1.2.4.1. Điều kiện canh tác
Sự bùng phát của rầy nâu là sự tăng cao đột ngột về số lượng cá thể rầy, diễn biến từ lứa này đến lứa khác trong một vụ lúa. Nguyên nhân dẫn đến bùng phát của rầy nâu đến nay đã có nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu và đề xuất nhiều giả thiết .Sơ đồ “các nhân tố dẫn đến bùng phát rầy nâu” cho thấy rằng sự tăng cao đột ngột của rầy nâu gắn liền với sự tương hỗ giữa rầy nâu, cây lúa và tổ hợp các yếu tố ngoại cảnh.
Mùa vụ: ở nhiều địa phương sự chuyển đổi mùa vụ không đồng loạt và gieo sạ không tập trung, trên đồng ruộng luôn luôn có nhiều giai đoạn sinh trưởng của lúa, là cầu nối nguồn thức ăn cho rầy sinh trưởng và phát triển, thuận lợi để rầy nâu tích luỹ mật số và bùng phát gây hại mạnh.
Sự gia tăng diện tích trồng các giống lúa thơm chất lượng cao nhưng nhiễm rầy nặng như: Jasmine 85, MTL250, Nang thom cho Dao, ST1, VD20, ... và các giống nhiễm trung bình như OM1490, OM2514, OM2717, VNT 95-20, OM2517, OMCS2000, OM3536. Ða số các giống đang trồng hiện nay đều bị nhiễm rầy từ nhẹ đến nặng.
Bón thừa phân đạm: Ruộng lúa bón quá nhiều phân đạm làm tăng cao hàm lượng protein và acid amine trong cây lúa, phù hợp với yêu cầu dinh dưỡng của rầy nâu nên làm gia tăng quần thể rầy nâu (Dyck – 1973). Ở ruộng lúa bón nhiều đạm rầy nâu sống lâu hơn (Cheng – 1997) và khả năng sinh sản cao hơn (Sagawa – 1971). Cùng với sự lan truyền và hoàn thiện hoạt động sống dẫn đến quần thể rầy nâu nhanh chóng tăng cao ở những ruộng lúa bón quá nhiều phân đạm (Canno và ctv – 1977; Heinrichs và Medrano – 1985; Hu và ctv – 1986). Một số tác giả cho rằng ruộng lúa bón thừa đạm gắn liền với việc phun thuốc hóa học nhiều lần, phun nhiều lần cùng một loại thuốc hóa học là nguyên nhân quan trọng của sự bùng phát rầy nâu vốn là loài dịch hại thứ phát. [43].
Thực tế sản xuất, hơn 50% nông dân thường bón đạm theo kinh nghiệm mà không theo sự hướng dẫn. Quy luật tất yếu của rầy nâu là khi phải lựa chọn nơi di trú thì rầy nâu trưởng thành thường chọn ruộng lúa bón nhiều đạm để đẻ trứng chứ không chọn ruộng lúa nghèo đạm.
Lạm dụng thuốc hoá học: Way và Heong (1994) cũng đã đề cập đến vai trò đa dạng sinh học trong ruộng lúa tác động đến mật số rầy nâu. Việc lạm dụng phun thuốc hóa học để trừ các loài dịch hại sẽ phá hoại quần thể sinh vật bắt mồi, sinh vật ký sinh, giết hại thiên địch nói chung (Heindrichs – 1994), tạo điều kiện sinh thái phù hợp cho sự bùng phát của dịch hại thứ phát (trong đó có rầy nâu) bởi chúng được giải phóng khỏi thiên địch (Southwood và Comins – 1976). Quản lý các loài dịch hại trên đồng ruộng bằng thuốc hóa học quá mức cần thiết sẽ góp phần làm tăng khả năng kháng thuốc của rầy nâu, dẫn đến làm tăng mật số của quần thể rầy nâu (Gallagher và ctv – 1994). Đến nay quần thể rầy nâu ở Việt Nam có khả năng kháng thuốc tăng hàng trăm lần với hai nhóm hoạt chất Fipronil và Imidacloprid[8].
Kết quả mới đây của Hội thảo Quốc tế về rầy nâu lần thứ 2 do FAO và IRRI tổ chức vào tháng 5/2008 tại Viện nghiên cứu lúa Quốc tế Philippines đã khẳng định:
Nguyên nhân chính dẫn đến sự bộc phát của rầy nâu từ 2005 trở lại đây tại Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia là do phun nhiều lần thuốc trừ sâu hóa học phổ rộng, gây phá vỡ mối quan hệ 3 tầng sinh thái (Tritrophic) trong sinh quần ruộng lúa. Ruộng có phun thuốc sâu đã cắt ngắn chiều dài chuỗi thức ăn (Food chain), mang lại nhiều sâu hại hơn, làm chậm quá trình phục hồi mật số quần thể các loài thiên địch.
Tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học trên ruộng lúa theo tập quán của nông dân trong 2 thập kỷ qua đã làm gia tăng khả năng kháng thuốc của rầy nâu với một số nhóm thuốc sử dụng phổ biến như: Buprofezin, Imidaclorprid, Fipronil, Carbaryl, Diazinon, Fenitrothion, Dinotefuran, Thiamethoxam…gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với trước đây, và tình hình này không còn ở phạm vi quốc gia mà còn mang tính toàn cầu.
Việc lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học phổ rộng phun 3-4 lần/vụ đã gây phá vỡ mối quan hệ sinh thái trong sinh quần ruộng lúa, phá hủy quần thể sinh vật bắt mồi, đặc biệt là thiên địch của rầy nâu là bọ xít mù xanh, các loài nhện… là nguyên nhân dẫn đến bùng phát rầy nâu.
Mật độ gieo sạ quá dày: lượng giống gieo 140-180 kg/ha, có nơi cao hơn là điều kiện thuận lợi để rầy nâu phát sinh gây hại. Tất cả những tập quán trên tạo điều kiện cho rầy nâu phát sinh phát triển thuận lợi, tích lũy số lượng cá thể dẫn đến bùng phát thành dịch. Tuy nhiên các tập quán canh tác trên những năm qua hầu như không thay đổi nhiều .
Sạ chay và đốt đồng: lúa là cây trồng ngắn ngày, mỗi khi thu hoạch lúa là làm thay đổi hệ sinh thái, làm mất nơi cư trú của các loài ký sinh, thiên địch. Lúc này các loài ký sinh, thiên địch thường cư trú tạm thời trên cỏ bờ quanh ruộng lúa, rơm rạ còn lại trên ruộng hoặc di chuyển sang các ruộng, vườn bên cạnh. Đốt đồng sẽ làm mất nơi cư trú và giết chết chúng khi không có cây lúa trên đồng ruộng.
Ruộng có nhiều cỏ dại: cỏ dại góp phần tạo tiểu khí hậu ruộng lúa thích hợp cho rầy nâu sinh sống. Ngoài ra một số loài cỏ dại còn là ký chủ phụ của rầy nâu.
1.2.4.2. Điều kiện khí hậu
Rầy nâu thích hợp với khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm như điều kiện khí hậu của nước ta. Thêm vào đó, sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm cho thời tiết nước ta thay đổi, những cơn giông trái mùa xen kẽ nắng là điều kiện thuận lợi cho rầy nâu phát triển [28].
Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp để rầy nâu phát triển là từ 25-30 °C. Theo thí nghiệm của Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế, rầy nâu cái nuôi ở nhiệt độ 20 °C có thời gian đẻ trứng kéo dài 24 ngày, trong khi ở 30 °C thì thời kỳ này chỉ còn 3 ngày.
Ẩm độ và lượng mưa: Mưa lớn và liên tục trong nhiều ngày sẽ làm rầy trưởng thành bị suy yếu, rầy cám bị rửa trôi, đồng thời rầy cũng dễ bị nấm bệnh tấn công; trong khi mưa nhỏ hoặc mưa nắng xen kẻ, trời âm u rất thích hợp để rầy phát triển mật số. Ẩm độ thích hợp đối với rầy nâu là từ 80-86 %.
Gió: Rầy nâu có khả năng di chuyển xa và nếu có gió rầy bốc lên theo gió và bị cuốn đi có thể đến những nơi rất xa. Các báo cáo ở Nhật và Phillipines cho thấy rầy nâu di chuyển rất xa, có thể đến hàng chục ngàn cây số.
Khi điều kiện khí hậu thời tiết có ẩm độ không khí thích hợp, nhiệt độ không khí hạ thấp, trên giống lúa nhiễm rầy, cây lúa ở giai đoạn đẻ nhánh đến ngậm sữa là lúc dảnh lúa mềm, hàm lượng các chất dinh dưỡng cho rầy nâu phong phú thì trứng và rầy non phát dục hóa trưởng thành có tỷ lệ rầy cái tối đa (chiếm 70-80%), số lượng trứng đẻ của 1 rầy cái tăng cao (tối đa là: 1.474 trứng). Theo Dyck (1969) thì khi nhiệt độ không khí hạ thấp, ngày dài thì dạng trưởng thành cánh ngắn chiếm đa số, tỷ lệ cái/đực tăng cao. Như vậy, khi gặp điều kiện trên rầy nâu sẽ có chỉ số sinh sản thực tế tiến gần đến chỉ số sinh sản tối đa. Sự tăng cao mật số diễn ra sau 3 lứa liên tiếp trong một vụ thì mật số quần thể rầy nâu có thể tăng cao nhanh chóng đến 500 lần. Từ đó có thể giải thích sự biến đổi nhiệt độ tối thấp có liên quan chặt chẽ đến mức độ gây hại của rầy nâu.