Các nguồn tài nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác thu hồi đất để thực hiện một số dự án phát triển kinh tế xã hội tại thành phố nha trang (Trang 44 - 48)

a. Tài nguyên đất

Theo kết quả Điều tra, bổ sung bản đồ đất tỉnh Khánh Hoà (Viện Quy hoạch & TKNN thực hiện năm 2005), TP. Nha Trang có những nhóm đất sau:

- Nhóm bãi cát, cồn cát và đất cát ven biển: Diện tích 1.423 ha, chiếm 5,63% tổng diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở xã Vĩnh Lương và Phước Đồng.

- Nhóm đất mặn: Diện tích 1.678 ha, chiếm 6,64% tổng diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở xã Vĩnh Lương, Vĩnh Thái, phường Phước Long, Phước Hải.

- Nhóm đất phèn: diện tích có 578 ha, chiếm 2,29 % diện tích tự nhiên toàn thành phố.

Đất phèn tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Thái và Vĩnh Hiệp.

- Nhóm đất phù sa: diện tích có 1.416 ha, chiếm 5,60 % diện tích tự nhiên toàn thành phố, trong đó:

+ Đất phù sa không được bồi, chua có diện tích 190 ha. + Đất phù sa có tầng gley có diện tích 943 ha.

+ Đất phù sa ngòi suối có diện tích 283 ha.

Đất phù sa phân bố chủ yếu ven sông Cái Nha Trang và các sông suối khác, tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Trung, Vĩnh Phương.

- Nhóm đất xám bạc màu có diện tích 1.518 ha, chiếm 6,0 % diện tích tự nhiên toàn thành phố và phân bố chủ yếu ở khu vực xã Phước Đồng.

- Nhóm đất đỏ vàng có diện tích 16.936,43 ha, chiếm 67,05 % diện tích tự nhiên toàn thành phố. Nhóm đất này phân bố chủ yếu ở vùng đồi núi, đất có tầng dày mỏng, độ dốc lớn, thảm thực vật chủ yếu là cây bụi xen gỗ rải rác.

- Nhóm đất thung lũng dốc tụ có diện tích 84 ha, chiếm 0,33 % diện tích tự nhiên toàn thành phố.

- Đất xói mòn trơ sỏi đá có diện tích 708,26 ha, chiếm 2,80 % diện tích tự nhiên toàn thành phố.

- Các loại đất khác có diện tích 591,58 ha (đất sông suối và mặt nước chuyên dùng không điều tra).

b. Tài nguyên rừng

Nha Trang có 2.762,55 ha đất lâm nghiệp, trong đó phần lớn là rừng sản xuất 2.499,37 ha, chiếm khoảng 90,5% diện tích đất lâm nghiệp; đất rừng phòng hộ 263,18 ha, chiếm 9,5%. Diện tích đất có rừng giàu, trữ lượng lớn hiện nay không còn mà chủ yếu là rừng non, rừng nghèo kiệt; đất trống đồi núi trọc còn nhiều, cần tích cực trồng rừng mới và khoanh nuôi tái sinh rừng để tăng độ che phủ rừng. Ngoài ra còn có các khu nhà-vườn ở khu vực ngoại thành tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp, góp phần cải thiện môi trường sinh thái và cảnh quan độc đáo của thành phố.

c. Tài nguyên khoáng sản

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn TP. Nha Trang hiện nay có một số loại khoáng sản sau:

- Nguyên liệu thạch anh quang áp: điểm thạch anh quang áp Hòn Sạn (N 0120) thuộc phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang, phân bố trên bề mặt phong hóa đá xâm nhập phức hệ Cà Ná (G/K2cn). Các tinh thể thạch anh đường kính 210 mm, dài 0,51 cm, màu trắng đục, ám khói đến vàng nhạt, nguồn gốc pegmatit, chưa rõ triển vọng. Ngoài ra còn phát hiện được ở một số điểm khác như Hòn Tre.

- Mỏ andesit Hòn Thị (N0156): thuộc xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Mỏ nằm ở sườn đông núi Hòn Thị, có đỉnh cao nhất là 226 m, phân bố đá phun trào của hệ tầng Nha Trang. Đá có màu xám đen, xám xanh, cứng chắc, cấu tạo khối, kiến trúc porphir. Lớp vỏ phong hóa triệt để dày 15 m, trung bình 3,5 m. trữ lượng cấp C1+C2 (tương đương cấp 122 + 333 mới).

- Mỏ đất san lấp Đắc Lộc (N0108): phân bố ven chân Tây Nam núi Đá Bạc, thuộc thôn Đắc Lộc, một phần thuộc thôn Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang. Diện tích dải là 148,168 ha. Mỏ Đắc Lộc nằm hoàn toàn trong thành tạo vỏ phong hóa phun trào hệ tầng Đèo Bảo Lộc. Tài nguyên dự báo đất san lấp của mỏ là 8.149.256 m3.

- Mỏ nước khoáng Vĩnh Phương (N0105):

Vị trí: thôn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang. Từ nhà máy sợi Nha Trang theo Quốc lộ I đi về phía Cam Ranh khoảng 2 km, lỗ khoan nằm sát bên trái đường, gần chân cầu Đắc Lộc.

Tọa độ VN2000 (Khánh Hòa múi 30): X (m) = 1359778; Y (m) = 598145. Dạng xuất lộ: nước khoáng xuất lộ thành 2 điểm nằm trong 2 gò bùn khoáng (còn gọi là Gò Ráng Trong và Gò Ráng Ngoài) trên cánh đồng thuộc xã Vĩnh Phương.

* Tại Gò Ráng Trong: nước khoáng xuất lộ giữa gò bùn khoáng cách cầu Đắc Lộc 700 m về phía Nam, nhiệt độ nước đo được vào tháng 12/2003 là 500

C.

* Tại Gò Ráng Ngoài: nước khoáng xuất lộ ở rìa Đông Nam gò, cách cầu Đắc Lộc 500 m về phía Đông Nam, cách Gò Ráng Trong 300 m về phía Đông Bắc; nhiệt độ nước đo được vào tháng 12/2003 là 400

C.

- Mỏ nước khoáng Phước Trung (N0157)

Vị trí: nằm ở sườn Đông Bắc núi Hòn Thị, phía Nam đập nước hồ Đồng Bò thuộc thôn Phước Trung, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, cách thành phố khoảng 6 km về phía Tây Nam.

Tọa độ VN2000 (Khánh Hòa múi 30): X (m) = 1347889; Y (m) = 598177. Trữ lượng khai thác cấp B = 125 m3/ng; cấp C1 = 311 m3/ng; cấp C2 = 154 m3/ng.

d. Tài nguyên biển

Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, có diện tích khoảng 507 km2. Chiều dài bờ biển từ Vĩnh Lương đến mũi Cù Hin khoảng 30 km. Vịnh Nha Trang là vùng biển hở tiếp giáp với đại dương, hệ thống động lực dòng chảy tốt giúp cho nước luôn được trao đổi, tự làm sạch, ít bị ô nhiễm. Tài nguyên biển Nha Trang mang nhiều giá trị kinh tế cho phép phát triển tổng hợp kinh tế biển: có tiềm năng to lớn về du lịch biển - đảo; công nghiệp gắn với biển, cảng biển; đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản và bảo tồn sinh thái biển.

- Về mặt sinh thái, vịnh Nha Trang là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới, có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Đó là hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ. Đặc biệt vịnh Nha Trang có đa dạng sinh học cao với 350 loài rạn san hô, có 40% số loài san hô trên thế giới.

- Bãi biển Nha Trang nằm ngay trung tâm thành phố có chiều dài trên 10 km. Trong vịnh Nha Trang có nhiều đảo lớn, nhỏ có tiềm năng phát triển du lịch vui chơi giải trí trên đảo, thám hiểm dưới nước.

- Bờ biển Nha Trang có nhiều điều kiện thuận lợi hình thành các cảng hàng hoá, du lịch và quốc phòng.

- Biển Nha Trang có tiềm năng lớn về đánh bắt thuỷ hải sản với nhiều loại thủy hải sản quý như cá thu, cá mú, cá chẽm, tôm hùm, tôm sú, cua biển, cá ngựa, mực... Trữ lượng hải sản vùng biển Nha Trang - Khánh Hoà ước khoảng trên 100 nghìn tấn, trong đó chủ yếu là cá nổi (70%). Khả năng khai thác cho phép hàng năm khoảng 30 nghìn tấn.

- Ngoài các loại hải sản như cá, mực và các loại ốc, biển Nha Trang còn là nơi trú ngụ của loài chim yến, cho phép khai thác yến sào đem lại giá trị kinh tế cao.

e. Tài nguyên nhân văn, du lịch

- Tài nguyên du lịch biển - đảo: Vịnh Nha Trang được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, có hệ sinh thái biển rất đa dạng, trong đó đặc biệt nổi trội là các rạn san hô. Trong vịnh Nha Trang có 19 hòn đảo lớn, nhỏ với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và vùng bảo tồn sinh thái còn khá hoàn chỉnh và độc đáo của Việt Nam như đảo Hòn Mun là nơi có rạn san hô phong phú và đa dạng nhất Việt Nam; đảo Hòn Miếu là nơi có nhiều sinh vật biển kỳ lạ; đảo Hòn Tằm là một điểm du lịch hấp dẫn; đảo Hòn Tre có bãi tắm thiên nhiên đẹp vào bậc nhất Việt Nam, có quần thể các dự án du lịch cao cấp, tuyến cáp treo Vinpearl vượt biển dài nhất khu vực; đảo Hòn Chồng, Hòn Một là những điểm hấp dẫn về du lịch...

- Tài nguyên du lịch văn hóa - nhân văn: Bên cạnh tài nguyên du lịch biển-đảo, Nha Trang còn có tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, nhiều di sản văn hóa lịch sử quý giá. Theo thống kê, thành phố Nha Trang hiện có 131 di tích, trong đó có 9 di tích danh lam thắng cảnh, 1 di tích khảo cổ học, 3 di tích lưu niệm danh nhân, 13 di tích lưu niệm sự kiện, còn lại là di tích kiến trúc nghệ thuật. Nha Trang có một số di sản văn hóa - lịch sử có giá trị như Tháp Bà Pônaga, Nhà thờ Núi (hay còn gọi Nhà thờ Chánh tòa Kitô Vua), Chùa Long Sơn, Chiến khu Đồng Bò, Dinh Bảo Đại, Viện Pasteur, Viện Hải dương học, Chợ Đầm, Suối Khoáng... Ngoài ra, còn có một số văn hóa phi vật thể gần đây đã được khai thác như lễ hội Tháp Bà, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội xứ Trầm hương, Festival biển... Trên địa bàn thành phố đã hình thành mạng lưới các cơ sở dịch vụ văn hóa ẩm thực chất lượng cao, mang nét truyền thống, góp phần tạo nên bản sắc hấp dẫn của du lịch Nha Trang. Tiềm năng du lịch Nha Trang cho phép phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mạnh, xây dựng được thương hiệu Nha Trang trên bản đồ du lịch thế giới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác thu hồi đất để thực hiện một số dự án phát triển kinh tế xã hội tại thành phố nha trang (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)