Điều kiện tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên Huế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hiện trạng và chọn dòng keo lá liềm (acacia crassicarpa) ưu tú vượt trội trên vùng đất cát ven biển tỉnh thừa thiên huế (Trang 33 - 36)

- Lập ô tiêu chuẩn để đánh giá lượng vật rơi rụng:

3.1.1.Điều kiện tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên Huế

3.1.1.1. Vị trí địa lý

Tỉnh Thừa Thiên - Huế nằm ở duyên hải miền Trung Việt Nam, có tọa độ địa lý như sau:

- Điểm cực Bắc: 16044’30’’ vĩ Bắc và 107023’48’’ kinh Đông tại thôn Giáp Tây, xã Điền Hương, huyện Phong Điền.

- Điểm cực Nam: 15059’30’’ vĩ Bắc và 107041’52’’ kinh Đông ở đỉnh núi cực Nam, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông.

Hình 3.1. Bản đồ tỉnh Thừa Thiên Huế

- Điểm cực Tây: 16022’45’’ vĩ Bắc và 107000’56’’ kinh Đông tại bản Paré, xã Hồng Thủy, huyện A Luới.

- Điểm cực Đông: 16013’18’’ vĩ Bắc và 108012’ 57’’kinh Đông tại bờ phía Đông đảo Sơn Trà, thị trấn Lăng Cô,huyện Phú Lộc.

3.1.1.2. Đặc điểm địa hình

Do quá trình lắng đọng, bồi tụ và trầm tích vật chất, quá trình vận động tạo núi để hình thành đất, vì vậy vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế được cấu tạo bởi 3 kiểu địa hình sau:

Địa hình bờ biển: Bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế có dạng lồi lõm, gồ ghề do bị chia cắt bởi nhiều cửa sông và núi ăn lan ra biển, với đặc điểm đó nên đã xuất hiện vũng Chân Mây là một lợi thế cho tỉnh trong việc xây dựng cảng biển nước sâu. Nhìn chung bờ biển Thừa Thiên Huế nằm trong hệ thống bờ biển vùng Bắc Trung Bộ được cấu tạo bằng hai loại vật liệu chính được vận chuyển từ nơi khác tới là phù sa và cát. Ngoài ra còn có những đoạn cấu tạo bằng vật liệu tại chỗ được mài mòn do sóng biển mà hình thành.

Địa hình đồng bằng ven biển: Địa hình đồng bằng ven biển là đồng bằng hẹp xen kẽ các cồn cát, dải cát trắng kéo dài từ Phong Điền đến Phú Lộc. Bị chia cắt bởi các con sông, đầm phá trong địa bàn. Đặc biệt vùng bờ biển của tỉnh có hệ thống đầm phá nổi tiếng như phá Tam Giang, đầm Cầu Hai, đầm Lập An. Vùng đồng bằng là nơi tập trung dân cư sinh sống và có nguồn tài nguyên đất đai, mặt nước để nhân dân sản xuất nông lâm ngư nghiệp.

Địa hình núi: Kiểu địa hình núi trong vùng là núi thấp, tập trung ở huyện Phú Lộc. Đặc biệt có những dãy núi đâm ngang ra biển như núi Linh Thái, núi Phước Tượng, núi Phú Gia.

3.1.1.3. Đặc điểm khí hậu, thủy văn

Khu vực nghiên cứu chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa. Một năm có hai mùa: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 9 trong năm, mùa mưa bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 01 năm sau.

Chế độ nhiệt: Nhiệt độ bình quân các tháng trong năm là 24,90C, nhiệt độ bình quân cao nhất là 38,60C vào tháng 5, thấp nhất là 12,40C vào tháng 1.

Chế độ ẩm: Độ ẩm tương đối trung bình trong năm 87%, cao nhất 95% (vào tháng 12), độ ẩm thấp nhất 77% (vào tháng 6).

Chế độ gió: Gió mùa Tây Nam xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 7 trong năm. Đặc điểm gió Tây Nam (gió Lào) thường biến tính, khô nóng, nền nhiệt cao, độ ẩm không khí thấp. Chính gió Lào cũng là nguyên nhân gây cát bay, cát lấp (từ phía đất liền ra biển) nhưng không mạnh và ít gây hại hơn so với gió Đông Bắc. Mỗi khi có gió Lào về làm cho nhiệt độ không khí lên rất cao (có khi lên đến trên 400C) và độ ẩm không khí giảm xuống thấp, lượng nước bốc hơi mạnh làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng và dễ gây ra hạn hán vụ hè thu.

Gió mùa Đông Bắc xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Đặc điểm gió thường kèm theo mưa, lạnh, nền nhiệt thấp, độ ẩm không khí cao. Gió mùa Đông bắc về làm cho nhiệt độ giảm thấp, gây giá lạnh có hại cho sinh trưởng, phát triển của thực vật và có khi gây nên sương muối làm chết nhiều loại cây trồng hoặc giảm năng suất. Chính gió mùa Đông bắc là động lực gây nên cát bay, cát lấp (từ phía biển vào đất liền).

Bão: Bão thường xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 12 trong năm, kèm theo mưa lũ ở thượng nguồn gây triều cường, ngập úng ở vùng hạ lưu. Trên địa bàn vùng dự án thường hứng chịu các cơn bão có sức công phá lớn gây thiệt hại về tài sản của nhân dân, các công trình cơ sở hạ tầng và sản xuất Nông lâm ngư nghiệp.

Chế độ mưa: Tổng lượng mưa bình quân trong năm là 3.056 mm, lượng mưa thấp nhất là 27,9 mm vào tháng 1 và cao nhất là 1.043 mm vào tháng 10 trong năm. Mưa phân bố không đều các tháng trong năm, chủ yếu tập trung vào các tháng 9 đến tháng 12.

Thuỷ văn sông: Thừa Thiên - Huế có hệ thống sông ngòi khá dày đặc nhưng các sông đều nhỏ, độ dốc lớn. Tổng chiều dài các sông chính chảy trên lãnh thổ của tỉnh là khoảng 300km, trong đó hệ thống sông Hương chiếm đến 60%.

Sông Hương là hệ thống sông dài nhất và có lưu vực lớn nhất trong tỉnh, gồm 3 nhánh hợp thành là sông Bồ, sông Hữu Trạch và sông Tả Trạch, chảy qua các huyện Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Vang và thành phố Huế, đổ cửa biển Thuận An.

Sông Bồ là ranh giới giữa các huyện Phong Điền và Hương Trà, đổ ra phá Tam Giang. Sông có các phụ lưu là Rào Tráng, Rào Nái.

Sông Ô Lâu có hai phụ lưu là sông Ô Lâu và sông Mỹ Chánh, bắt nguồn từ vùng núi huyện Phong Điền ở độ cao khoảng 900 m.

Phía Nam tỉnh có sông Truồi ở huyện Phú Lộc, đổ ra đầm Cầu Hai. Sông bắt nguồn từ khu vực Vườn quốc gia Bạch Mã, chủ yếu chảy trong địa phận huyện Phú Lộc, có chiều dài 24 km.

Ngoài ra, tỉnh còn có sông Nông, sông Bù Lu, sông Cầu Hai.

Nhìn chung, sông ngòi ở Huế ngắn và dốc, ít có sông lớn. Các sông có sự chênh lệch rất lớn về dòng chảy trong năm. Tổng lượng nước trong ba tháng mùa lũ lớn gấp 2 lần tổng lượng nước trong 9 tháng mùa cạn.

Đầm phá: Hệ thống đầm phá trên địa bàn vùng dự án khá đặc trưng không những của tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn mang tính chất quốc gia. Đặc biệt có hệ thống đầm phá Tam Giang chạy dài từ Phong Điền đến Phú Lộc là một trong 7 hệ thống đầm phá nước lợ nổi tiếng về đa dạng sinh học của Việt Nam, là nơi cư trú của các loài thuỷ hải sản nước lợ và các loài thuỷ sinh khác. Ngoài ra, trên địa bàn còn có đầm Cầu Hai, đầm Lập An ở huyện Phú Lộc có diện tích lớn, là nguồn cung cấp thuỷ sản nước lợ nổi tiếng trong tỉnh.

Thuỷ triều: Dọc ven biển Thừa Thiên Huế thuỷ triều rất phức tạp do nằm giữa hai vùng thủy triều phức tạp là Tây Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ dương. Vùng ven biển của tỉnh có chế độ thuỷ triều là bán nhật triều, biên độ triều thay đổi rất lớn, từ 3 - 5 m. Ở vùng biển, từ lâu con người đã lợi dụng thủy triều trong việc cho các tàu thuyền ra vào các lòng lạch, bến cảng cũng như khi đi lại trên biển, tiêu lũ, thoát úng, nuôi trồng hải sản nước lợ...Tuy nhiên, thuỷ triều lên khi có bão lụt sẽ gây ra hiện tượng triều cường đe dọa nghiêm trọng cho bờ biển.

Sóng biển: Trong mùa đông, hướng sóng chủ yếu trên biển là hướng Đông Bắc

và có thể đạt trị số trung bình khoảng 2–3 m về độ cao và 7-10 giây về chu kỳ, vùng biển Thừa Thiên Huế nằm trong vùng biển Bắc Trung Bộ là vùng có sóng lớn nhất vịnh Bắc Bộ.

Trong mùa hè, sóng gió theo hướng trùng với hướng gió mùa Tây Nam, song cường độ và tần suất đều yếu hơn sóng gió trong mùa đông: Trung bình 1 – 2 m về độ cao và 5 - 8 giây về chu kỳ.

Sóng trong bão là loại sóng phức tạp và nguy hiểm cho mọi hoạt động trên biển và ven biển, đặc biệt nguy hiểm là sóng thần. Độ cao của sóng trong bão tới 4-5m hoặc cao hơn nữa.

Với điều kiện bờ biển của tỉnh Thừa Thiên Huế vào mùa đông sóng biển kết hợp với gió biển đã làm sạt lở một số tuyến bờ biển của tỉnh nhất là vùng bờ biển các xã Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Hải Dương (huyện Hương Trà), Thị trấn Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải (huyện Phú Vang), Vinh Hải, Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc).

Nước dâng: Khi có gió mạnh hay bão thường gây ra hiện tượng nước dâng, tùy theo cường độ gió bão có thể gây ra nước dâng cao hơn mức bình thường 10 – 30 cm và có thể truyền sâu vào sông 10-20 km. Nước dâng khi có bão đều trên 1 m, khi cực đại có thể vượt quá 2,0-2,5 m. Sự trùng lặp của mực nước triều cao nhất, sóng thần với nước dâng và sóng hải lưu sẽ làm cho mức độ phá hoại của động lực biển trở nên ghê gớm hơn.

Độ mặn nước biển: Mùa có gió Đông Bắc, nước biển có độ mặn cao (trên 33,4‰), gần các cửa sông thường thấp hơn (dưới 30‰). Mùa có gió Tây Nam, đồng thời cũng là mùa mưa, độ mặn giảm đi một cách đáng kể, có khi xuống dưới 32‰, thậm chí dưới 20-25‰ ở gần các cửa sông vừa và lớn. Biên độ trung bình năm của độ mặn nước biển tầng mặt có thể vượt quá 2‰ (10-15% ở cửa các sông lớn). Độ mặn và mức độ ngập triều sẽ quyết định đến sự xâm lấn, khả năng sinh trưởng và phát triển của các cây rừng ngập mặn cũng như khả năng nuôi trồng thủy sản ven biển.

Động lực biển và sạt lở bờ biển: Sạt lở bờ biển là quy luật tự nhiên xảy ra ở bất cứ vùng bờ biển nào trên thế giới, nhất là các vùng nhiệt đới. Trong mùa mưa bão, sóng biển là động lực chính tác động đến bờ biển. Cát bùn luôn được đánh tung lên và được dòng hải lưu chuyển ra ngoài bờ và tải đi bồi tích nơi khác. Mực nước biển quyết định độ ảnh hưởng đến bờ biển. Sự trùng lặp của mực nước cao nhất theo thuỷ triều, sóng thần với nước dâng và sóng hải lưu sẽ làm cho mức độ phá hoại của động lực biển trở nên mạnh hơn. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của mỗi yếu tố trên từng vùng biển riêng biệt hoàn toàn khác nhau. Ảnh hưởng của động lực biển là sóng, dòng hải lưu, mực nước triều trong chế độ gió mùa là nguyên nhân chính gây sụt lở bờ biển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hiện trạng và chọn dòng keo lá liềm (acacia crassicarpa) ưu tú vượt trội trên vùng đất cát ven biển tỉnh thừa thiên huế (Trang 33 - 36)