Đánh giá quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và bố

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại một số dự án trên địa bàn thành phố hà tĩnh, tỉnh hà tĩnh (Trang 73 - 76)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.3.5. Đánh giá quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và bố

hỗ trợ và bố trí tái định cư của các dự án nghiên cứu trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh

3.3.5.1. Những thuận lợi

Qua điều tra trên các địa bàn nghiên cứu cho thấy: Công tác giải phóng mặt bằng đã được UBND tỉnh, UBND thành phố, thành ủy quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ từ tỉnh đến thành phố, phường xã nên các cấp, các ngành đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giải thích các chế độ, chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước để người dân thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với sự phát triển của thành phố nói riêng, của tỉnh nói chung. Vì vậy, đại đa số người dân đều đồng tình, ủng hộ chủ trương giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi để sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc giá, lợi ích công cộng và mục tiêu phát triển kinh tế. Chính sách của Nhà nước được các cơ quan tham mưu kịp thời như giá đất, chế độ chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư,… Do vây, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được tính toán đảm bảo theo quy định của pháp luật. Công khai dân chủ, minh bạch đảm bảo quyền lợi cho tổ chức, người dân bị ảnh hưởng, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

Đây là 2 dự án lớn có tầm quan trọng trong quá trình phát triển thành phố Hà Tĩnh lên đô thị loại II. Việc thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

được thực hiện theo đúng Nghị định 197/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ, và Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Bên cạnh đó được thể chế các chủ trương, chính sách của Nhà nước bằng các văn bản của UBND tỉnh, UBND thành phố.

3.3.5.2. Những khó khăn

Phần lớn nhân dân đều xuất thân từ nông dân bao đời nay, gắn bó với ruộng đất và có hộ sống bằng chính sản phẩm canh tác nông nghiệp, do vậy người dân không muốn giao đất cho các chủ đầu tư để thực hiện dự án.

Đối với đất ở, bất cập lớn nhất là giá bồi thường không phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế, thường là thấp hơn thậm chí là thấp hơn nhiều. Các quy định về giá bồi thường và chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn chưa tương xứng với giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi, gây thiệt hại cho nhiều người sử dụng đất.

Công tác quản lý đất đai của địa phương còn yếu kém, tình trạng lấn chiếm, cơi nới, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng trái pháp luật còn rất nhiều, các tiêu chí về đất đai như nguồn gốc, thời điểm sử dụng, tỷ lệ % mất đất nông nghiệp khó xác định. Vì vậy, khi thu hồi, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ mất rất nhiều tời gian và công sức.

Bên cạnh đa phần người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách còn có một số người bị thu hồi đất không chịu chấp hành, không phối hợp để giải quyết, chai ỳ để được nâng giá. Từ đó nhận tiền nhiều hơn các hộ chấp hành, gây tâm lý không tốt cho người dân.

3.3.5.3. Nguyên nhân tồn tại và vướng mắc

Nguyên nhân khách quan:

Trình tự, thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của pháp luật hiện hành có quá nhiều khâu trung gian, nhiều thủ tục như thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tổ chức điều tra hiện trạng quyền sử dụng đất thu hồi, đo đạc, điểm đếm tài sản; thẩm định phương án, quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án; bố trí tái định cư và tổ chức chi trả tiền; xác định nguồn gốc đất, xác nhận nhân hộ khẩu,… lấy ý kiến phương án bồi thường; tổ chức vận động, thuyết phục; Còn có sự khác nhau trong việc thực hiện các dự án khi hỗ trợ ngoài chính sách: Trong khu vực dự án giải tỏa, mặc dù nhiều người đủ điều kiện để chuyển quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai và luật dân sự. Nhưng trong thực tế họ không được chuyển quyền sử dụng đất mà họ phải chấp nhận tiền bồi thường theo quy định. Trong khi giữa giá chuyển nhượng thực tế với giá bồi thường theo quy định có sự chênh lệch nhau quá nhiều.

Giá đất do Nhà nước quy định bảo đảm nguyên tắc là sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường, giá trị bồi thường cho người có đất bị thu hồi được tính theo giá đất do Nhà nước quy định phải có nhất quán về mặt giá trị. Nếu giá thị trường cao hơn giá khung do UBND cấp Tỉnh ban hành thì cần xác định theo giá thị trường để đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất. Tuy nhiên, điều này rất khó áp dụng trên thực tế bởi lẽ còn phụ thuộc vào ngân sách cấp cho dự án hoặc đôi khi vì có dự án mà giá đất tại địa phương lại bị đẩy lên cao hơn mức thông thường trên thị trường.

Trong các dự án đã được phê duyệt hầu hết không lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, dẫn đến tình trạng lập kế hoạch bổ sung kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án. Do đó, việc bố trí nguồn vốn chưa nhiều và chưa kịp thời.

Nhà đầu tư dự án, công trình phải làm việc với rất nhiều đối tác để thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; nhiều trường hợp phải làm việc với UBND của cả ba cấp tỉnh, thành phố và phường xã, làm việc với Hội đồng giải phóng mặt bằng hoặc Trung tâm phát triển quỹ đất, làm việc với những người có đất bị thu hồi; không ít trường hợp phải chi phí đóng góp thêm cho địa phương, chi thêm ngoài phương án cho người có đất bị thu hồi,...

- Không bảo đảm công bằng trong những người sử dụng đất xung quanh dự án, công trình đang triển khai, có người đang sử dụng đất ở vị trí thuận lợi nay bị thu hồi toàn bộ đất phải tái định cư ở nơi khác, có người đang sử dụng đất ở vị trí không thuận lợi nay ngẫu nhiên được ở vị trí thuận lợi và đương nhiên nhận được giá trị tăng thêm của quyền sử dụng đất do dự án, công trình đó mang lại.

Nguyên nhân chủ quan:

Việc thông báo, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Nhà nước về công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở một số xã, thị trấn có lúc chưa sâu rộng, chưa thường xuyên liên tục nên còn một bộ phận nhân dân chưa thông, chưa ủng hộ công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Một số văn bản chính về giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư chưa rõ ràng hoặc chưa phổ biến một cách có hiệu quả gây khó khăn cho người dân tiếp cận dẫn đến các kiếu kiện xảy ra.

Công tác quản lý đất đai của cấp phường, xã trước đây còn lỏng lẻo nên việc người dân tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây nhà trái phép xảy ra rất nhiều,... Vì vậy, khi có quyết định thu hồi đất thực hiện các dự án cũng rất khó khăn phức tạp trong công tác giải phóng mặt bằng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại một số dự án trên địa bàn thành phố hà tĩnh, tỉnh hà tĩnh (Trang 73 - 76)