Keo lá liềm có tên khoa học là Acacia Crassicarpa A. Cunn ex Benth, thuộc họ trinh nữ (Mimosaceae) có nguồn gốc từ Australia, Papua New Guinea và Indonesia là loài cây có tỉ trọng gỗ khá cao, từ 0,6 đến 0,7 thích hợp làm đồ xây dựng và đồ mộc gia dụng (Turnbull & Doran, 1997).
Theo (Hanum &Van der Maesen, 1997; p. 57). "A. crassicarpa có vùng phân bố rộng nhiệt độ thích hợp từ 15-340C lượng mưa từ 500-3500mm. Mùa khô có thể kéo dài 6 tháng, phân bố từ vùng đất cát ven biển đến đất đồi núi, xuất hiện ơ nơi đất khô hạn, nhiểm mặn. Nó thích hợp với nhiều loại đất (đất ven biển, đất vàng, đất núi lửa… đất acid hay bị ngập lụt vào mùa ẩm), đặc biệt là vùng đất khô hạn hoặc vùng đất cát ven biển, do đó loài cây này cũng là loài cây được lựa chọn cải tạo đất khô ở một số vùng miền Tây và miền Trung nước Úc.
1.4.2. Nghiên cứu về chọn loài/xuất xứ
Giống là một trong những khâu quan trọng nhất của công tác trồng rừng, chọn và cải thiện theo mục tiêu kinh tế sẽ đưa năng suất rừng trồng ngày một lên cao. Theo Zobel và Talbert (1984) thì cải thiện giống cây rừng chỉ có hiệu quả khi nó kết hợp được tất cả sự khéo léo về lâm sinh và chọn giống của nhà lâm nghiệp để sản xuất ra những sản phẩm cây rừng một cách nhanh nhất và rẻ nhất, là một cuộc “hôn nhân” giữa chọn giống cây rừng và các biện pháp lâm sinh. Vì thế, khi nói đến cải thiện giống cây rừng một mặt phải nghĩ đến việc áp dụng các nguyên lý di truyền học và chọn giống để nâng cao năng suất và chất lượng rừng theo mục tiêu kinh tế là chính, mặt khác không bao giờ được quên các biện pháp kỹ thuật lâm sinh thích hợp với đặc điểm sinh thái của từng loài cây rừng.
Đối với chọn lọc để tìm ra dòng Keo lá liềm có xuất xứ vượt trội đã được tiến hành từ rất sớm ở Australia thông qua 1 nghiên cứu thực nghiệm của Harwood và cộng sự (1993). Trong nghiên cứu này, 170 dòng Keo lá liềm được tuyển chọn từ Queensland Úc và Papua New Guinea và cho thụ phấn chéo tự nhiên. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các dòng keo có nguồn gốc xuất xứ từ Papua New Guinea có kết quả về chiều cao và được kính tốt hơn, ngoài ra khả năng chịu hạn cũng cao hơn so với dòng có xuất xứ từ Úc.
Theo (Pederson et al., 1993) khảo nghiệm xuất xứ có thể được tiến hành ngay sau giai đoạn loại trừ loài nghĩa là giai đoạn loại trừ loài có thể được đánh giá sau 1/10 - 1/5 luân kỳ thì khảo nghiệm xuất xứ cũng có thể bắt đầu ngay sau đó. Khảo nghiệm nhiều xuất xứ: Đây là khảo nghiệm nhằm xác định quy mô và kiểu biến dị giữa các xuất xứ của
những loài có triển vọng, nhằm chọn ra một số ít xuất xứ có triển vọng nhất, cũng như chỉ ra khu vực không thể lấy hạt và khu vực không thể nhập hạt để gây trồng.
Theo Molotcov (1987) thì việc chọn giống có mục tiêu là một nét đặc trưng của chọn giống lâm nghiệp hiện đại trong những thập niên tới. Loài keo lá liềm trồng trên vùng đất cát ven biển muc tiêu kinh doanh chính là phòng hộ bảo vệ môi trường kết hợp mục tiêu kinh doanh gỗ,củi vì vậy chỉ tiêu cần quan tâm trong cải thiện giống là khả năng chịu nóng, hạn và sức sinh trưởng của loài.
Qua các nghiên cứu trên cho thấy bước thứ 3 trong quá trình nghiên cứu chọn dòng là trồng mô hình thử nghiệm để chọn dòng ưu tú. Các dòng cây lâm nghiệp được chọn qua bước này đều có năng suất và sản lượng cao hơn. Đối với keo lá liềm thì chưa có công trình nào nghiên cứu trồng thử nghiệm trên vùng đất cát. Sau khi đã chọn lọc cây trội ở rừng trồng, cây ưu tú vườn ươm về sinh trưởng, sinh khối, khả năng chống chịu, thì việc xây dựng mô hình trồng rừng trên vùng cát (vùng lập địa sẽ trồng rừng đại trà) để chọn dòng ưu tú vượt trội, có sinh khối cao, chống chịu tốt thích hợp trên vùng cát là hết sức cần thiết.