3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
3.5.1. Đánh giá chung
Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng nhận được sự quan tâm rất to lớn của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện tốt công tác này, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương dựa trên quan điểm có tính chiến lược, mang tính vừa cấp bách, vừa lâu dài; song song đó là Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, như Luật Bảo vệ rừng, các Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư, Quyết định, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... quy định và hướng dẫn công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thực tế những năm qua, các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng đã được triển khai trong thực tế cuộc sống, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy, khuyến khích toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều chính sách, pháp luật đã mang lại kết quả rất đáng khích lệ, phát huy hiệu quả nhờ phù hợp với thực tiễn cuộc sống... vẫn còn nhiều chính sách ban hành nhưng không đem lại hiệu quả, thậm chí không thực hiện được trong thực tế. Có nhiều nguyên nhân gây trở ngại, cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu có thể nói là từ cơ chế thực hiện còn nhiều bất cập, cơ chế và khả năng tài chính chưa phù hợp, chưa đáp ứng được so với yêu cầu, mong muốn của các chủ thể liên quan, nhất là chưa đảm bảo được quyền lợi thiết thực cho người dân khi tham gia bảo vệ rừng. Xuất phát từ những tồn tại, hạn chế trên, Luật lâm nghiệp năm 2017 ra đời và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.