Tình hình sản xuất ngô ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo nghiệm một số giống ngô lai mới tại tỉnh quảng ngãi (Trang 25 - 27)

5. GIỚI HẠN VỀ ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

1.2.2. Tình hình sản xuất ngô ở Việt Nam

Sau năm 1975, với chủ trương nông nghiệp là mặt trận hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta, cây ngô được khuyến khích phát triển và tăng nhanh cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Trong 10 năm từ 1975 - 1985 diện tích ngô tăng 30,1%, năng suất tăng 32,3%, tổng sản lượng tăng 71,4%. Diện tích tăng nhanh nhất là ở các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, giai đoạn này sản lượng tăng chủ yếu do tăng diện tích [5].

Bước vào những năm 90 của thế kỷ trước, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và các chính sách hỗ trợ để mở rộng diện tích trồng ngô trước yêu cầu bức bách của công tác đảm bảo an ninh lương thực, nhờ sử dụng giống mới và áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác cây ngô nên diện tích, năng suất, sản lượng cây ngô ở nước ta tăng đáng kể. Từ năm 1990 đến 2000, diện tích, năng suất, sản lượng ở nước ta tăng rõ rệt do đây là giai đoạn nước ta phát triển mạnh mẽ cây ngô lai. Năm 1990 cả nước mới trồng thử 5 ha ngô lai thì năm 2000 cả nước đã có 730.200 ha ngô lai, diện tích ngô lai tăng từ 0% lên 65% chỉ trong vòng 10 năm. Đến nay, cây ngô ở nước ta không ngừng được tăng nhanh cả diện tích, năng suất và sản lượng [1], [4].

19

Trong những năm qua, nước ta đã có sự chuyển biến căn bản từ trồng ngô địa phương, trồng các giống ngô thụ phấn tự do sang trồng ngô lai và các thí nghiệm, khảo nghiệm giống ngô nhập nội cũng như chọn tạo các giống ngô lai quy ước phát triển mạnh. Vì vậy, năng suất cây ngô ở nước ta đã tăng lên đáng kể. Từ năm 1991 năng suất chỉ vào khoảng 1,56 tấn/ha, đến năm 2010, diện tích ngô của nước ta đạt 1.126,9 nghìn ha, năng suất đạt 4,09 tấn/ha, sản lượng 4,61 triệu tấn. Năm 2012, diện tích ngô của nước ta đạt 1.118,3 nghìn ha, năng suất đạt 4,30 tấn/ha và sản lượng 4,80 triệu tấn [11], [12], [13]. Tuy vậy, theo số liệu thống kê của ngành chăn nuôi, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1,785 triệu tấn ngô hạt để chế biến thức ăn gia súc [8].

Bảng 1.7. Diện tích, năng suất, sản lượng ngô ở Việt Nam từ 2000 - 2012

Năm Diện tích (1.000ha) Năng suất (tấn/ha) Sản lượng (triệu tấn) 2000 730,20 2,75 2,01 2001 729,50 2,96 2,16 2002 816,00 3,08 2,51 2003 912,70 3,44 3,14 2004 991,10 3,46 3,43 2005 1.052,60 3,60 3,79 2006 1.033,10 3,73 3,85 2007 1.096,10 3,93 4,30 2008 1.140,20 4,01 4,57 2009 1.086,80 4,08 4,43 2010 1.126,90 4,09 4,61 2011 1.121,30 4,31 4,84 2012 1.118,30 4,30 4,80 (Nguồn: [17])

20

Trong đề án phát triển ngành Trồng trọt đến năm 2020 tầm nhìn 2030, để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngô trong nước, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra chỉ tiêu đến năm 2015 sản lượng ngô đạt 6 triệu tấn hạt, đến năm 2020 ổn định 7,5 triệu tấn ngô hạt và đưa tỷ lệ sử dụng ngô lai bình quân toàn quốc lên 90 - 96% [7].

Mặc dù đã đạt được những kết quả rất quan trọng nhưng ngành sản xuất ngô nước ta vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra như: Năng suất ngô còn thấp so với năng suất ngô thế giới và rất thấp so với năng suất thí nghiệm, giá thành sản xuất còn cao, sản lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước đang tăng nhanh, sản phẩm từ ngô còn đơn điệu và công nghệ sau thu hoạch chưa được chú ý đúng mức, biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp, hạn hán, mưa bão, lũ lụt xảy ra bất thường, nhiều loại sâu bệnh mới xuất hiện. Với công tác giống, bộ giống ngô thực sự tốt, chống chịu với các điều kiện bất thuận như đất xấu, chua phèn, kháng sâu bệnh, có thời gian sinh trưởng ngắn, trung ngày đồng thời cho năng suất cao và ổn định nhằm nâng cao hiệu quả cho người sản xuất vẫn chưa nhiều. Đặc biệt, các biện pháp kỹ thuật canh tác mặc dù đã được cải thiện nhiều song vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của giống mới.

Về cơ cấu và chủng loại giống ngô; Năm 2003 - 2004, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Quốc gia và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn của 64 tỉnh thành phố trong cả nước đã tiến hành điều tra các giống cây trồng chủ lực của cả nước trong đó có cây ngô. Mười giống ngô có diện tích lớn nhất là LVN10, CP888, B9698, CP999, C919, G49, B9681, P11, LVN14 và CP989. Trong đó, giống ngô lai có diện tích 884.518 ha chiếm 84,33% diện tích trồng ngô cả nước [2].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo nghiệm một số giống ngô lai mới tại tỉnh quảng ngãi (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)