1.2.2.1. Thái Bình
Thái Bình là một tỉnh thuần nông ven biển ởđồng bằng sông Hồng, thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Do vậy, vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất ở Thái Bình được triển khai thực hiện theo nhiều lĩnh vực, như tích tụ, tập trung ruộng đất lĩnh vực trồng trọt; tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển thuỷ sản; tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển chăn nuôi. Theo đó, với 17.126,68 ha đất tích tụ, tập trung ruộng đất được quy hoạch để sản xuất hàng hoá quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản, thì lĩnh vực trồng trọt có 2.978,2 ha; lĩnh vực chăn nuôi có 432,8 ha; và lĩnh vực thuỷ sản là 2.937,68 ha. Nhờ đó, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp của Thái Bình đã có nhiều đổi mới; đã và đang xuất hiện các mô hình tổ chức sản xuất mới, như: mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp để sản xuất hàng hoá quy mô lớn; phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012 (mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản); mô hình tổ hợp tác kiểu mới; các tổ chức hợp tác theo quy mô
cộng đồng, làng, xã,… (Đặng Hiếu, 2019).
Thái Bình đã thực hiện chuyển đổi 100% các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã 2012; sự chuyển đổi này đã từng bước ổn định, chất lượng hoạt động các dịch vụđược nâng cao; các liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2018, toàn tỉnh có 324 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thuỷ sản. Năm 2018, Thái Bình cũng đã thành lập mới 1 Liên hiệp hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp (đây là mô hình liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, có 4 hợp tác xã thành viên, với tổng số lao động là 3.000 người, vốn điều lệ 1,3 tỷđồng) (Đặng Hiếu, 2019).
Thái Bình hiện có 236 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với trên 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đã đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, thiết thực. Nhìn chung, qua mô hình liên kết, các hợp tác xã đã tiếp thu được tiến bộ khoa học mới, việc chỉđạo sản xuất được tập trung, đồng bộ theo quy trình chuẩn, nên đã nâng cao được giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Chẳng hạn, với tổng diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng năm là 10.778 ha sản xuất lúa giống, lúa Nhật, lúa chất lượng cao, cây màu, các hộ nông dân đã nâng cao năng suất tăng từ 5 - 10%, giá bán tăng từ 5 - 30%, chi phí giảm từ 5-10% so với sản xuất và tiêu thụ theo cách truyền thống (Đặng Hiếu, 2019).
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mô hình hợp tác xã kiểu mới, mô hình tổ hợp tác cũng được Thái Bình quan tâm triển khai thực hiện. Hiện, Thái Bình đã xây dựng được 51 tổ hợp tác, trong đó có 31 tổ hợp tác khai thác hải sản, 20 tổ hợp tác chăn nuôi. Nhìn chung, các tổ hợp tác đã phát huy được vai trò giúp đỡ, hỗ trợ nhau về vốn sản xuất, thức ăn chăn nuôi, nhân lực và công cụ sản xuất của các thành viên. Đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình, như Tổ hợp tác sản xuất, ấp nở gia cầm giống Thoa Tuyết với 35 hộ thành viên, quy mô chăn nuôi thường xuyên 100.000 gà ri lai sinh sản và ấp nở, sản xuất 2,4 triệu con gà giống/năm; thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Hoặc, với 31 tổđội khai thác hải sản xa bờ cho đội tàu vùng lộng và vùng khơi (mỗi tổ từ 6-10 tàu) đã hỗ trợ nhau, liên kết, liên doanh gắn với các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, dịch vụ, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đã phát huy được sức mạnh tập thể, giúp đỡ, bảo vệ nhau khi bị tàu cá nước ngoài lấn át, tấn công khi hoạt động trên biển, góp phần bảo đảm an ninh, tăng cường sự hiện diện của ngư dân trên biển, tham gia bảo vệ vùng biển của Tổ quốc…
1.2.2.2. Huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh
Nhận thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là hết sức cần thiết và phù hợp với một huyện nông nghiệp nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ, phát triển vùng sản xuất tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao, đến nay huyện Lương Tài đã chuyển đổi được gần 170 ha diện tích từ trồng lúa sang sản xuất rau, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả tập trung, chăn nuôi... cho hiệu quả kinh tế cao, tạo diện mạo mới cho nền sản xuất nông nghiệp của địa phương. Nhờ vậy mà giá trị 1 ha canh tác trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 171 triệu đồng/năm, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2000; toàn huyện đã hình thành 45 vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao, 74 vùng trồng cây rau màu hàng hóa, cây ăn quả tập trung, có quy mô từ 2,5 ha trở lên (Hoàng Mai, 2019).
1.2.2.3. Hà Nam
Hiện nay, tỉnh Hà Nam đã tích tụđất và xây dựng được 81 cánh đồng mẫu/1.756 ha, trong đó có gần 30 cánh đồng mẫu đạt quy mô 30ha trở lên. Để xây dựng cánh đồng mẫu thành công và hiệu quả, phải kể đến “3 cùng” trong sản xuất, đó là cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc. Giải pháp này đã được tỉnh chỉđạo ngay từ khi triển khai điểm các mô hình cánh đồng mẫu tại các huyện, thành phố. Cùng với đó là một số yêu cầu quan trọng như phải liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm; quy hoạch vùng từ 30ha trở lên/cánh đồng/vụ và phải có gắn kết 3 vụ/năm, trong đó 2 vụ bắt buộc phải “3 cùng”, còn vụđông thì lựa chọn 1 - 2 loại cây trồng hàng hoá (Mai Huê, 2019).
Như vậy hiệu quả của những cánh đồng mẫu đã được khẳng định trong quá trình sản xuất thực tế tại các địa phương. Nông dân đã nâng cao trình độ nhận thức để quản lý và làm chủ như: Tổ chức sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm hàng hoá chất lượng; đặc biệt việc áp dụng “3 cùng” đã giúp năng suất lúa đạt cao hơn năng suất lúa ngoài mô hình từ 5 - 7% và giá bán cũng cao hơn từ 8 - 10%. Riêng 30% cánh đồng mẫu thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp theo hình thức bán thóc tươi, giá cao hơn từ 10 - 15% so với giá lúa tương đương trên thị trường tại thời điểm thu mua. Cùng với cây lúa, cây trồng vụ đông được sản xuất trên cánh đồng mẫu đang phát huy hiệu quả khá tốt. Theo tính toán, nếu thời tiết thuận lợi, diện tích trồng ngô nếp, bí đỏ cho thu nhập hơn 55 triệu đồng/ha/vụ. Còn trồng dưa chuột trong cánh đồng mẫu ở một số xã ở Kim Bảng đạt tới 200 triệu đồng/ha/vụ (Mai Huê, 2019).
Trong những năm gần đây, Hà Nam đã phát triển nhiều mô hình khác nau để phù hợp với điều kiện ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tiêu biểu là mô hình “2 vụ lúa + 1 vụđông trồng cây bí xanh” cho giá trị thu hoạch khoảng 183 triệu đồng/ha; mô hình “2 vụ lúa + 1 vụđông trồng cây ngô ngọt xuất khẩu” đạt giá trị khoảng 127 triệu đồng/ha; hoặc mô hình “2 vụ lúa + 1 vụđông trồng cây ngô nếp thương phẩm” đạt giá trị khoảng 114 triệu đồng/ha (gấp khoảng 2,5 - 3 lần so với trường hợp trồng quảng canh) (Trần Quyết Chiến, 2020).