến đến những đề tài phi chính thống... Cần phải quan niệm đây là một phát hiện mới, là sự khai thác một cách triệt để hơn những ưu thế, đặc biệt là nghệ thuật đối và nghệ thuật sử dụng ngôn từ của thể thơ này.

Khi so sánh với đặc trưng của văn học trào phúng giai đoạn này với các giai đoạn trước đó, tác giả Văn học trào phúng Việt Nam thời trung đại đã

nhận định:

Chính khuynh hướng trào phúng, phê phán xã hội - vốn là xu thế chủ đạo của văn học các giai đoạn thế kỷ XVI, XVIII, XIX đã khiến các nhà thơ khai thác triệt để các phép đối của thơ Nôm Đường luật và điều đó đã góp phần làm mai một các xu thế viết thơ Nôm Đường luật khác, trong đó có thơ lục ngôn, bởi thể thơ này với các câu thơ “khập khiễng” 6 - 7 tạo ra hiện tượng “thất đối”(8), khó phù hợp để thể hiện mục đích trào phúng, phản ánh những xung đột và mâu thuẫn xã hội. Tuy nhiên sự biến mất của thể lục ngôn có thể còn do nhiều nguyên

nhân khác nữa [27, tr.277].

Từ sự lựa chọn thể loại, bằng ngôn ngữ Nôm dân dã, gần gũi, chất liệu hiện thực cũng được các tác giả đưa vào thơ Nôm Đường luật một cách tối đa và tạo nên những biến đổi về mặt thể loại, gia tăng yếu tố tự sự bên cạnh yếu tố trữ tình và trào phúng. Cùng với Phan Văn Trị, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thiện Kế, Phan Điện, Tú Quỳ,… Trần Tế Xương đã đưa vào thơ mình những đề tài, chủ đề của cuộc sống đời thường, những vấn đề thời sự, nóng hổi của cuộc đời. Những đề tài đó lại gắn liền sự việc vụn vặt, tủn mủn, ít chất thơ của đời thường. Điều này hoàn toàn cách tân so với hệ thống đề tài vốn trọng về tải đạo, ngôn chí… và dường như chưa bao giờ trong thế giới nghệ thuật thơ Đường luật trung đại lại đạt đến sự bề bộn, sinh động như vậy. Về mặt đặc trưng nghệ thuật, thơ Đường luật thất ngôn bát cú và tuyệt cú đều có kết cấu chặt chẽ nhưng nghệ thuật bình đối và việc chọn lọc từ ngữ tinh giản đã giúp cho những hình ảnh được xây dựng từ đây có sức gợi tả nổi bật. Nhưng qua bàn tay của các nhà thơ trào phúng tài năng như Yên Đổ, Tú Xương, Kép Trà, Học Lạc, Nhiêu Tâm và các nhà thơ trào phúng thế hệ các ông là ở chỗ đã đưa được vào trong thể thơ gò bó này rất nhiều chi tiết chân thực, sinh động từ cuộc sống một cách tự nhiên. Việc tận dụng triệt để những thế mạnh của thể thơ đã khiến cho mỗi từ ngữ, mỗi hình ảnh đều trở nên chói sáng mà nhịp thơ vẫn phát triển hài hòa. Các hình ảnh hiện thực như không gian “mom sông” nơi bà Tú “lặn lội thân cò” để kiếm ăn từng bữa trong Thương vợ, hay hình ảnh “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ” trong Vịnh kỳ thi Hương của Trần Tế Xương… được đặt trong các vế đối đã trở thành những hình ảnh nổi bật trong một bài thơ mà số từ chỉ tính đến hàng chục. Trong các thể loại khác như thơ trường thiên, hát nói, phú, văn tế… nghệ thuật đối cũng được nhấn mạnh nhưng kĩ thuật đối trong các thể loại này không thể phát huy được thế mạnh ngắn gọn, khúc triết và tạo được sự hô ứng, chói sáng của mỗi từ ngữ như

trong thơ Nôm Đường luật.

Trọng mọi sự lựa chọn văn hoá, việc sử dụng, cách tân và phát huy những thế mạnh của thơ Nôm Đường luật đã biến nó trở thành một thể loại hết sức phù hợp với văn học trào phúng trong khuôn khổ của văn học trung đại Việt Nam. Khi văn xuôi không thật sự phát triển, lại khá khó khăn trong việc in ấn, truyền bá trong một xã hội nông nghiệp cổ truyền mà đa số dân chúng không biết chữ. Điều này tạo nên sự lan toả nhanh trong các giới nhân dân thời bấy giờ, giúp cho vũ khí trào phúng thêm mạnh mẽ và phát huy được uy lực chỉnh đốn phong hoá, giáo hoá nhân luân trong bối cảnh thời bấy giờ.

Mặt khác, với tâm lý yêu thích thơ ca, lối nói vần vè của người Việt, các nhà trào phúng nửa cuối thế kỉ XIX đã phát huy đặc trưng ngắn gọn, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ truyền tụng của thơ Nôm Đường luật. Điều này đã góp phần thể hiện tính ưu việt về mặt văn hoá, ưu thế không thể thay thế được của thơ Nôm Đường luật. Và hiển nhiên nó đã trở thành thể loại chủ lực cho sự sáng tạo của các nhà trào phúng giai đoạn nửa cuối XIX.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn học trào phúng việt nam nửa cuối thế kỷ XIX (Trang 84 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)