3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
3.4.2. Tác động của mô hình tài khoản tiền gửi
a/ Cải thiện thu nhập của người dân
Đây là khoản tiền Dự án hỗ trợ công trồng và chăm sóc rừng cho các hộ dân tham gia Dự án thông qua hệ thống tài khoản tiền gửi được mở tại chi nhánh cấp huyện của ngân hàng Chính sách xã hội Việt nam. Vì các diện tích rừng của Dự án KFW6 tại vùng điều tra phần lớn mới được thiết lập, chưa cho sản phẩm thu hoạch nên khoản tiền hỗ trợ nói trên được coi là lợi ích về kinh tế rõ nét nhất cho các hộ dân tham gia Dự án. So sánh thu nhập lâm nghiệp của hộ tham gia Dự án và hộ không tham gia Dự án trong thời điểm này chưa thể cho kết luận chính xác về sự khác biệt, tuy nhiên, hộ tham gia Dự án có thu nhập lâm nghiệp cao hơn hộ ngoài Dự án từ khoản tiền hỗ trợ kể trên.
Biểu đồ 3.1. Tác động của mô hình Tài khoản tiền gửi
(Nguồn điều tra kinh tế xã hội lần 2)
Nhìn vào kết quả trên ta thấy số tiền từ tài khoản tiền gửi có đóng góp vào thu nhập chung của các hộ gia đình tham gia Dự án. Trong khi 41.9% số hộ đồng ư rằng sự đóng góp này là vừa phải thì có tới 55.2% số hộ cho là không đáng kể. Đây là những hộ sử dụng khoản tiền trên cho giáo dục hoặc mua sắm các vật dụng trong gia đình nên không nhận thấy được tác động ngay trước mắt vì sự đầu tư này không sinh lãi. Trên thực tế thì số tiền đó vẫn có đóng góp vào tổng thu nhập các hộ gia đình tham gia Dự án ở những mức độ khác nhau tuỳ theo số tiền họ được hỗ trợ, gia cảnh và cách thức sử dụng đồng tiền.
Số tiền từ tài khoản tiền gửi được sử dụng cho các mục đích khác nhau tuỳ theo mỗi gia đình. Có hộ sử dụng làm vốn trong sản xuất nông nghiệp như mua phân bón, giống cây trồng hoặc chăn nuôi…Đây cũng được coi như một hình thức đầu tư sinh lãi để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tăng thu nhập hộ gia đình. Theo ghi nhận của nhóm tư vấn tại vùng điều tra chủ yếu tiền hỗ trợ được sử dụng làm vốn trong chăn nuôi và nông nghiệp. Họ cho rằng đây là 2 hình thức sử dụng tiền có hiệu quả nhất. Vì số tiền từ tài khoản tiền gửi của mỗi hộ gia đình tương đối ít và nhận thành nhiều đợt trong khoảng thời gian dài nên không thể sử dụng vào các mục đích kinh doanh khác.
a) Cơ cấu thu nhập lâm nghiệp trong tổng thu nhập hộ gia đình
Cơ cấu thu nhập từ lâm nghiệp tại vùng Dự án còn nhỏ. Điều này được lý giải do các hộ đều chưa có sản phẩm thu từ rừng và thu nhập lâm nghiệp chủ yếu là đi làm thuê và tiền hỗ trợ từ Dự án. Nhìn chung các hộ trong vùng Dự án đa số sống nhờ vào nông nghiệp và các công việc khác như đi làm thuê, buôn bán, lâm nghiệp chưa thực sự phát triển tại địa phương trước khi có Dự án. Vì thế sự đầu tư của Dự án KFW6 vào địa phương đã giúp người dân có thêm một khoản thu nhập khác từ lâm nghiệp Chủ yếu từ tiền hỗ trợ công lao động trong tài khoản tiền gửi từ đó giúp người dân ý thức hơn về giá trị kinh tế của sản xuất lâm nghiệp để tiến hành đầu tư phát triển lâm nghiệp tại hộ gia đình mình.
b/ Nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích gửi tiết kiệm ngân hàng.
Phần lớn người dân tại các vùng Dự án và các vùng không được thực hiện Dự án chưa từng biết đến phương thức cải thiện thu nhập thông qua việc gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng để thu lãi. Qua hoạt động giải ngân của Dự án từ tài khoản tiền gửi cá nhân, người dân Dự án đã biết đến một phương thức mới là gửi tiền tiết kiệm và các giao dịch như rút tiền, gửi tiền tại ngân hàng để có thể tạo ra một khoản tiền lãi hàng năm. Một số hộ dân cho biết sẽ tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng để thu lãi nếu có tiền thừa sau khi đã đầy đủ các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu.
c/ Nâng cao hiểu biết về hoạt động của ngân hàng
Qua việc tiếp xúc thường xuyên với Ngân hàng, các hộ dân tham gia Dự án đã nâng cao hiểu biết về hoạt động của Ngân hàng, mạnh dạn tiếp cận và vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Hộ dân thuộc vùng Dự án đã vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua các chương trình Dự án khác như quỹ xoá đói giảm nghèo, Dự án trồng cây ăn quả, chương trình phát triển đàn gia súc... Qua đó có thể thấy rằng việc mở tài khoản tiền gửi cá nhân đã giúp các hộ dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng và các giao dịch khác của Ngân hàng dễ dàng hơn.
d/ Nâng cao ý thức trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng
Việc đình chỉ hoặc đóng tài khoản đối với các hộ trồng và chăm sóc rừng chưa đạt yêu cầu đã tác động đáng kể tới ý thức trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng của người dân. Nhiều hộ dân nhất trí và ủng hộ việc áp dụng phương pháp định kỳ rút tiền hàng năm sau khi chăm sóc rừng đạt yêu cầu.
Biểu đồ 3.2: Nhận thức về tầm quan trọng của việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng từ khi tham gia Dự án của người dân (%)
Nhìn vào kết quả trên ta thấy nhận thức của người dân về phát triển lâm nghiệp được nâng cao một cách rõ nét. Khi được hỏi về sự thay đổi nhận thức của người dân đối với công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, có tới 45% số người cho rằng tốt hơn nhiều so với trước đây trong khi 44,5% trả lời tốt hơn. Chỉ có 2% cho rằng nhận thức về vấn đề đó của họ kém hơn so với trước. Ví dụ như, trước kia họ chỉ biết chọn các giống cây con bán ngoài thị trường mà không rõ nguốn gốc nhưng từ khi tham gia Dự án các hộ đã biết chọn những vườn ươm cung cấp giống đạt chuẩn của Dự án hay những vườn giống có uy tín trong địa bàn. Ngoài ra, ý thức bảo vệ rừng của các hộ dân tăng lên rõ rệt, tỷ lệ người vào rừng chặt phá đã giảm hơn so với các năm trước. Các kỹ thuật trồng rừng cũng thay đổi rất nhiều như thay vì phát trắng và đốt để xử lý thực bì người dân đã biết phát dọn thực bì theo băng, biết xây dựng băng cản lửa. Ngoài ra, các hộ còn chú ý nhiều hơn tới kỹ thuật cuốc hố và bón phân vốn là những việc trước kia họ rất ít quan tâm.