Chiều cao theo tuổi thấp phản ánh sự tăng trưởng chậm do điều kiện dinh dưỡng và sức khỏe không hợp lý[64]. Theo WHO khi trung bình Z-score CC/T dưới -2SD được đánh giá là thấp còi.
Theo kết quả bảng 3.6 thì trẻ em trong nghiên cứu của chúng tôi chưa có nguy cơ của SDD thể thấp còi, ở trẻ nữ thì chỉ số Z-score đều lớn hơn 0, còn
trẻ nam Z-score vẫn nhỏ hơn 0 tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Mặc dù chưa có nguy cơ của SDD nhưng hầu hết chỉ số Z-score của cả trẻ trai và gái đều có xu hướng giảm dần, điều này cũng nói lên càng lớn tuổi trẻ càng có nguy cơ suy dinh dưỡng thể thấp còi. Kết quả này được thấy trong nghiên cứu đó là ở 0 tháng tuổi không có trẻ nào bị SDD thấp còi, đến tháng thứ 6 đã xuất hiện 5 trẻ tương đương (3,3%). Xu hướng tăng dần tỷ lệ SDD qua các tháng cũng thấy ở các nghiên cứu khác. Tác giả Nguyễn Thị Thanh Thuấn[68] khi nghiên cứu tại Tuyên Quang cho kết quả tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở nhóm dưới 6 tháng là 5,9% đã tăng lên 20,3% ở nhóm 6-11 tháng. Ở nghiên cứu của Bùi Thị Thanh Hoa[63] tỷ lệ này là 6,7% và 13,6% trong nhóm dưới 6 tháng sau sinh và nhóm 6-11 tháng. Cũng nằm trong xu hướng đó là nghiên cứu của Đoàn Thị Ánh Tuyết khi nghiên cứu tại Quảng Trị đó là tỷ lệ SDD thấp còi ở nhóm dưới 6 tháng là 25,6% còn nhóm 6-11 tháng tăng lên 37,8%.
Kết quả bảng 4.18 cho thấy tỷ lệ SDD thấp còi trong nghiên cứu của chúng tôi (1,4%) thấp hơn tỷ lệ trẻ bị SDD thể nhẹ cân trong nghiên cứu của Bùi Thị Thanh Hoa là 6,7%, của Nuyễn Chí Kiên là (11,5%), tương đương kết quả nghiên cứu của Lê Thị Hương thực hiện tại phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý (0%). Sự khác biệt này có thể do mức thu nhập từng vùng không giống nhau, ở thành thị cao hơn nông thôn, vùng đồng bằng cao hơn miền núi[67]nên ảnh hưởng chung tới việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ và ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Tạ Đăng Hưng khi có sự khác biệt về tỷ lệ thấp còi ở khu vực nông thôn và thành thị ở Hà Nam[4].