Các nghiên cứu có liên quan đến đề tài nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tái cơ cấu sử dụng đất tại thị xã hương thủy, tỉnh thừa thiên huế (Trang 37 - 39)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

1.3. Các nghiên cứu có liên quan đến đề tài nghiên cứu

Phân bố lại quỹ đất quốc gia thời kỳ 2010 – 2020 – 2030 là một nhiệm vụ nặng nề, quyết định tốc độ của phát triển và chất lượng của quá trình tái cơ cấu kinh tế quốc dân với mục tiêu trở thành nước công nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch sử dụng đất đồng hành với quá trình dân chủ trong quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên tài sản đất đai quốc gia, không những cần có cơ sở khoa học kỹ thuật vững vàng mà còn cần có một tập thể chặt chẽ, hợp lý và lành mạnh, huy động được nguồn lực của toàn xã hội tham gia và hài hòa lợi ích trước mắt, lâu dài, cục bộ và tổng thể… và đó cũng là dấu hiệu của một quá trình phát triển văn minh (Tôn Gia Huyên, 2013) [20]. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đánh dấu bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính pháp lý cao, đồng thời thể hiện cơ sở khoa học vững chắc trong việc sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả – thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trên từng vùng. Tuy nhiên, cần có một cơ chế đồng bộ, phù hợp, đặc biệt là tăng cường quản lý sử dụng đất ở các khu công nghiệp để giải quyết đời sống cho người dân có đất thu hồi (Vũ Thị Bình, 2007) [1]. Việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất phục vụ cho Công nghiệp hóa mang lại nhiều tác động tiêu cực đến nông nghiệp, tuy nhiên, quá trình Công nghiệp hóa còn thúc đẩy khả năng tích tụ ruộng đất, quy mô sử dụng đất nông nghiệp. Các khu vực nông thôn thực hiện Công nghiệp hóa nhanh đang tạo cơ hội về nhu cầu nông sản tại chỗ để cung cấp cho khối lượng lớn lao động phi nông nghiệp. Nông nghiệp trong hoàn cảnh này cần thay đổi phương thức canh tác trên cơ sở nông nghiệp công nghệ cao, dựa vào động lực từ các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (Nguyễn Thị Hải Yến, 2013) [44]. Có 06 nhân tố tổng hợp tác động đến hiệu quả kinh tế trong sử dụng đất nông nghiệp là điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kỹ thuật – công nghệ áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, điều kiện sản xuất của hộ gia đình và thị trường . Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng trong việc giao lưu hàng hóa và tạo việc làm cho người dân địa phương [18].

Thời kỳ 2000 – 2009, cơ cấu kinh tế ngành ở Thừa Thiên Huế chuyển dịch rõ nét theo hướng Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa. Đặc biệt, cơ cấu trong nội bộ các ngành có sự thay đổi đáng kể theo hướng đẩy mạnh khai thác các lợi thế so sánh của tỉnh và tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp tăng nhanh so với các mục tiêu quy hoạch đề ra. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tiềm lực kinh tế của tỉnh, tạo việc làm, phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Thừa Thiên Huế thời kỳ 2000 – 2009 là chưa vững chắc, chưa kịp xu thế phát triển của sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, trình độ công nghệ còn lạc hậu, các tiềm năng, thế mạnh ở tỉnh chậm được phát huy. Điều đó đã làm cho tăng trưởng

của toàn bộ nền kinh tế và từng ngành chưa ổn định, chất lượng thấp, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh yếu, khả năng hội nhập chưa cao (Nguyễn Văn Phát, 2010) [24]. Như ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, để đáp ứng quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xã đã tiến hành thu hồi một số diện tích đất nông nghiệp để chuyển sang sử dụng vào mục đích khác. Quá trình này đã tạo ra nhiều cơ hội cho xã Thủy Thanh trong quá trình phát triển nhưng cũng đã tạo ra nhiều tác động đối với sinh kế của người dân bị thu hồi đất. Trong giai đoạn 2007 – 2012 xã Thủy Thanh đã thu hồi 21,70 ha đất nông nghiệp trong đó có 13,11 ha đất trồng lúa và 8,59 ha đất trồng cây hàng năm khác để chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Kết quả của việc chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trong giai đoạn 2007 – 2012 đã làm cho diện tích đất ở của xã Thủy Thanh tăng 15,70 ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tăng 2,34 ha và đất có mục đích công cộng tăng 3,66 ha từ đất nông nghiệp chuyển sang. Quá trình thu hồi đất nông nghiệp đã có những tác động rõ rệt đến sinh kế của người dân bị thu hồi đất. Ngoài ra, việc thu hồi đất nông nghiệp đã làm giảm diện tích đất canh tác của các nông hộ và làm cho cơ cấu lao động phi nông nghiệp của hộ tăng 26,90% so với trước khi bị thu hồi. Thêm vào đó, sau thu hồi đất nông nghiệp, có 22,41% % số hộ tăng thu nhập, 17,24% số hộ có thu nhập không đổi và 60,35 % số hộ có thu nhập giảm so với trước khi bị thu hồi đất. Sau khi nhận được tiền bồi thường người dân chủ yếu tập trung vào việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa và mua sắm các vật dụng gia đình và người dân gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi nghề nghiệp sau thu hồi đất nông nghiệp (Nguyễn Thị Hải, Huỳnh Văn Chương, Hồ Kiệt, Trần Văn Nguyện, 2013) [17].

CHƯƠNG 2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tái cơ cấu sử dụng đất tại thị xã hương thủy, tỉnh thừa thiên huế (Trang 37 - 39)