Qua kết quả phỏng vấn có 46/50 hộ có lấy củi làm chất đốt sinh hoạt. Củi là chất đốt chủ yếu và không thể thiếu đối với người dân miền núi, cây thân gỗ là nhiên liệu chính để làm củi, họ thường chặt cành khô, cây khô trong rừng tự nhiên của Khu bảo tồn để làm củi đun. Thành phần cây làm củi, bộ phận làm củi thường khá đa dạng.
Trước đây, họ thường chọn những cây to để làm củi nhưng hiện nay những cây to hiếm gặp, lại bị kiểm soát chặt nên họ chặt những cành nhánh hoặc những cây gỗ đã bị chặt hạ, đã bị xẻ để mang về làm củi, hầu như gặp cây nào họ chặt cây đó. Chính vì vậy, những loài như: Xoan, Nứa, Trám, Vầu, Sồi,… được nhiều hộ gia đình lựa chọn làm củi đun, vì hiện nay những cây này tương đối phổ biến trong rừng. Khi cây khô không còn họ chặt cả cây to và cả cây nhỏ còn sống. Theo người dân mỗi khi vào rừng họ thường chặt hạ những cây gỗ còn tươi để làm củi nhưng không mang về nhà ngay mà để khi nào khô thì họ mới lấy. Do tập quán
đốt lửa suốt ngày trong mùa đông để sưởi ấm nên người dân địa phương thường chọn những cây củi to, chắc, cháy đượm, ít tro về để làm củi đun,
nhưng hiện nay việc kiếm loại củi đó trở nên khó khăn hơn do rừng đã bị tàn phá nhiều nên họ thường lên rừng chặt những cành cây khô đã bị khai thác để lấy gỗ trên rừng như Nghiến, Trai, Táu,... đôi khi họ còn khai thác cả các cây đứng về làm củi như: Kháo, Sảng, Nhãn rừng, Phay, Côm, Trẩu, Dẻ... Những cây Nghiến, Trai lý được người dân lấy ở khu vực núi đá có kích thước lớn nhưng thường bị rỗng ruột, hoặc những cây gỗ đã bị khai thác còn lại bìa, cành, người dân đi rừng vác về để đun. Còn lại là những cây lấy ở khu vực núi đất và những khu rừng gần nhà có kích thước trung bình và nhỏ. Ngoài lượng củi do các thôn giáp ranh trực tiếp với Khu bảo tồn khai thác ra thì hàng năm lượng củi do các thôn khác trong khu vực vào Khu bảo tồn khai thác là rất lớn. Củi khai thác được sử dụng vào các mục đích khác nhau: Nấu cơm, đun nước, nấu cám lợn, nấu rượu, sưởi ấm và để bán chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ,….