3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
2.4.1. Phương pháp điều tra thu thập số liệu
2.4.1.1. Phương pháp kế thừa tài liệu
Đề tài kế thừa có chọn lọc bao gồm:
- Những thông tin về Dự án được thu thập qua tài liệu, văn bản của Nhà nước như: các văn bản pháp luật, các nghị định, Quyết định của chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ và cơ quan ngang bộ, hiệp định ký kết về Dự án, Quyết định thực hiện Dự án của chính quyền các cấp, các báo cáo đánh giá của Ban quản lý Dự án.
- Các tài liệu về điều kiện cơ bản của khu vực nghiên cứu: Điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội, tình hình sử dụng tài nguyên rừng.
- Hồ sơ tài liệu qua các bước thực hiện Dự án từ các năm 2007 đến năm 2014 gồm: Tài liệu về công tác quy hoạch sử dụng đất vi mô, công tác điều tra lập địa, đo đạc diện tích, tổ chức các lớp tập huấn, các đợt tham quan, đầu tư xây dựng vườn ươm quy mô nhỏ, công tác trồng rừng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng trồng, sổ tài khoản tiền gửi hộ gia đình, bản đồ thiết kế trồng và KNXTTS rừng huyện Hoài Nhơn – Bình Định.
- Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật thực hiện Dự án, Quyết định phê duyệt trồng rừng của Dự án.
- Tài liệu tổng kết kết quả thực hiện của Dự án.
- Các quy trình, quy phạm, các kết quả nghiên cứu tham khảo khác đã có, các bảng có liên quan.
2.4.1.2. Phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia cử người dân (PRA)
- Họp thôn, thảo luận nhóm cộng tác viên (CTV), khoảng 8-10 người/nhóm ở các thôn điển hình tham gia Dự án, đại diện về thành phần nhóm hộ, giới tính, tuổi… Nội dung thảo luận bao gồm:
+ Phân loại hộ gia đình (HGĐ) trước và sau Dự án. + Đánh giá kết quả thực hiện Dự án tại địa phương.
+ Phân tích những hạn chế, khó khăn và những nguyên nhân của nó, đồng thời đưa ra khuyến nghị nhằm phát triển những hiệu quả tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực từ các hoạt động của Dự án, đưa ra các giải pháp để duy trì và phát triển kết quả Dự án và các Dự án tương tự khác.
- Điều tra thông qua phỏng vấn hộ gia đình (HGĐ) được đề tài tiến hành như sau:
a. Điều tra về kinh tế
+ Tiến hành phỏng vấn 90 hộ gia đình điển hình ở 3 xã lựa chọn đã tham gia Dự án (mỗi xã chọn 30 hộ) với mức độ giàu nghèo khác nhau và chia ra làm 3 nhóm hộ, trong đó 30 hộ khá, 30 hộ trung bình và 30 hộ nghèo
+ Các thông tin phỏng vấn được ghi chép trong phiếu điều tra HGĐ (phụ lục 1).
b. Điều tra về xã hội
+ Tiến hành đồng thời với điều tra kinh tế, sử dụng công cụ là bộ câu hỏi ghi trong phiếu điều tra phỏng vấn tại 90 hộ gia đình nói trên.
+ Trong quá trình phỏng vấn, chú ý đến đối tượng phỏng vấn đại diện cho thành phần dân tộc, tuổi, giới tính.
+ Các thông tin phỏng vấn được ghi chép trong phiếu điều tra HGĐ.
c. Điều tra về môi trường
Thực hiện tương tự như điều tra về mặt xã hội. Trong đó, các số liệu, thông tin thu thập theo phương pháp PRA đều được kiểm tra tính thực tiễn thông qua quan sát trực tiếp và kiểm tra chéo.
Ngoài ra, khi điều tra có những vấn đề phát sinh, những thông tin mới ngoài bộ câu hỏi cũng được ghi chép lại làm tài liệu tham khảo.