THỰC TIỄN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng xây dựng nông thôn mới tại thị xã sông cầu, tỉnh phú yên (Trang 36 - 39)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

1.3. THỰC TIỄN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Qua quá trình nghiên cứu, tác giả chỉ ra được những kết quả đạt được, những hạn chế nguyên nhân về xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Phú Yên.

a) Kết quả đạt được

Giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Phú Yên triển khai chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã đem lại những kết quả tích cực, nhất là trong chuyển biến nhận thức về cách làm xây dựng nông thôn mới so với những năm trước đây, người dân trở thành chủ thể trong quá trình thực hiện, các hoạt động được công khai, minh bạch, giám sát kịp thời, có sự bàn bạc và thống nhất từ nhân dân. Từ đó, phong trào thi đua xây dựng NTM được hưởng ứng mạnh mẽ, tạo ra sự lan tỏa rộng lớn và thật sự mang lại hiệu quả thiết thực.

- Cấp cơ sở và người dân nhận thấy rõ những yêu cầu, mục tiêu, việc làm cụ thể theo lộ trình, hoạt động chủ động hơn, không ỷ lại vào sự đầu tư hoàn toàn từ ngân sách nhà nước mà dựa vào khả năng, nguồn lực thực tế ở địa phương để thực hiện theo

- Trong hoàn cảnh kinh tế và ngân sách địa phương các cấp gặp nhiều khó khăn nhưng địa phương, nhất là cấp huyện đã có sự tập trung, cố gắng rất sức lớn về công tác chỉ đạo, huy động nguồn lực, lồng ghép nhiều nguồn vốn trên cùng địa bàn để ưu tiên đầu tư cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Tiêu biểu một số huyện như Tây Hòa, Phú Hòa, Sông Hinh có công tác chỉ đạo quyết liệt, có kế hoạch cụ thể, giải pháp thực hiện cụ thể khả thi, hệ thống chính trị có sự quyết tâm cao, công tác vận động tốt, kết quả đạt được theo tiến độ và mục tiêu đề ra.

- Với cơ chế, chính sách có tính đột phá trong xây dựng nông thôn mới đã tạo ra sức bật lớn cho các địa phương đẩy tiến độ hoàn thành xã nông thôn mới trong điều kiện khó khăn chung ở giai đoạn hiện nay.

- Qua 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có nhiều chuyển biến đáng kể, cơ sở hạ tầng nông thôn đã có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, trường học, các thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở..., tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn của tỉnh.

- Sản xuất nông nghiệp dần phát triển theo quy hoạch, một số cây trồng, vật nuôi chủ lực đang được phát triển tập trung theo hướng quy mô, nâng cao giá trị sản phẩm.

- Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục ngày càng tăng, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và mầm non được thực hiện tốt. Công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày càng tăng, không có dịch lớn xảy ra.

- Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng hoàn thiện cả về chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động quần chúng. An ninh, trật tự xã hội ở nông thôn tiếp tục được giữ vững và ổn định.

Đến tháng 11/2015, số tiêu chí đạt bình quân/xã của toàn tỉnh đạt 12,88 tiêu chí/xã, tăng 7,81 tiêu chí so với năm 2012. Toàn tỉnh đã có 02 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, chiếm 2,2%; Có 12 xã đạt 19 tiêu chí đang lập hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn, ước đến tháng 12/2015 có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 15,9%. Có 28 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí, chiếm 31,8%; Có 23 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí, chiếm 26,1% số xã; Có 23 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, chiếm 26,1%; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí [2].

b) Những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân - Hạn chế, tồn tại

Tiến độ hoàn thành các xã đạt đăng ký đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2015 còn chậm so với kế hoạch đề ra của các địa phương, các tiêu chí cần nhiều nguồn lực đầu tư có tỷ lệ đạt chưa cao.

Sự quan tâm chỉ đạo của một số địa phương còn hạn chế, thiếu quyết liệt, thiếu tập trung. Một số cấp chính quyền cơ sở còn mang tính trông chờ, ỷ lại sự đầu tư của Nhà nước, chưa chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể phù hợp với tình hình ở địa phương, vẫn còn tình trạng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ chưa hợp lý với khả năng huy động nguồn lực, tính cấp thiết trong đầu tư.

Thu nhập của người dân vùng miền núi, vùng bãi ngang ven biển vẫn còn thấp, do đó việc huy động sự đóng góp của dân cho chương trình còn nhiều hạn chế.

Việc đầu tư và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực phát triển sản xuất vẫn còn ít chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang thực hiện chưa thực sự rõ nét. Giá trị sản xuất chưa cao, diện tích sản xuất còn phân tán nhỏ lẻ, tính hợp tác và liên kết chưa cao.

Công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn và tham mưu việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các cấp còn hạn chế, tính chuyên nghiệp của đội ngũ quản lý chương trình chưa cao, công tác báo cáo ở địa phương còn chậm trễ so với yêu cầu của cấp trên.

- Nguyên nhân

Nguồn lực cho xây dựng NTM còn hạn chế: Vốn ngân sách nhà nước (kể cả vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác) còn quá thấp so với yêu cầu, vốn huy động trong dân rất khó khăn, vốn huy động từ các doanh nghiệp không nhiều.

Việc lồng ghép vốn ở một số địa phương chưa hợp lý, chưa nghiêm túc thực hiện cơ chế đặc thù của chương trình để tiết kiệm chi phí đầu tư và phát huy nguồn lực cộng đồng.

Một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đối với tỉnh chưa tạo sự hấp dẫn và thu hút sự đầu tư.

c) Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, xây dựng NTM trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ về xây dựng NTM để phát huy vai trò giám sát của cộng đồng dân cư, tính dân chủ cơ sở, tính công khai minh bạch và sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân.

Thứ hai, việc ban hành những chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp đặc thù điều kiện của Tỉnh đã huy động được nguồn lực trong nhân dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo niềm tin và khí thế phấn khởi cho người dân trong những năm tới.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở có đủ năng lực, nhiệt tình và có quyết tâm cao. Tinh thần trách nhiệm cao, nhận thức tốt về cách làm trong xây dựng nông thôn mới, tính dân chủ người dân được phát huy, nhân dân thống nhất hưởng ứng mạnh mẽ, phát huy tinh thần yêu quê, tính sáng tạo của địa phương thì sẽ đạt kết quả cao.

Thứ tư, xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, triển khai thực hiện theo lộ trình đã đề ra, không được nóng vội, chạy theo thành tích, nhưng phải hết sức tích cực, quyết liệt.

Thứ năm, cần kịp thời khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tổ chức tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM và cần tăng cường kiểm tra, giám sát để có chỉ đạo sâu sát, hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng xây dựng nông thôn mới tại thị xã sông cầu, tỉnh phú yên (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)